Thứ 5, 25/04/2024 21:21:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:38, 21/04/2018 GMT+7

Phải quyết liệt hơn nữa

Thứ 7, 21/04/2018 | 09:38:00 149 lượt xem

BP - Bộ Nội vụ vừa công bố dự thảo nghị định về tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố. Nếu dự thảo được chính thức thông qua, cả nước sẽ giảm được từ 46-88 sở, ngành. Việc sắp xếp, bố trí sẽ động chạm đến quyền lợi của không ít cán bộ, công chức. Tuy nhiên phần đông ý kiến ủng hộ và mong Chính phủ, các ngành hữu quan quyết liệt hơn nữa để dự thảo sớm đi vào cuộc sống. 

Theo Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 4-4-2014 về quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố có từ 22-24 sở, ngành, cơ cấu tổ chức các sở, ngành sẽ có 5 đầu mối gồm: Văn phòng, thanh tra, phòng chuyên môn, chi cục và các đơn vị sự nghiệp... Trong quá trình hoạt động, cơ cấu tổ chức bộ máy này đã bộc lộ những bất cập như phình to về nhân sự, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Đặc biệt, gánh nặng ngân sách ngày một tăng cao, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Từ thực tiễn nêu trên, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã có nghị quyết về sắp xếp bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trên cơ sở này, dự thảo của Bộ Nội vụ đề xuất giữ nguyên 4 sở do đặc thù ngành, số còn lại sẽ được sáp nhập như 2 sở tài chính, kế hoạch và đầu tư thành sở kế hoạch - tài chính. Các sở giao thông vận tải, xây dựng thành một và có địa phương sẽ sáp nhập sở nông nghiệp với công thương... Như vậy, các tỉnh (trừ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) chỉ còn lại từ 17-19 sở, ngành thì cả nước giảm tối thiểu được 46 sở, ngành; nếu chỉ 18 sở, ngành mỗi tỉnh thì toàn quốc sẽ giảm được 88 sở, ngành.

Việc sáp nhập nói trên không chỉ làm giảm được số lượng đầu mối mà còn giảm các khoản chi về hoạt động, lương thưởng, văn phòng phẩm... cho bộ máy quản lý, hành chính. Bởi 2 sở khi đã sáp nhập thì tất yếu chỉ còn 1 ban lãnh đạo, 1 chánh văn phòng, 1 kế toán, 1 thủ quỹ, 1 thanh tra. Việc sáp nhập còn tiết kiệm các khoản chi không nhỏ về kinh phí duy tu, bảo dưỡng, trụ sở làm việc, phương tiện, thiết bị văn phòng, xe ôtô phục vụ lãnh đạo... Một điều không kém phần quan trọng là khi sáp nhập, các trụ sở, văn phòng sẽ được đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản trên đất để lấy kinh phí phục vụ an sinh xã hội, phát triển hạ tầng ở các khu dân cư và có thêm điều kiện củng cố quốc phòng - an ninh.

Tuy nhiên, việc sáp nhập sẽ ảnh hưởng quyền lợi của không ít cán bộ đương chức. Trước đây, khi thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 4-2-2008 về quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố, Bình Phước đã tách, nhập các sở, ngành như Sở Thương mại và Du lịch thành 2 để nhập với Sở Công nghiệp thành Sở Công Thương. Còn du lịch sáp nhập vào Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch; sáp nhập Sở Thủy sản vào Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... cũng đã xuất hiện các ý kiến trái chiều. Thế nhưng sau gần 10 thực hiện Nghị định số 13, các sở, ngành ở Bình Phước sau khi sáp nhập đã phát huy tốt vai trò của mình trong tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách về ưu đãi đầu tư, thu hút nguồn nhân lực, an sinh xã hội và ổn định an ninh chính trị. Vì vậy, dư luận đánh giá cao tính hiệu quả của dự thảo Bộ Nội vụ đã xây dựng.

Tấn Phong

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu