Thứ 5, 25/04/2024 08:09:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 10:25, 21/12/2014 GMT+7

Phải quyết liệt với hàng giả

Chủ nhật, 21/12/2014 | 10:25:00 104 lượt xem
BP - Hàng lậu, hàng giả đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, khiến người tiêu dùng hoang mang, nhất là vào dịp cuối năm. Quốc nạn này không những phá hoại nền sản xuất trong nước mà còn làm xấu đi môi trường đầu tư kinh doanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín quốc gia.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, tính đến hết tháng 11-2014, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thực hiện 120.000 lượt kiểm tra (tăng 10.000 lượt so với năm 2013), trong đó xử lý gần 64.000 vụ vi phạm, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái; xử lý vi phạm hành chính 187 tỷ đồng, tăng 21% so cùng kỳ. Trị giá số hàng hóa tịch thu chưa bán khoảng 140 tỷ đồng, trị giá hàng tiêu hủy khoảng 40 tỷ đồng, tăng 9%. Tuy nhiên, theo nhận định của các cơ quan chức năng thì tình hình hàng giả, hàng nhái hiện vẫn rất nghiêm trọng và xảy ra trên diện rộng. Các mặt hàng bị làm giả cũng rất đa dạng, từ rẻ tiền đến cao cấp, thậm chí cả những mặt hàng liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng như: Thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, đồ ăn thức uống... Đáng báo động hơn hiện nay là sản phẩm nào có uy tín, lợi nhuận cao thì lập tức bị hàng giả tấn công, với tốc độ làm giả ngày càng nhanh hơn, rẻ hơn và tinh vi, nhiều so với trước đây. Nguồn hàng giả cũng đa dạng từ nước ngoài đưa vào thị trường Việt Nam chiếm tới 60%.

Đặc biệt, có một số doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài đặt hàng, rồi gắn nhãn mác Việt Nam hoặc nhãn mác các thương hiệu nổi tiếng của các nước rồi đưa về Việt Nam tiêu thụ. Nguyên vật liệu làm ra các loại hàng giả này đều do nước ngoài cung cấp, nhưng lại mang nhãn hiệu “Made in Việt Nam” hoặc không ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ. Theo các chuyên gia kinh tế, để dẫn tới tình trạng bùng nổ hàng giả, hàng nhái như hiện nay có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có bản thân doanh nghiệp sợ người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm của mình nên không dám lên tiếng và phối hợp với cơ quan chức năng để ngăn chặn. Và nguy hại hơn là vẫn còn hiện tượng tiêu cực ở một số cán bộ bảo vệ pháp luật.

Là doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả nhiều nhất, Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen Lê Phước Vũ cho biết: Hiện tôn thép chất lượng cao ở Việt Nam đang dư thừa, nhưng không ít doanh nghiệp vẫn nhập khẩu số lượng lớn tôn từ Trung Quốc với chất lượng không đảm bảo và sản xuất không theo một quy chuẩn nào. Những sản phẩm đó đã được biến hóa thành những thương hiệu nổi tiếng và có uy tín của Việt Nam. Đây là một hành động cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng. Quốc nạn hàng giả, hàng nhái đang khiến doanh nghiệp trong nước mất tính cạnh tranh và thị phần ngày càng bị co hẹp... Nếu không quyết liệt “tiêu diệt” hàng giả, hàng nhái thì nguy cơ tụt hậu, “thua ngay trên sân nhà” là điều không thể tránh khỏi.

Còn theo nhận định của Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thì nguyên nhân chính của hiện tượng này là do quy định của pháp luật vẫn còn nhiều kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng. Không những thế, vẫn còn không ít tình trạng bao che, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, sản xuất - kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của quốc nạn này. Và dư luận mong rằng, một khi đã tìm đúng nguyên nhân, các cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn, quyết liệt hơn trong việc chống hàng giả, hàng nhái. Đặc biệt là phải nghiêm trị những con sâu trong bộ máy nhà nước cố tình tiếp tay cho “quốc nạn” này.

 Hồ Văn

  • Từ khóa
108438

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu