Thứ 6, 29/03/2024 13:26:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:15, 05/04/2019 GMT+7

Pháp luật phải được thực thi nghiêm

Thứ 6, 05/04/2019 | 09:15:00 187 lượt xem
BP - Lại thêm một vụ dâm ô trong thang máy chung cư. Vụ việc lần này xảy ra tại địa bàn quận 4, thành phố Hồ Chí Minh. Sự việc không chỉ gây hoang mang cho người dân sống ở chung cư mà từ chuyện này, nhiều người liên tưởng ngay tới vụ việc một tên biến thái khác ở Hà Nội sau khi sàm sỡ 1 nữ sinh viên chỉ bị phạt 200 ngàn đồng mà không khỏi bất an. Đối với vụ việc mới này, ai cũng mong rằng, đừng phạt 200 ngàn đồng rồi... huề cả làng!

Lần này, kẻ dâm ô đối với trẻ em, tất nhiên mức phạt sẽ khác. Điều 146, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội có tổ chức; 2 lần trở lên; đối với 2 người trở lên hoặc với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh... thì bị phạt tù từ 3-7 năm.

Tuy nhiên, thực tế từng có nhiều vụ việc rất rõ ràng nhưng hành trình để kẻ phạm tội phải trả giá lại khá gian nan. Đơn cử như vụ ông N.K.T phạm tội “Dâm ô trẻ em” ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Việc ông T dâm ô trẻ em xảy ra từ năm 2014 khi có một người đàn ông nước ngoài chứng kiến và báo công an nhưng không được xử lý. Đến tháng 6-2016, chị Th cùng nhiều người có con bị đối tượng này xâm hại đồng lòng lên tiếng tìm công lý nhưng sự việc vẫn rơi vào im lặng khó hiểu. Phải gần 9 tháng sau, khi có văn bản chỉ đạo của Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu lãnh đạo Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo các cơ quan tư pháp điều tra làm rõ và có kết luận về vụ việc thì vụ án, bị can mới bị khởi tố. Lòng vòng xét xử qua nhiều cấp từ tháng 11-2017 đến tháng 6-2018, có sự vào cuộc của nhiều cơ quan nhà nước, báo chí truyền thông thì ông T mới phải nhận hình phạt thích đáng: 3 năm tù về tội “Dâm ô trẻ em”.

Trước đó, vì thấy hình phạt dành cho kẻ dâm ô ở Hà Nội không tương xứng nên nhiều người dân đã “tự xử”, có “hình phạt bổ sung” bằng cách dán hình của tên này khắp nơi để cảnh báo, khiến người này phải xấu hổ... Liên tưởng tới “hình phạt bổ sung”, người ta cũng sẽ nghĩ ngay tới việc người dân thường đánh hội đồng những tên trộm chó. Bởi theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015, con chó bị trộm có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên kẻ trộm chó mới bị xử lý hình sự. Và thực tế, đối tượng trộm chó thường chỉ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Thêm vào đó, những kẻ trộm chó ngày càng chuyên nghiệp, tinh vi, hung hãn, chúng có thể tấn công, sát hại những ai đuổi bắt... Vì vậy dẫn đến tình trạng “tự xử” trong dân ngày càng nhiều, gây ra nhiều vụ án mạng đau lòng.

Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Theo đó, mọi công dân đều phải tuân thủ pháp luật. Việc người dân tự ý xử lý kẻ phạm tội đều vi phạm quy định pháp luật. Nhưng trước các vụ việc xảy ra cũng là vấn đề để các nhà lập pháp nghiên cứu ban hành luật phù hợp, vừa có tác dụng giáo dục, phòng ngừa chung vừa tránh những vụ việc “tự xử” trong dân gây ra những vấn đề đáng lo ngại cũng như nhiều hệ lụy khó lường.

An Nhiên

  • Từ khóa
109081

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu