Thứ 5, 18/04/2024 08:01:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 07:59, 20/04/2016 GMT+7

Phá bỏ rào cản cho người khuyết tật

Thứ 4, 20/04/2016 | 07:59:00 193 lượt xem

BP - Hằng năm, người khuyết tật (NKT) có những ngày mang ý nghĩa đặc biệt, đó là Ngày NKT Việt Nam 18-4, Ngày quốc tế NKT 3-12. 

Năm nay, kỷ niệm ngày NKT, nhiều địa phương trong nước đã tổ chức các hoạt động rất thiết thực và sôi động. Tỉnh Bình Phước cũng sẽ tổ chức hội thao NKT lần 3-2016 vào ngày 20-4. Đây là sân chơi bổ ích hằng năm dành cho NKT trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê, cả nước có khoảng 7 triệu NKT, chiếm 7,8% số dân. Bình Phước hiện có khoảng gần 50 ngàn NKT (chiếm 5,5% số dân), trong đó NKT đặc biệt nặng và nặng có 6.333 người. Tuy vậy, số lượng NKT và trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng do các yếu tố xã hội, bệnh tật và chất lượng cuộc sống.

NKT là những đối tượng không may chịu thiệt thòi, bất hạnh trong cuộc sống. Vì thế việc chăm lo, bảo vệ và tạo điều kiện giúp đỡ họ từng bước vươn lên ổn định cuộc sống là trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội. Những năm qua, Bình Phước là một trong những địa phương có nhiều nỗ lực và đạt được những kết quả đáng kể trong công tác chăm sóc, giúp đỡ người tàn tật và trẻ mồ côi, góp phần giúp họ vượt qua mặc cảm, nỗ lực vươn lên hòa nhập cộng đồng. Trong tháng 11-2015, Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC), Hội Trợ giúp NKT Việt Nam (VNAH) đã phối hợp với các sở, ngành của tỉnh Bình Phước triển khai Dự án “Thúc đẩy thực thi quyền của NKT” (kéo dài đến năm 2018) và Dự án “Hỗ trợ thực thi, điều phối chính sách, quyền của NKT và trị liệu” (kéo dài đến năm 2020). Tổng kinh phí 2 dự án là 23,6 tỷ đồng, do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Chăm lo cho NKT vừa là đạo lý vừa là trách nhiệm nhưng vẫn còn không ít vấn đề mà xã hội chưa đáp ứng được. Nhiều NKT chưa nhận thức được những vấn đề liên quan đến quyền của mình. Có những trường hợp NKT khó khăn nhưng không biết tiếp cận sự giúp đỡ như thế nào hoặc vì các lý do khác mà không có được sự giúp đỡ kịp thời lúc hoạn nạn. Tuy nhiên, cản trở lớn nhất với NKT là sự kỳ thị, nó là rào cản vô hình nhưng rất tàn nhẫn. NKT thường bị từ chối cơ hội việc làm, học tập và các hoạt động xã hội. Ngoài ra, hầu hết NKT còn cho rằng khó khăn lớn nhất với họ chính là việc tiếp cận các công trình công cộng. Trên thực tế, các công trình xây dựng và hệ thống đường giao thông dành cho NKT ở Việt Nam chưa có. Do cơ sở hạ tầng nước ta còn bất cập, nhiều công trình chưa chú ý tới việc xây dựng các làn đường dành cho NKT. Luật Xây dựng và Luật NKT đã có những quy định, quy chuẩn rõ ràng đối với các công trình giao thông và một số công trình xây dựng bắt buộc phải thiết kế để NKT có thể sử dụng nhưng hầu như chưa thực hiện được. Theo lộ trình cải tạo các điều kiện tiếp cận cho NKT đến năm 2025 thì năm 2017 phải đảm bảo 50% các công trình có đường tiếp cận dành cho NKT và đến năm 2025, tất cả công trình giao thông, công trình xây dựng ở nước ta phải đáp ứng được tiêu chí này.

NKT hoàn toàn có đủ khả năng để hòa nhập với cuộc sống bình thường, họ cũng có ước mơ, hoài bão, thậm chí còn vượt trội ở nghị lực và có thể làm được nhiều việc. Tuy nhiên, những điều đó chỉ thực sự phát huy khi không còn sự kỳ thị; cộng đồng xã hội giúp họ tiếp cận những dịch vụ công cộng cơ bản nhất.

Ngày NKT Việt Nam nhắc nhở chúng ta phải phá bỏ những rào cản để chung tay chăm lo cho NKT!

Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu