Thứ 6, 29/03/2024 12:17:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:20, 14/08/2018 GMT+7

Phạt vạ kẻ ngoại tình - nhìn từ luật tục dân tộc Mơnông

Thứ 3, 14/08/2018 | 06:20:00 1,031 lượt xem
BP - Đồng bào dân tộc Mơnông cho phép cả nam và nữ tự do tìm hiểu, ưng ý thì tự nguyện tiến đến hôn nhân. Quan hệ hôn nhân của họ được xác lập vững chắc theo chế độ một vợ, một chồng. Vì thế, người đã có vợ, có chồng mà ngoại tình sẽ bị xử phạt rất nặng. Do đó, người nào bị làng xử tội một lần sẽ không còn dám tái phạm. Bởi vì, ngoài hao tốn tiền bạc, sức lực thì sức ép tinh thần từ cộng đồng cũng không nhỏ...

Chiều 11-8, khoảng 60-70 người là bà con, dòng họ và người dân thôn Sơn Lang, xã Phú Sơn (Bù Đăng) tụ tập tại sân nhà L.N (1994) - nhân tình của Đ.V (1986) để ăn lễ phạt vạ về tội ngoại tình. “Đây là con bò và heo thứ 2 vợ chồng Đ.V phải làm mời dân làng để “rửa” tội lỗi mà Đ.V và L.N gây ra. Muốn giữ chồng mà T.N phải cùng Đ.V vay mượn khắp nơi để có bò, heo nộp vạ” - Đ.H ở thôn Sơn Lang và là người nhà của Đ.V cho biết.

Nộp phạt cho vợ: 1 con heo và 20 triệu đồng

Vợ chồng Đ.V sinh sống ở thôn Sơn Thành, xã Phú Sơn. Một thời gian dài, Đ.V ngoại tình với L.N ở thôn Sơn Lang nhưng mãi đến khi L.N có con 6 tháng mọi chuyện mới vỡ lở. Các già làng và người uy tín cùng người dân trong thôn phải ngồi lại xử tội của Đ.V.

Mọi người chứng kiến cảnh phạt vạ Đ.V và L.N ở xã Phú Sơn (Bù Đăng) vào chiều 11-8

Ngày xử phạt được các già làng nhanh ấn định. Chiều 7-8, T.N cùng các già làng, người uy tín trong dòng tộc ngồi lại để thống nhất hình thức phạt vạ. Xung quanh là bà con, dòng họ và dân làng trong thôn cùng tụ tập chứng kiến. Đ.V cùng người tình là L.N vái lạy mọi người để xin lỗi. Già làng yêu cầu người có tội tự nhận và xin được tha thứ, hứa hẹn lần sau không tái phạm. Vợ Đ.V hỏi: “Giờ xin lỗi rồi có tái phạm không? Có muốn về ở với người mới và con không?” thì Đ.V khẳng định ở lại với vợ và hứa không bao giờ tái phạm nữa. Khi “bị hại” chấp nhận tha thứ, lúc đó mọi người bắt tay nhau bỏ qua chuyện cũ. Tuy nhiên, sau lời xin lỗi, Đ.V phải nộp phạt tội ngoại tình cho vợ 20 triệu đồng và 1 con heo để mổ thịt mời bà con và người dân trong thôn tại buổi nói chuyện đầu tiên.

Đ.H cho biết: “Mình là người nhà lại có uy tín nên được ngồi cùng già làng phân xử việc bê bối của Đ.V. Sau khi Đ.V xin lỗi và nộp phạt thì vợ bỏ qua nhưng nếu tái phạm sẽ phải nộp phạt gấp 10 lần. Lúc nộp phạt, Đ.V xin vợ giảm xuống 15 triệu đồng nhưng T.N im lặng nên phải lo nộp đủ 20 triệu đồng. Không ai muốn ăn lễ nộp phạt này đâu, chẳng ngon lành gì. Mục đích mọi người phạt chỉ vì muốn đừng ai đi vào việc làm sai trái như Đ.V”.

Thêm 2 con bò và 2 con heo để rửa tội... ngoại tình

Những tập tục trong cộng đồng người dân tộc thiểu số luôn gắn với tín ngưỡng tâm linh và người Mơnông cũng không ngoại lệ. Họ cho rằng, việc làm của Đ.V và L.N đem lại điều xui xẻo cho dân làng. Vì vậy, để đảm bảo bình yên cho thôn, sau khi nộp phạt cho vợ, ngay hôm sau Đ.V phải làm 1 con heo, 1 con bò để làm lễ rửa sạch tội lỗi trong thôn Sơn Thành - nơi vợ chồng Đ.V sinh sống. Sau đó, già làng cùng những người uy tín sẽ định ngày để người mắc lỗi tiếp tục phải mổ bò và heo lễ cúng xin thần linh tha thứ tại thôn Sơn Lang, nơi L.N sinh sống...

Tìm hiểu trên địa bàn xã Phú Sơn, chúng tôi còn biết một trường hợp khác liên quan đến ngoại tình rất đặc biệt. Đó là gia đình ông Điểu C (74 tuổi) ở thôn Sơn Lang. Hiện ông có 4 vợ và 23 đứa con (chưa kể cháu, chắt) đang ở cùng nhau. Vì bà cả không có con nên đã đứng ra tìm vợ hai cho ông. Theo tục lệ, nếu vợ tìm vợ khác cho chồng thì không bị làng phạt vạ nhưng việc tổ chức đám cưới, mổ trâu (hoặc bò) và heo mời dân làng cũng rất tốn kém. Bà này đi hỏi bà kia cho ông C cho đến khi bà thứ 4 là Thị C không đồng ý cho ông lấy bà thứ 5 thì mới dừng lại. Nhưng ông Điểu C lại phải làm lễ phạt vạ ngoại tình (với bà thứ 5). Vì cưới hỏi nhiều mà từ một gia đình khá giả, hiện gia đình ông Điểu C trở thành hộ cận nghèo của xã.

Đ.H, người uy tín trong dòng họ của Đ.V cho biết, đồng bào Mơnông quan niệm, nếu thôn để xảy ra chuyện xấu mà không làm lễ thì thần linh trừng phạt bị mất mùa, thiếu đói hoặc dịch bệnh đến chết quanh năm. Vì thế, người vi phạm buộc phải thực hiện. Nếu ngược lại sẽ bị cả làng coi thường, khinh bỉ, thậm chí bị tẩy chay, đuổi ra khỏi thôn.

Chiều 11-8, tại nhà của L.N diễn ra lễ phạt vạ. Ngoài sân, thanh niên xúm lại mổ heo, bò chia cho mọi người tới dự. Trong nhà, các già làng, người uy tín và những ai liên quan ngồi lại phân định tội lỗi của Đ.V và L.N. 2 người cùng cúi xin mọi người tha thứ. Họ còn phải viết cam kết không qua lại với nhau. Việc Đ.V hỗ trợ L.N nuôi con đến đủ 18 tuổi phải luôn có sự chứng kiến của vợ, không được tự ý đi lại một mình. Sau đó, 2 người đọc kinh cầu chúa tha tội, mong mọi người tha thứ và cầu nguyện bình an, hạnh phúc cho cả làng. Sau nghi lễ, mọi người cùng ăn uống và lúc này mới kết thúc lễ phạt vạ tội ngoại tình của Đ.V.

Đ.H cho biết thêm: “Phạt vạ trong đời sống vợ chồng của người Mơnông là một hình thức quan trọng để răn đe, giáo dục mọi người đừng “vụng trộm” khi đã nên duyên vợ chồng. Ngày nay, tập tục này được xử phạt đơn giản hơn vì vật chất đền bù, phạt vạ ít và nhiều người xoay xở được. Trước đây, luật tục của người Mơnông phạt ngoại tình cực kỳ nghiêm trọng. Luật tục coi đây là hành vi tối kỵ nhất nên ai vi phạm sẽ bị cộng đồng trừng phạt nặng nề bằng những vật phẩm rất lớn, trâu, bò cũng nhiều hơn. Vì thế, hầu hết những trường hợp trót một lần “ăn vụng”, sau khi bị phạt vạ bị “khuynh gia bại sản”. Có người suốt đời không trả hết nợ vì vay nộp vạ và làm hòa”.

Ngọc Tú

  • Từ khóa
94426

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu