Thứ 6, 29/03/2024 14:50:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 15:45, 22/11/2014 GMT+7

Phá thế độc canh để xây dựng nông thôn mới

Thứ 7, 22/11/2014 | 15:45:00 250 lượt xem
BP - Không nằm trong xã điểm nhưng Đoàn Kết (Bù Đăng) đã hoàn thành 11/19 tiêu chí nông thôn mới. Với lợi thế của một xã có diện tích vườn điều khá cao, Đoàn Kết đang đẩy mạnh các mô hình xen canh, giúp người dân nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích canh tác.

VỐN ĐẦU TƯ Ở NGAY TRONG DÂN

Để tìm vốn đầu tư cho chương trình nông thôn mới, UBND xã Đoàn Kết đã chủ động sử dụng vốn từ chương trình xây dựng cơ bản để lồng ghép vào xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn. Hai năm qua, vốn đầu tư cho chương trình xây dựng cơ bản của xã 200 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, xã đã vận động người dân góp thêm 700 triệu đồng để duy tu, sửa chữa và nâng cấp các tuyến đường liên thôn. Nhờ cách lồng ghép này mà xã đã cứng hóa trên 70% đường giao thông. Đặc biệt là tuyến đường liên thôn 5 và 2 trước đây khá lầy lội mỗi khi mưa. Từ vốn huy động trong dân, tuyến đường đã được nâng cấp, mở rộng 3,5m bê tông, giúp việc đi lại thuận tiện hơn.

Vườn cà phê xen dưới tán điều của gia đình anh Ngô Hoàng Vũ (giữa) hứa hẹn một vụ bội thu 

Bà Nguyễn Thị Kim Quý ở ấp 5 cho biết: “Đường được duy tu bảo dưỡng, không còn lo trơn trượt như trước. Chúng tôi hài lòng với số tiền đã đóng góp vì lợi ích củ bản thân và cộng đồng”.

XEN CANH ĐỂ NÂNG CAO THU NHẬP

Theo lộ trình xây dựng nông thôn mới, năm 2015, xã Đoàn Kết phải phấn đấu nâng mức thu nhập của người dân lên 25 triệu đồng/người; năm 2018, xã hoàn thành tiêu chí số 12 về cơ cấu lao động, tỷ lệ người có việc làm thường xuyên trên 90%; năm 2020, phấn đấu thu nhập của người dân từ 40 đến 43 triệu đồng/người. Để từng bước thực hiện được các mục tiêu này, xã Đoàn Kết đã chủ động mở rộng diện tích cao su, duy trì diện tích điều gắn với xen canh có ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị canh tác. Trong tổng diện tích 10.000 ha điều của xã Đoàn Kết hiện có 6.000 ha đã được người dân xen canh cây cà phê, ca cao hoặc cây ăn trái. Trong quá trình xen canh, người dân cũng đang từng bước ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, hướng đến nền nông nghiệp sạch, bền vững.

Mục tiêu phấn đấu của xã Đoàn Kết là đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 6% hiện nay xuống dưới 3% vào năm 2015 theo đúng tiêu chí nông thôn mới. Cùng với chỉ tiêu giảm hộ nghèo, tiêu chí về giáo dục - đào tạo, đổi mới phương thức tổ chức sản xuất cũng phải phấn đấu hoàn thành vào năm 2015.

Gia đình anh Ngô Hoàng Vũ ở thôn 7 có 2 ha điều. Khi chưa xen canh cà phê, chỉ cho thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm. Sau khi xen cà phê, cả 2 loại cây trồng cho thu nhập 150 triệu đồng. Mô hình xen cây cà phê trong vườn điều ở Bình Phước không có gì mới. Cái mới là việc kết hợp phân hữu cơ với vô cơ để chăm sóc cho cây trồng hiệu quả hơn. Trước đây, mỗi năm gia đình anh Vũ đầu tư 17 triệu đồng tiền phân bón vô cơ, nhưng vụ vừa qua, gia đình anh chỉ đầu tư hơn 10 triệu đồng phân bón (6 triệu đồng phân vô cơ, 4 triệu mua phân hữu cơ) cho cả hai loại cây trồng trên cùng diện tích.

Cũng tại thôn 7, gia đình ông Trần Văn Sơn trước đây cứ loay hoay hết trồng cây vú sữa rồi đến xoài, sam-bô-chê, cây nào cũng chỉ thu trái được vài năm rồi lụi tàn do nấm bệnh. Từ khi ông trồng chôm chôm xen với măng cụt trên vùng đất hay ngập úng thì thấy 2 loại cây này khá thích hợp. Mỗi năm, 1 ha đất bưng của gia đình cho thu nhập cả trăm triệu đồng. Sau gần 15 năm, gia đình ông Sơn mới rút ra được bài học cho cây trồng trên đất bưng. Đây là bài học quý giá cho những nhà nông muốn nâng cao giá trị cây trồng trên vùng đất bưng, bàu.

NÔNG DÂN CẦN VỐN

Tỷ lệ hộ nghèo của xã Đoàn Kết hiện đã giảm còn 6%, đạt so với chỉ tiêu của chương trình nông thôn mới nhưng tỷ lệ này vẫn cao và chưa bền vững. Nguyên nhân dẫn đến nghèo của xã Đoàn Kết là do người dân thiếu vốn đầu tư sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, người nghèo rất khó tiếp cận vốn vay của ngân hàng, do điều kiện trả nợ không đảm bảo. Mức vay của hộ nghèo cũng thấp, từ 10 đến 30 triệu đồng.

Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết Bùi Thị Thúy Kiều, Trưởng ban quản lý đề án nông thôn mới của xã cho rằng: Để giúp người dân thoát nghèo bền vững thì trước hết phải tạo điều kiện để họ có vốn sản xuất. Muốn có vốn, ngân hàng chính sách xã hội cần hạ điều kiện cho vay và nâng mức vay với hộ nghèo. Đồng thời, cần đầu tư vốn phát triển kinh tế - xã hội lồng ghép theo các chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm để kích cầu nguồn vốn đóng góp trong nhân dân.     

“Hai năm trước, chúng tôi đã hoàn thiện đồ án quy hoạch và thông qua mục tiêu, kế hoạch xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 với tổng vốn đầu tư 201 tỷ đồng. Giai đoạn 2011-2015, xã phấn đấu hoàn thành 10 tiêu chí. Chỉ tiêu, công trình nào cũng cần đến tiền nhưng xã nghèo, huy động nguồn lực trong dân khó khăn. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo cao, vốn đầu tư cho xây dựng nông thôn mới chưa có. Chúng tôi không biết xoay sở thế nào. Nhưng rồi cả hệ thống chính trị vào cuộc, người dân nhiệt tình tham gia nên Đoàn Kết đã hoàn thành 11 tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới. Mừng lắm anh ơi!”

Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết  Bùi Thị Thúy Kiều

            

Đông Kiểm

  • Từ khóa
53732

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu