Thứ 7, 20/04/2024 01:34:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 19:00, 23/10/2019 GMT+7

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

Phát triển vùng DTTS cần tránh đầu tư dàn trải

Thứ 4, 23/10/2019 | 19:00:00 155 lượt xem
BPO - Cần tập trung nguồn lực để đầu tư có trọng điểm, ưu tiên khu vực hộ nghèo, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và không để ai bị bỏ lại phía sau. Đó là những ý kiến của đại biểu Phan Viết Lượng và đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước khi thảo luận đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Đề án nhằm mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hộian ninh biên giới quốc gia…

Đại biểu Phan Viết Lượng phát biểu thảo luận tại tổ

Đại biểu Phan Viết Lượng bày tỏ sự đồng tình với việc xây dựng đề án vì đây là vấn đề mang tính cấp thiết và nhiều chính sách đầu tư ở khu vực này thời gian qua chưa đạt yêu cầu. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị trong kế hoạch để triển khai thực hiện cần phải nhận thức, quan điểm thống nhất xuyên suốt đó là ưu tiên và đảm bảo nguồn lực Nhà nước để thực hiện.

Theo đại biểu Phan Viết Lượng, thời gian qua chúng ta luôn nói ưu tiên, cụ thể là trong các chương trình mục tiêu quốc gia vừa rồi, nhưng thật ra trong phân bổ lại chưa thật sự ưu tiên và hiệu quả chưa thật sự cao do dàn trải, phân tán. Vì vậy, đại biểu đề nghị lần này chúng ta phải quyết tâm làm bằng được, đó là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với đặc thù của từng vùng miền.

Về phạm vi, đối tượng của đề án, theo đại biểu là rộng nhưng ngân sách Nhà nước có hạn. Vì vậy cần rà soát đánh giá lại nguồn lực khả năng của Nhà nước để có sự đầu tư phù hợp. Trong đó, tập trung vào đối tượng nghèo, cận nghèo, ưu tiên vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.

Việc phân định vùng cần có tiêu chí nghiêm túc, không tràn lan, mở rộng và nên tích hợp các chính sách. Ưu tiên đầu tư vào phát triển lâm nghiệp, chăn nuôi, đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào các dân tộc. Đồng thời, đề án phải phân bổ nguồn lực để đầu tư hạ tầng, văn hóa, giáo dục, y tế, đào tạo nghề… Đây là cơ sở để đẩy lùi hủ tục và nâng cao chất lượng cuộc sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại biểu Phan Viết Lượng đề nghị trong quá trình thực hiện cần đảm bảo công khai minh bạch, phân công trách nhiệm rõ ràng. Vì lâu nay sự phối hợp thực hiện chưa tốt, mỗi bộ ngành quản lý một nguồn dẫn đến trong đánh giá tổng hợp hiệu quả chưa đảm bảo…

Đánh giá cao tính cấp thiết của đề án, song Phó Trưởng trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Điểu Huỳnh Sang đề nghị cân nhắc với nguồn lực đầu tư và bày tỏ sự thống nhất với quan điểm của đại biểu Phan Viết Lượng, đó là nên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để xóa dần khoảng cách giữa các vùng.

Trong đề án, Chính phủ cũng đã có đánh giá về thành tựu của những chính sách đã đầu tư thời gian qua trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho rằng đánh giá chưa đầy đủ, cần làm rõ, bổ sung những thành tựu đạt được, nhất là việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo cũng như xây dựng nông thôn mới.

Về nhiệm vụ, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị tập trung giải quyết những vấn đề bức thiết. Nhiều nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong đề án tính khả thi không cao. Điển hình như việc bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch, các địa phương rất bức xúc khi dự án thì nhiều, nhưng chủ yếu trên giấy vì nguồn vốn đến năm 2020 không có. Do vậy trong đề án cần làm rõ nguồn vốn này.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang nhấn mạnh, đề án phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, giảm nghèo nhanh, bền vững, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trần Thể

  • Từ khóa
30805

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu