Thứ 4, 24/04/2024 19:48:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:29, 04/08/2018 GMT+7

Phải quyết liệt đổi mới

Thứ 7, 04/08/2018 | 08:29:00 92 lượt xem
BP - Những ý kiến kết luận của Thủ tướng trong công tác chỉ đạo, điều hành tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7, nhất là về những sai phạm trong thi THPT quốc gia đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Bởi những sai phạm này rất nghiêm trọng và đây không phải là lần “bê bối” đầu tiên xảy ra đối với ngành giáo dục. Vì vậy, dư luận cả nước đòi hỏi ngành giáo dục cần phải quyết liệt đổi mới chứ không thể hô hào bằng những câu khẩu hiệu chung chung như thời gian qua nữa.

Những sai phạm tại Hà Giang, Sơn La trong kỳ thi THPT quốc gia chỉ là giọt nước làm tràn ly. Vì những năm qua, ngành này đã xảy ra hàng loạt sự cố đáng buồn, làm nóng dư luận và cả nghị trường Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, tư lệnh ngành giáo dục đã phải trả lời chất vấn của các đại biểu về 3 nhóm vấn đề nóng như: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông; công tác quản lý giáo dục mầm non; giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh... Thế nhưng, sai phạm trong ngành vẫn diễn ra. Vì vậy, để ngăn chặn và chấm dứt các vấn đề nóng như hiện nay thì ngành giáo dục phải thực hiện triệt để Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Trong đó phải rà soát lại đội ngũ giáo viên để tinh giản biên chế, sắp xếp lại trường học các cấp và siết chặt các cơ sở đào tạo giáo viên...

Theo thống kê, ngành giáo dục nước ta hiện chiếm 52% tổng biên chế sự nghiệp, tương đương 1,2 triệu người. Trong đó, đội ngũ cán bộ quản lý ở bậc mầm non khoảng 36.000 người, bậc tiểu học 35.100 người và bậc THCS gần 25.000 người. Mỗi xã, phường, thị trấn đều có 3-5 trường từ mầm non đến THCS, tiêu tốn một khoản không nhỏ ngân sách. Việc sắp xếp lại thành trường học đa cấp sẽ giảm đội ngũ quản lý, giảm chi cả về lương, phụ cấp lẫn kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản. Cả nước hiện thiếu 40.000 giáo viên ở khối mầm non và tiểu học, nhưng lại thừa trên 16.000 thầy, cô giáo bậc THCS và THPT. Trong khi đó, kết thúc năm học 2017-2018 có trên 90.000 sinh viên sư phạm ra trường nhưng có tới 80.000 trường hợp không tìm được việc làm.

Tại Bình Phước, năm 2017 số biên chế được giao cho sự nghiệp giáo dục là 16.779, trong đó cấp tỉnh gần 3.000 biên chế, còn lại cấp huyện. Ngân sách phải chi trong năm 2017 cho sự nghiệp GĐ-ĐT của tỉnh gần 2.350 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 471 trường học, trong đó có 8 trung tâm giáo dục thường xuyên, 34 trường THPT, 107 trường THCS, 173 trường tiểu học và 149 trường mầm non với khoảng 1.413 cán bộ quản lý. Thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp lại trường học đa cấp thì mỗi năm Bình Phước sẽ tiết kiệm một khoản chi không nhỏ cho ngân sách để đầu tư cho lĩnh vực khác, bởi sẽ giảm gần 200 trường học các cấp và giảm ít nhất 1/3 cán bộ quản lý.

Hiện một số địa phương, trường học đang sắp xếp lại nhưng chủ yếu mới chỉ là xóa điểm lẻ. Về tinh giản đội ngũ giáo viên, những ai bị kỷ luật, thiếu trách nhiệm, dạy thêm trái phép, trục lợi... cần phải kiên quyết đưa ra khỏi môi trường giáo dục. Ngoài ra, cần xóa bỏ bệnh thành tích, không tổ chức trường chuyên, lớp chọn ở bậc tiểu học và THCS để hạn chế tiêu cực phát sinh, đồng thời lập đường dây nóng để xử lý các vấn đề liên quan đến giáo dục.

Tấn Phong

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu