Thứ 5, 25/04/2024 07:06:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 13:03, 02/08/2015 GMT+7

ĐÓNG GÓP Ý KIẾN DỰ THẢO BỘ LUẬT HÌNH SỰ (SỬA ĐỔI):

Phát huy tối đa trí tuệ và tâm huyết của nhân dân

Chủ nhật, 02/08/2015 | 13:03:00 1,390 lượt xem

BP - Theo Quyết định số 1076/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) thì nội dung lấy ý kiến nhân dân bao gồm toàn bộ dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), trọng tâm là những vấn đề như: Trách nhiệm hình sự của pháp nhân và loại tội pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự; phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên và các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội; việc bỏ hình phạt tử hình ở một số tội; quy định không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình trong một số trường hợp; quy định không giảm án đối với người bị kết án tử hình nhưng được ân giảm xuống tù chung thân; chuyển đổi hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn...

Trên thực tế, các bộ, ngành khi tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ xây dựng luật, nghị định đều đưa ra lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân. Kết quả, đã có rất nhiều ý kiến đóng góp thể hiện tâm huyết, trí tuệ và khả năng dự báo của người đóng góp ý kiến. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn không ít địa phương, cơ quan, đơn vị chỉ tổ chức đóng góp ý kiến một cách qua loa, chiếu lệ, không mang lại hiệu quả. Nhiều người vẫn còn nhớ, tại kỳ họp thứ 9 vừa qua, Quốc hội đã phải biểu quyết thông qua nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động (Điều 60) khi Luật Bảo hiểm xã hội vẫn chưa có hiệu lực thi hành.

Để thu hút được những ý kiến tâm huyết, chất lượng, bảo đảm cho lần lấy ý kiến toàn dân vào dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đạt được hiệu quả cao nhất, đòi hỏi cơ quan soạn thảo phải có sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Đó là công tác xây dựng kế hoạch tổ chức các hội thảo với sự tham gia của những nhà khoa học, nhà nghiên cứu, luật sư có uy tín, trình độ. Đây là nhóm đối tượng thường đưa ra những ý kiến đóng góp rất có giá trị. Đồng thời phát huy vai trò của các cơ quan báo chí truyền thông trong công tác tập hợp, chọn lọc, đăng tải những ý kiến đóng góp mang tính khả thi cao. Điều này đã khẳng định được hiệu quả qua việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đối với các cơ quan, đơn vị nên gửi tài liệu sớm để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động... có thời gian nghiên cứu trước. Khi tiến hành tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến phải phân công người chủ trì có trình độ, uy tín để quán triệt và gợi mở những nội dung cần tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến.

Chúng ta đã tổ chức lấy ý kiến của nhân dân thì phải tiếp thu tối đa, cho dù sẽ có nhiều ý kiến khác nhau, ý kiến chưa phù hợp và ý kiến không phù hợp. Điều này cũng dễ hiểu và thông cảm. Bởi vì góp ý xây dựng luật đâu phải ai cũng có đủ trình độ để góp ý. Điều mà người đóng góp ý kiến mong chờ nhất là ý kiến của họ được tiếp thu hoặc nhận được giải trình cụ thể và minh bạch nếu không được tiếp thu. Nói cách khác, mọi ý kiến đóng góp của nhân dân và các cơ quan, tổ chức nên được tổng hợp và phản hồi đầy đủ, rõ ràng.

Bên cạnh đó, cần có chế độ vinh danh, khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể có ý kiến đóng góp thiết thực, hiệu quả được tiếp thu. Mặt khác, phải kiên quyết đấu tranh vạch trần âm mưu của những kẻ thù địch, phản động lợi dụng diễn đàn lấy ý kiến của nhân dân để viết bài, phát ngôn bôi nhọ, xuyên tạc sự thật nhằm chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.                

Nguyễn Bảo

  • Từ khóa
26900

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu