Thứ 6, 29/03/2024 02:33:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:36, 14/01/2017 GMT+7

Phải có giải pháp đồng bộ

Thứ 7, 14/01/2017 | 08:36:00 117 lượt xem
BP - Ngày 6-1-2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg về đẩy mạnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế. Theo đó, từ nay đến năm 2021, mỗi năm, bộ, ngành, địa phương thực hiện giảm 1,5-2% biên chế công chức, biên chế sự nghiệp được giao năm 2015. Chỉ thị thu hút sự quan tâm của dư luận khi 2017 được Chính phủ xác định là năm đẩy mạnh xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp.

Chỉ thị số 02 có nhiều nội dung mới, đi thẳng vào vấn đề vốn được coi là nhức nhối của nền hành chính nước ta, đó là thực hiện tinh giản biên chế với những cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, không đạt tiêu chuẩn quy định. Theo Bộ Nội vụ, thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đến ngày 15-12-2016, cả nước có 46 lượt bộ, ngành và 149 lượt địa phương đề nghị thẩm tra các phương án tinh giản biên chế năm 2015, 2016, 2017 với tổng số tinh giản 21.247 người. Riêng năm 2017 có 12 lượt bộ, ngành và 43 địa phương đề nghị thẩm tra đối tượng tinh giản biên chế, với số lượng giải quyết tinh giản là 3.557 người. Trong số này, có 3.126 người hưởng chính sách về hưu trước tuổi, 423 người hưởng chính sách thôi việc ngay, 5 người hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học, 3 người hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương ngân sách nhà nước. Số liệu trên cho thấy, số lượng biên chế xác định tinh giản đa số là nghỉ hưu đúng tuổi. Việc tinh giản biên chế là tự nguyện, thiếu giải pháp tích cực để buộc thôi việc đối với những trường hợp “sáng cắp ô đi tối cắp về”, không có trình độ, năng lực yếu.

Bình Phước hiện có 267 biên chế công chức vượt so với Bộ Nội vụ giao năm 2017. Số biên chế này được tuyển dụng chính thức và đã công tác ổn định tại các sở, ngành, huyện, thị xã theo số biên chế do HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 18 (khóa VII), năm 2010 thông qua. Để giải quyết vấn đề do lịch sử để lại, tỉnh đã “tạm giao” và bố trí kinh phí chi trả lương theo hướng sử dụng nguồn vượt thu hằng năm, đồng thời cắt giảm biên chế theo từng năm, từ 2017-2021. Theo đó, cho nghỉ hưu 192 công chức, số còn lại tinh giản theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, ngày 20-11-2014 của Chính phủ, bình quân giảm 50-60 biên chế. Trong giai đoạn 2017-2021 sẽ không thực hiện tuyển mới đối với số biên chế công chức nghỉ hưu, nghỉ việc và trường hợp thuộc diện tinh giản biên chế.

“Chiếc áo” biên chế đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người. Thực tế cho thấy, rất nhiều trường hợp người mới chỉ hợp đồng nhưng giải quyết công việc tốt hơn người đã vào biên chế, có thâm niên công tác. Dù muốn nhưng có trường hợp chưa thể về hưu trước tuổi hoặc được đưa vào danh sách tinh giản biên chế, vì theo quy định, muốn nghỉ theo Nghị định số 108 thì phải 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ. Thế nhưng do sự nể nang nên rất ít người bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liền, kéo theo nhiều hệ lụy vì những người có năng lực, làm tốt công việc được giao sẽ không có cơ hội vào biên chế, từ đó không còn tâm huyết với công việc.

Như vậy, bên cạnh sửa đổi những bất cập trong chính sách hiện hành, rất nhiều vấn đề khác cần được đưa ra trên tinh thần thực hiện đồng bộ Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị, mới nhất là Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trước hết, cần kiên quyết buộc thôi việc những trường hợp không có trình độ, năng lực yếu, không chấp hành kỷ luật, kỷ cương; có cơ chế thông thoáng để có thể hỗ trợ, tạo điều kiện những người có nhu cầu muốn nghỉ được nghỉ theo nguyện vọng.

Hoàng Ngọc

  • Từ khóa
108559

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu