Thứ 5, 25/04/2024 07:24:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 14:10, 08/01/2017 GMT+7

Phải dạy con 20 năm trước khi nó sinh ra!

Chủ nhật, 08/01/2017 | 14:10:00 1,616 lượt xem
BP - Chuyện kể rằng, hoàng đế Napoleon của Pháp tiếp kiến các mệnh phụ phu nhân, đã hỏi: “Sinh con ra, các bà nghĩ phải dạy con khi nào?”.

Một bà thưa: “Tôi nghĩ phải dạy con từ thuở lên ba”.

Hoàng đế Napoleon trả lời: “Không phải”. 

Một bà khác lên tiếng: “Người ta nói dạy con khi chúng còn trong lòng mẹ”.

Hoàng đế Napoleon tiếp tục trả lời: “Không phải”.

Các bà không biết trả lời sao. Một bà lên tiếng: “Xin hoàng đế cho biết là phải dạy con khi nào?”.

Hoàng đế Napoleon trả lời: “Phải dạy con 20 năm trước khi nó sinh ra!”.

Vì sao hoàng đế Napoleon lại trả lời như vậy?

Sinh con ra, cha mẹ nào cũng muốn con mình trung thực, ngay thẳng trong đối nhân xử thế cũng như mọi vấn đề của cuộc sống. Thế nhưng, trong cuộc sống đôi khi chính cha mẹ lại là tấm gương xấu cho con về việc này. Nhiều trường hợp khi con còn nhỏ, cha mẹ “nói một đường, làm một nẻo” ngay trước mặt các con. Khi con dần khôn lớn, nhẹ thì cha mẹ đổ lỗi cho người khác hoặc biện hộ về thiếu sót, việc làm sai trái của mình, nặng thì gian dối trong làm ăn, trong ứng xử với những người xung quanh, thậm chí với chính con mình, khiến con mất niềm tin vào những điều cha mẹ dạy. Hệ quả là dần dần, không những con không trung thực, ngay thẳng với cuộc sống, mà có thể còn dối trá cha mẹ.

Một người mẹ dạy con cần phải có ý thức cộng đồng, biết yêu thương, giúp đỡ người khác. Thế nhưng, ngay sau đó người mẹ ấy xách bọc rác của gia đình ra ngõ song lại để lấn sang cổng hàng xóm một chút để bớt mùi bay vào nhà mình, sao con học được điều mẹ dạy? Một người mẹ dạy con gái phải biết giữ gìn và nhân hậu, nhưng bản thân lại lòe loẹt, mắt liếc ngang, miệng đưa dọc với đàn ông thì sao con nghe lời? Một người cha dạy con trai phải “nam nhi chi chí”, khí khái anh hùng, lời nói đi với hành động, nói lời như đinh đóng cột, nói tới đâu làm tới đó, chịu trách nhiệm về lời nói và hành động của mình... Thế nhưng khi cha nằm nhà xem tivi lại trả lời điện thoại đang “việc ngập đầu” để trốn tránh giúp đỡ bạn bè; đến nơi làm việc thì nịnh bợ cấp trên, đe nẹt cấp dưới; dạy con “thao thao bất tuyệt”, nhưng khi làm thì bắt con ốc vít không biết xoay chiều nào cho vào, xoay chiều nào cho ra... Sẽ là sai lầm nếu như cho rằng những điều đó không “ngấm” mỗi ngày một chút vào nhận thức và góp phần quan trọng trong việc hình thành nhân cách của đứa trẻ.

Có người cho rằng lời nói dối không ảnh hưởng tới ai thì chấp nhận được, thậm chí nếu có ý nghĩa tích cực còn khuyến khích nói dối. Kiểu như mẹ thấy bạn mặc một chiếc váy không hợp dáng người nhưng vẫn... khen đẹp. Hoặc nhặt được tiền ai đó đánh rơi, con thật thà hỏi tìm người bị mất trả lại thì bị mẹ nói con... ngu! Những điều đó sau này sẽ dạy con biết cách nói dối xin tiền đi học thêm nhưng thực tế là đi chơi game, uống rượu, bỏ học đàn đúm...

Có thể thấy, nền tảng giáo dục trong gia đình cực kỳ quan trọng trong việc hình thành bản tính cũng như nhân cách sống của con trẻ khi bước vào tuổi trưởng thành. Người xưa có câu “Gieo nhân nào, gặt quả nấy”, vì vậy không thể cha mẹ chủ yếu nói dối mà lại mong những đứa con sống trung thực. Con cái là tấm gương phản chiếu hình ảnh của cha mẹ. Quan trọng nhất và có ảnh hưởng lớn nhất đến trẻ chính là hành vi và lời nói của cha mẹ. Con trẻ sẽ học và lặp lại những gì mà trẻ thấy. Giáo dục qua hành vi và lời nói là giáo dục trực quan sinh động nhất, đi vào tiềm thức trẻ nhanh nhất. Muốn con có đức tính trung thực, chính trực thì chính cha mẹ phải là những người sống không dối trá...

Vì thế, xin hãy cẩn thận với những hành vi và lời nói, ngay cả trong suy nghĩ của chính mình, đừng “xả rác” vào tâm hồn non nớt của trẻ thơ. Xin đừng coi thường những hành vi và lời nói không tốt, đừng xem đó chỉ là điều nhỏ nhặt, vì hậu quả để lại trong tâm trí trẻ không hề nhỏ. Xin hãy là tấm gương tốt, trở thành người thầy tốt, người bạn tốt của con trẻ. Xin hãy ghi nhớ câu trả lời của hoàng đế Napoleon: “Phải dạy con 20 năm trước khi nó sinh ra!”.

Trần Phương

  • Từ khóa
57557

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu