Thứ 7, 20/04/2024 18:22:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:39, 29/11/2015 GMT+7

Phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức đoàn thể

Chủ nhật, 29/11/2015 | 07:39:00 1,445 lượt xem

BP - Vai trò của MTTQ và các tổ chức đoàn thể là vô cùng quan trọng. Bởi hoạt động của MTTQ không chỉ khoanh vùng trong phát động các phong trào mà còn phát huy khối đại đoàn kết toàn dân và nội lực trong nhân dân. Bên cạnh đó, mặt trận, các đoàn thể còn có chức năng, nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội đã được luật định, góp phần to lớn trong xây dựng đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng đánh giá MTTQ và các đoàn thể “phát huy ngày càng tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cùng Đảng, Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tham gia xây dựng đảng, quản lý nhà nước, quản lý xã hội, góp phần tích cực vào những thành tựu chung của đất nước”.

Toàn Đảng, toàn dân đang ra sức đưa Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đi vào cuộc sống. Việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho tập thể, cá nhân chưa bao giờ được triển khai sâu rộng như mấy năm nay. Lấy ý kiến tới cơ sở và các cơ quan, cá nhân liên quan. Mặt trận, các đoàn thể là tổ chức đại diện tiếng lòng của người dân, hơn bao giờ hết cần phát huy sức mạnh, dám nói thẳng, nói thật, đấu tranh đến cùng với những sai trái. Đó là nạn tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu... của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Thời gian qua, MTTQ tích cực phối hợp với HĐND đổi mới, nâng cao chất lượng các kỳ tiếp xúc cử tri theo hướng tổ chức chuyên đề hoặc chọn địa điểm ở ấp, khu phố, vận động người dân tích cực tham gia xây dựng đảng, chính quyền. Tổ chức thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt do HĐND bầu cũng như tham gia đóng góp và phiếu lấy ý kiến nhận xét của cán bộ, đảng viên, công chức ngày càng đi vào thực chất. Từ đó góp phần giúp mỗi cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng tu dưỡng đạo đức, nghiên cứu học tập nâng cao nghiệp vụ.

Trước sự suy thoái về đạo đức, tham ô, lãng phí, quan liêu của một số cán bộ, đảng viên, tuy đã được ngăn chặn, song vẫn chưa được đẩy lùi nên cứ lặp lại trong mỗi kỳ tổng kết, đánh giá là điều người dân khó chấp nhận và cảm thông. Nghị quyết Trung ương 4 đã đáp ứng nguyện vọng của người dân, bởi mọi yếu kém không còn nêu chung chung, mà được nêu ra một cách trực diện, có 3 nhóm giải pháp rất mạnh và quyết liệt. Gần 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng “góp phần siết lại kỷ luật, kỷ cương, có tác dụng cảnh báo, răn đe, cảnh tỉnh và ngăn chặn hành vi tiêu cực, tạo tiền đề đẩy mạnh công tác xây dựng đảng, đưa tự phê bình và phê bình trở thành công việc thường xuyên trong đảng... Đã nhận dạng rõ hơn, sâu sắc hơn, cảnh báo và bước đầu ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Bước đầu kiềm chế, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, lãng phí” (dự thảo Văn kiện XII). Tuy nhiên kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra, bởi tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra phổ biến.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Dân là những người nhiều “tai mắt”, biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, nhanh chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”. Vì vậy, công tác xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh sẽ không đạt mục tiêu nếu như không có sự tham gia tích cực, chủ động của mặt trận, đoàn thể, không có sự tham gia của khối đại đoàn kết toàn dân. Vấn đề này đã được Đảng ta chú trọng qua việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ, các đoàn thể và quy định về việc MTTQ, các đoàn thể và nhân dân góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền.

Cơ chế đã có, vấn đề Đại hội XII đang đưa ra và quyết tâm thực hiện mạnh mẽ chính là “đảm bảo phát huy dân chủ trong Đảng là hạt nhân để phát huy đầy đủ dân chủ trong xã hội” (dự thảo Văn kiện Đại hội XII). Thực tế cho thấy, trình độ của cán bộ làm công tác mặt trận, các đoàn thể ở cơ sở còn nhiều hạn chế, việc đào tạo chưa thực sự được quan tâm; thiếu thông tin về cán bộ để phục vụ giám sát, nhất là liên quan đến minh bạch tài sản để phòng, chống tham nhũng, lãng phí; kinh phí hoạt động hạn hẹp, phân bổ còn cứng nhắc, chưa theo yêu cầu nhiệm vụ, thậm chí vẫn còn tình trạng cán bộ, đảng viên bị kỷ luật bên khối Đảng, Nhà nước thì điều chuyển công tác sang khối mặt trận, đoàn thể.

 Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Để MTTQ, các đoàn thể huy động sức mạnh nội lực của các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - chính trị mà cấp ủy, chính quyền đã đề ra, đặc biệt là tham gia xây dựng đảng, chính quyền theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, cần tăng cường đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, chính quyền, ưu tiên bố trí cán bộ giỏi về công tác ở khối MTTQ. Đảng, chính quyền lắng nghe tiếng nói đóng góp của mặt trận, đoàn thể, tạo cơ chế để các tổ chức phát huy vai trò của mình. Tránh tình trạng một số nơi hiện nay, khi hô hào phát động phong trào thì cần đến đoàn thể nhưng khi thực hiện chủ trương, chính sách nào lại “lơ” đi vai trò giám sát, phản biện của họ.

Nhật Hạ

  • Từ khóa
14487

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu