Thứ 4, 24/04/2024 21:44:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 06:16, 11/07/2019 GMT+7

Phát triển du lịch cộng đồng gắn với quảng bá sản phẩm truyền thống

Thứ 5, 11/07/2019 | 06:16:00 1,262 lượt xem

BP - Lộc Khánh là xã thuộc diện khó khăn của huyện Lộc Ninh, có 714 hộ/2.847 người dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 45,27% số hộ dân toàn xã. Là xã thuần nông, người dân phát triển kinh tế chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp; bản sắc văn hóa của người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS rất đa dạng, đặc sắc. Vì vậy, việc đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, gắn với quảng bá sản phẩm truyền thống của người DTTS nơi đây là hướng đi mới, cho thấy tư duy làm kinh tế của bà con đã thay đổi. Nếu đầu tư bài bản, Lộc Khánh sẽ là điểm đến lý tưởng của du khách. Ông Trần Quang Vinh, Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh cho biết: Về Lộc Khánh, du khách sẽ có cơ hội được sinh hoạt, trải nghiệm những hoạt động lao động sản xuất cùng người dân; tham gia các lễ hội đặc sắc của người Khơme như lễ xuống đồng, phá bàu... và thưởng thức lời ca, điệu múa, âm nhạc truyền thống của bà con nơi đây.

Đồng chí Trần Thị Ánh Tuyết, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Lộc Ninh tham quan sản phẩm mây tre đan của người dânĐồng chí Trần Thị Ánh Tuyết, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Lộc Ninh tham quan sản phẩm mây tre đan của người dân

Đến Lộc Khánh, du khách còn được chiêm ngưỡng sự kỳ vĩ, nét độc đáo của chùa Sóc Lớn - ngôi chùa của đồng bào Khơme có tuổi đời cao nhất ở Bình Phước, được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đề án phát triển du lịch cộng đồng dựa trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc Khơme; đồng thời là điểm kết nối với các khu di tích quan trọng khác của huyện Lộc Ninh. Nghề truyền thống của cộng đồng người Khơme ở xã Lộc Khánh khá đa dạng như đan chiếu, tấm trải sàn nhà với vật liệu chủ yếu là cây lùng mọc tự nhiên ở ven suối, bưng với độ bền cao, không bị mối mọt ăn. Ngoài ra, các vật dụng như gùi, thúng, lồng, rổ rá... cũng được người dân tự tay làm để phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Các sản phẩm này có thể biến tấu mang tính thẩm mỹ, nghệ thuật, để trang trí, làm đồ lưu niệm phục vụ du lịch.

Ông Trần Quang Vinh cho biết thêm: Đề án phát triển du lịch cộng đồng xã Lộc Khánh trước đây do Sở Kế hoạch và Đầu tư làm chủ dự án, sau đó chuyển qua Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (nay hợp nhất để thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh) quản lý. Sau đó, do việc sáp nhập một số cơ quan thuộc các sở, ngành đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện đề án. Chính quyền xã mong muốn được tỉnh chấp thuận giao dự án về huyện Lộc Ninh quản lý để việc triển khai thực hiện tốt hơn. Trước mắt xã thành lập Tổ nghề mây tre đan để duy trì hoạt động sản xuất của người dân.

Thông qua du lịch, các sản phẩm truyền thống của cộng đồng người Khơme ở Lộc Khánh được quảng bá rộng rãi để du khách có thể mua về phục vụ sinh hoạt hằng ngày hoặc làm đồ lưu niệm, quà tặng. Các sản phẩm này dần được nhiều người biết đến, sức mua sẽ tăng lên, từ đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Để làm được điều đó, trước mắt sẽ tập trung nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm truyền thống để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng cũng như du khách.

Văn Hùng

  • Từ khóa
94002

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu