Thứ 6, 29/03/2024 19:59:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:56, 30/05/2017 GMT+7

Phải “sống và làm việc theo pháp luật”

Thứ 3, 30/05/2017 | 09:56:00 103 lượt xem

BP - Ngày 25-5, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 705/QĐ-TTg về việc ban hành chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021. Mục tiêu tổng quát của chương trình là nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức chấp hành, xây dựng lối sống, làm việc theo pháp luật trong toàn xã hội. Chương trình đề ra nhiều mục tiêu cụ thể với từng lĩnh vực, nhóm đối tượng... Trong số đó có một mục tiêu rất đáng chú ý là từ nay đến năm 2021, tất cả trường học đều phải triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật theo chương trình giáo dục chính khóa và hoạt động ngoại khóa, có giáo viên, giảng viên dạy môn Giáo dục công dân, môn Pháp luật theo quy định.

Điều này có thể thấy, chưa bao giờ đòi hỏi nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người Việt Nam lại trở nên cấp bách như bây giờ. Điển hình là tình trạng chống người thi hành công vụ, cố tình chống đối pháp luật ngày một trở nên nghiêm trọng. Hầu như ngày nào báo chí, mạng xã hội cũng đưa tin về tình trạng này. Mới đây nhất, một phụ nữ tự nhận là nhà báo (nhưng trình thẻ là cán bộ Viện Nghiên cứu người cao tuổi) khi nghe tin người thân đi xe máy vi phạm giao thông đã không rút kinh nghiệm, lại còn đến xin cảnh sát giao thông bỏ qua. Không những vậy, khi không được chấp nhận, giữa thanh thiên bạch nhật và đường phố Hà Nội đông đúc, người này đã lập tức thóa mạ những người đang làm nhiệm vụ. Vụ việc khiến dư luận xã hội bức xúc về sự coi thường pháp luật của một “ông nọ, bà kia”.

Đây không phải lần đầu, cũng không phải chuyện hiếm, bởi thời gian qua liên tục diễn ra tình trạng chính người vi phạm lại “lớn tiếng” dọa nạt, ăn vạ, thậm chí còn tấn công lực lượng làm nhiệm vụ. Nguyên nhân dẫn tới thực trạng này thì nhiều, song trong đó có một nguyên nhân rất điển hình, trở thành sự bức xúc cho toàn xã hội. Đó là hệ quả từ những tấm gương xấu của người lớn tuổi, lớn quyền lực cùng các “cậu ấm cô chiêu” của họ đứng trên pháp luật.

Giáo dục công dân là môn học có trong nhà trường ngay từ khi hệ thống giáo dục cách mạng của nước ta ra đời. Vai trò của môn học này ngày càng được nâng cao, trở thành một trong những môn thi tốt nghiệp phổ thông trung học. Thế nhưng, một thực tế đáng tiếc là ngược lại với điều đó, đạo đức của một số người  trong xã hội ngày càng đi xuống. Những giá trị cốt lõi về lòng tự trọng, danh dự, nhân phẩm, sự cống hiến... bị thách thức bởi sự giả dối, háo danh, ỷ lại, đố kỵ... Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là những điều giáo dục trong nhà trường “xa lạ” với ngoài xã hội, “nói một đường nhưng làm thì phải một nẻo” trở thành “lẽ sống” của ngày càng nhiều người...

Đưa giáo dục pháp luật vào nhà trường chắc chắn sẽ mang lại những hiệu quả nhất định đối với việc xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật, các chỉ tiêu về con số có thể sớm đạt kế hoạch. Tuy nhiên, nếu không thực hiện được “luật pháp bất vị thân” - nguyên tắc sống còn, nguyên lý cơ bản nhất để xây dựng pháp luật và cũng là điều kiện quan trọng nhất để pháp luật thực thi được - thì kết quả ấy chẳng khác nào căn nhà được làm trên một nền móng không vững chắc. Khi luật pháp nghiêm minh và công bằng giữa tất cả mọi người, lúc đó không cần đưa pháp luật vào giảng dạy ở đâu, không cần phổ biến mọi lúc mọi nơi, tự khắc xã hội cũng sẽ sống và làm việc theo pháp luật.

Trần Phương

  • Từ khóa
108645

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu