Thứ 5, 25/04/2024 13:22:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thế giới 09:47, 29/11/2017 GMT+7

Phát minh giấy và nghề in

Thứ 4, 29/11/2017 | 09:47:00 1,267 lượt xem
BP - Thời cổ đại, khi chưa có giấy con người sử dụng các thanh tre, gỗ để khắc chữ lên đó. Vì vậy, để có một cuốn sách phải dùng đến mấy ngàn thanh tre, gỗ rất tốn kém và công phu. Năm 105 sau Công nguyên, Sái Luân (Trung Quốc) đã cải tiến nghề làm giấy trên cơ sở giấy từ thời Tây Hán bằng việc dùng vỏ cây, dây đay, vải rách, lưới hỏng làm nguyên liệu. Loại giấy này được gọi là “Giấy Sái hầu”.

Lúc này, để có nhiều cuốn sách phải huy động rất nhiều người ngồi chép lại vừa tốn kém, mất thời gian, nhiều khi lại bị “thất bản”. Đến thời Xuân Thu chiến quốc đã xuất hiện việc khắc bia, khắc dấu trên đá để đóng vào giấy tờ, là khởi nguồn của nghề in. Năm 175, học giả Sái Ung đề nghị nhà Đông Hán khắc Ngũ Kinh vào 46 tấm bia đá dựng trước nhà Thái học để học sinh bắt chước viết theo. 200 năm sau, một học sĩ đã lấy giấy vỗ vào mặt bia đá này tạo ra ấn phẩm in đầu tiên trên thế giới. Từ sản phẩm này cùng với gợi ý của con dấu, loài người đã biết khắc chữ vào ván gỗ giống như con dấu rồi đem in ra giấy. Bản in cổ nhất còn lưu lại đến ngày nay là cuốn “Kinh Kim Cương” được in vào năm 868, dưới triều đại nhà Đường.

Đến thời nhà Tống, một học trò tên Tất Thăng đã cải tiến bản in bằng mộc khắc bản in thành các chữ rời. Để có bản in chữ rời, Tất Thăng đã dùng đất sét tạo thành các phôi thô. Một đầu phôi được khắc chữ ngược rồi đưa vào lò nung tạo thành các chữ rời bằng sứ. Các chữ rời này xếp thành một bản. Sau đó dùng một khung ván bằng sắt được phủ một lớp sáp và nhựa thông rồi xếp các chữ rời vào khung và hơ lên lửa. Khi sáp và nhựa thông chảy ra, người ta lại lấy một mặt ván phẳng ép lên, sáp và nhựa thông đông cứng, chữ rời sẽ bám vào mặt ván. Để in, người ta quét mực lên tấm ván này và đặt giấy lên đó lăn qua, ép lại thành bản in trên giấy.

Đến thời nhà Nguyên, Vương Trinh đã cải tiến việc in bằng chữ gốm của Tất Thăng thành chữ gỗ và sáng chế ra “bàn chữ” chuyển động được. Theo đó, bàn chữ được thiết kế giống một chiếc bàn tròn có thể chuyển động tự do để giảm công sức và thời gian cho người sắp chữ. Đến thời nhà Minh, người Trung Quốc lại sáng chế ra chữ thiếc, chữ đồng và chữ chì. Giữa thế kỷ XVIII, người Trung Quốc đã dùng chữ đồng để in 1 vạn cuốn “Cổ Kim đồ thư tập thành”; dùng chữ gỗ để in 2.300 quyển “Võ anh điện tụ trân bản tùng thư”.

Nghề in xuất hiện và phát triển đến hoàn thiện tại Trung Quốc sau đó được lan truyền ra các nước khác. Đến thế kỷ XV, người châu Âu đã nắm vững kỹ thuật in ban đầu từ bản gỗ rồi dần phát triển đến bản in bằng kim loại... Nhưng tất cả phát minh hay sáng kiến của người châu Âu đều đi sau phát minh của của Tất Thăng hơn 400 năm. Vì vậy, Trung Quốc được các nhà nghiên cứu lịch sử thế giới đánh giá là quê hương của nghề in.

 T. Phong
(Trích nguồn 102 sự kiện nổi tiếng thế giới)

  • Từ khóa
66555

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu