Thứ 7, 20/04/2024 14:12:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:03, 31/01/2015 GMT+7

Ý KIẾN ĐÓNG GÓP SỬA ĐỔI BỘ LUẬT DÂN SỰ

Phát huy trí tuệ của nhân dân

Thứ 7, 31/01/2015 | 06:03:00 1,485 lượt xem

BP - Ngày 25-12-2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 857/NQ-UBTVQH13 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi). Tiếp đó, ngày 2-1-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 01/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi). Theo đó, nội dung lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật dân sự bao gồm: quy định chung; quyền sở hữu và các vật quyền khác; Nghĩa vụ và hợp đồng; thừa kế; pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài; điều khoản thi hành; kỹ thuật trình bày các quy định của Bộ luật dân sự.

Bộ luật dân sự là đạo luật lớn, phức tạp, phạm vi điều chỉnh rộng, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, đời sống nhân dân, là luật chung, luật nền cho các luật khác trong hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm... Vì vậy, trong Kế hoạch số 01 của Chính phủ đã nêu rõ, mục tiêu của việc xây dựng Bộ luật dân sự (sửa đổi) là nhằm làm cho Bộ luật dân sự thực sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật, điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trên nguyên tắc tự do, tự nguyện bình đẳng và chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia; ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân trong giao lưu dân sự; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân sau khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực thi hành.

Tuy nhiên, để việc tổ chức lấy ý kiến được rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, bảo đảm chất lượng, tiến độ, tính thiết thực, hiệu quả cũng như sự công khai, minh bạch, khoa học và tiết kiệm, theo ý kiến của cá nhân tôi, trước hết các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND và HĐND các địa phương nghiêm chỉnh, khẩn trương thực hiện tốt Nghị quyết số 857 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kế hoạch số 01 của Chính phủ. Cụ thể là, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức lấy ý kiến trong toàn ngành về dự thảo Bộ luật dân sự. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức lấy ý kiến của các tổ chức thành viên của mặt trận đối với dự thảo Bộ luật dân sự. Hội luật gia Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát huy vai trò, huy động các thành viên tham gia tích cực vào quá trình lấy ý kiến.

Thứ hai là, việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân cần được các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng tiến hành rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, bảo đảm chất lượng, tiến độ, tính thiết thực, hiệu quả cũng như sự công khai, minh bạch, khoa học và tiết kiệm.

Thứ ba, dự án Bộ luật dân sự sửa đổi là một trong những dự án luật có vai trò rất quan trọng nhằm thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 trong việc bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; xây dựng và hoàn thiện pháp luật về dân sự, kinh tế, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Với tầm quan trọng như vậy, tôi đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo - Bộ Tư pháp cần nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc ý kiến của nhân dân để hoàn thiện dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi. Đồng thời phải công bố công khai việc tiếp thu, giải trình đầy đủ, chính xác mọi ý kiến góp ý của nhân dân.

Có như vậy thì quyền dân chủ và trí tuệ của nhân dân mới thực sự được phát huy và mang lại hiệu quả cao trong việc xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật về sau.

N.V

  • Từ khóa
12525

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu