Thứ 5, 18/04/2024 23:31:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 07:25, 26/08/2015 GMT+7

Phải chăng kỳ thi “2 trong 1” đã thất bại?

Thứ 4, 26/08/2015 | 07:25:00 107 lượt xem

BP - Tuyển sinh vào các trường đại học đợt 1 năm 2015 đã kết thúc vào ngày 20-8. Tình hình thế nào thì những ngày qua báo chí đã phản ánh khá đậm nét. Mấy chục ngày tuyển sinh cũng là chừng ấy thời gian cả phụ huynh và thí sinh đều lo âu, bất an, thấm đẫm mồ hôi và rơi cả nước mắt!. Chưa năm nào,

công tác tuyển sinh đại học lại rối rắm, nặng nề như năm nay. Nhiều gia đình chịu cảnh cơm hàng, cháo chợ, chầu chực ở các trường đại học để rút, nộp hồ sơ cho con em mình mà không biết đậu hay trượt.

Các chuyên gia tuyển sinh từ các trường cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng xét tuyển diễn ra hỗn loạn. Trước hết là do Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) áp đặt và chủ quan. Phần mềm quốc gia cũng góp phần vào sự rắc rối của xét tuyển khi chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Quy trình, thứ tự, cách thức đăng ký xét tuyển, việc cho phép thí sinh đăng ký 4 nguyện vọng, rồi lại có thể rút hồ sơ ra, nộp vào ngay trong đợt xét tuyển đã gây ra rối loạn ở các trường. Theo lãnh đạo các trường đại học thì mùa tuyển sinh năm nay họ quá bị động. Bộ GD-ĐT liên tục có chỉ đạo từ trên xuống với văn bản quá nhiều, khiến nhà trường hôm nay làm việc này, ngày mai lại phải làm việc khác. Theo quy định của bộ, nhà trường phải công bố rõ chỉ tiêu của từng tổ hợp môn, nhưng hầu hết các trường chỉ có chỉ tiêu ngành. Nhiều phụ huynh gần như trong tình trạng tuyệt vọng, vì trường không công bố cụ thể chỉ tiêu của khối xét tuyển, nên không thể biết con mình đang ở vị trí nào, có an toàn hay không. Rất nhiều thí sinh truy cập vào các website để xem thông tin, nhưng hoặc là không biết danh sách nằm ở đâu, hoặc là dữ liệu của trường quá chung chung.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường có thể công bố điểm chuẩn vào tối 20-8. Sau đó, thí sinh có 5 ngày để có thể biết mình trúng tuyển hay trượt để làm hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung và sẽ công bố điểm chuẩn vào ngày 20-9; xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2 từ ngày 20-9 đến hết ngày 5-10 và sẽ công bố điểm chuẩn trước ngày 10-10. Nếu theo đúng lịch trình này, thì nhiều thí sinh, dù điểm cao, nếu trượt nguyện vọng 1 thì vẫn lại tiếp tục “hành trình” xét tuyển nguyện vọng 2. Điều đó cũng có nghĩa là các em phải trải qua gian nan gần 3 tháng trời mới biết số phận của mình.

Ngày 21-8, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với Bộ GD-ĐT. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã thừa nhận những bất cập trong công tác tuyển sinh vừa qua và nhận trách nhiệm về vấn đề này. Tuy vậy, nhiều phụ huynh và học sinh vẫn lo vì họ cho rằng, tuyển nguyện vọng 1 đã phức tạp như vậy, đến nguyện vọng 2 và 3, có thể sẽ còn nảy sinh nhiều phức tạp hơn nữa. Theo các chuyên gia giáo dục, một số mục tiêu kỳ thi “2 trong 1” đặt ra đến giờ tuy chưa tổng kết nhưng nhìn thấy là đã thất bại. Mục tiêu tiết kiệm chi phí cho thí sinh và công tác tổ chức thi cử coi như đã bị “phá sản”. Một giáo sư nghiên cứu về giáo dục cho rằng, kỳ thi “2 trong 1” chỉ hiệu quả khi hội đủ các tiền đề quan trọng như “Ngân hàng câu hỏi” phải đủ và đã được chuẩn hóa; đặc biệt là nhận thức việc vào đại học không phải là con đường duy nhất. Vì vậy, không nhất thiết phải vào đại học mà bỏ qua cả sở thích và thiên hướng cá nhân. Những điều kiện này ở Việt Nam chưa có nên không thể thực hiện thành công kỳ thi “2 trong 1” được.

Đức Hồng

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu