Thứ 5, 25/04/2024 07:22:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:15, 15/03/2019 GMT+7

Phải nhất quán khi ban hành chính sách

Thứ 6, 15/03/2019 | 08:15:00 114 lượt xem

BP - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa ban hành Thông tư số 02/2019/TT-BNNPTNT về danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam. Thông tư được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh, sử dụng thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Tuy mới ban hành nhưng văn bản này đã gây xôn xao dư luận, nhất là với người chăn nuôi, bởi trong danh sách thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành không có các loại thức ăn truyền thống lâu nay, như rau, bèo, thân cây chuối...

Theo Thông tư 02, có 18 loại sản phẩm thức ăn chăn nuôi được bộ cho phép lưu hành, gồm: ngô, thóc, lúa mì, khoai, gluten, đậu tương, khô dầu, sắn, hạt các loại, thức ăn thô, phụ phẩm công nghệ chế biến các loại ngũ cốc DDGS, mía, các loại củ, các loại bã, thức ăn có nguồn gốc thủy sản, thức ăn có nguồn gốc động vật trên cạn, sữa và các sản phẩm từ sữa, dầu mỡ, dầu cá. Nếu theo danh mục này có thể hiểu, các sản phẩm thức ăn chăn nuôi truyền thống, được sử dụng từ xưa đến nay bị cấm lưu hành!?

Theo quy định trong thông tư, có 3 nhóm thức ăn chăn nuôi được lưu hành. Cụ thể, nhóm thức ăn đậm đặc, tổng hợp do người sản xuất tự công bố, chiếm trên 90% khối lượng sản phẩm thức ăn chăn nuôi lưu hành. Kế đến là nhóm thức ăn bổ sung như vitamin, khoáng... nhóm này có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm nên việc công bố phải thông qua thẩm định của Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT. Cuối cùng là nhóm thức ăn truyền thống, không phải đăng ký do là nguồn thực phẩm được con người sử dụng trong chăn nuôi từ trước đến nay. Do vậy, thức ăn chăn nuôi theo tập quán người dân vẫn sử dụng, không cần bất kỳ một cơ quan nhà nước nào cho phép. Nếu việc sử dụng thức ăn chăn nuôi theo tập quán của người dân có ảnh hưởng đến xã hội thì Nhà nước chỉ nên hạn chế hoặc cấm đúng loại thức ăn đó.

Nhằm giải tỏa những bất cập nêu trên, đại diện Cục Chăn nuôi cho biết, việc ban hành thông tư này nhằm gia hạn Thông tư số 26/2012/TT-BNNPTNT về danh mục tạm thời thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm được phép lưu hành tại Việt Nam. Thông tư 02 kế thừa toàn bộ nội dung của Thông tư 26 nên chưa có các danh mục sản phẩm nêu trên. Thông tư này ra đời không ảnh hưởng trực tiếp đến chăn nuôi nhỏ lẻ có sử dụng nguyên liệu truyền thống. Ngành sẽ tiếp tục cập nhật, hoàn thiện và đưa ra quy định, kỹ thuật tối thiểu để người chăn nuôi sử dụng đáp ứng đúng yêu cầu đưa ra; khuyến cáo người chăn nuôi sử dụng nguyên liệu phải đủ điều kiện...

Chăn nuôi đang là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Ngoài cung cấp nguồn thực phẩm thiết yếu phục vụ đời sống người dân và xuất khẩu, ngành còn giúp người dân tăng thu nhập, giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động, nhất là lao động nông thôn. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi nước ta cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mà nguyên nhân chính là do nguồn thực phẩm sử dụng trong chăn nuôi kém chất lượng, thức ăn không có nguồn gốc, sử dụng chất cấm và dư thừa kháng sinh. Hậu quả là nhiều người chăn nuôi bị thua lỗ nặng, phải bỏ nghề, dịch bệnh xảy ra liên miên từ năm này sang năm khác, môi trường chăn nuôi bị ô nhiễm... Vì thế, việc ban hành Thông tư 02 là cần thiết. Tuy nhiên, Cục Chăn nuôi cần sớm bổ sung, hoàn thiện đưa vào danh mục các sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán. Đồng thời, có những quy định cấm cho gia súc, gia cầm ăn các loại rau, củ, quả đã bị thối; không thả bèo ở vùng dịch, nguy cơ nhiễm e.coli...

 Lâm Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu