Thứ 3, 23/04/2024 17:18:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 07:17, 12/05/2017 GMT+7

PCCC và CNCH cần được chuyên nghiệp hóa

Thứ 6, 12/05/2017 | 07:17:00 220 lượt xem

BP - Trên địa bàn tỉnh đang hình thành nhiều khu dân cư tập trung, ngoài ra có 8 khu công nghiệp, 1 khu kinh tế đang hoạt động. Mạng lưới phân phối và bán lẻ xăng, dầu, gas phát triển khá mạnh, gồm 226 trạm xăng, dầu, 3 trạm chiết gas, 355 cơ sở kinh doanh gas, tổng sản lượng ước đạt 2.260 tấn xăng, 60 tấn gas mỗi năm; một số lĩnh vực chế biến mủ cao su, hạt điều, gỗ; khai thác khoáng sản có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; sản xuất điện năng; trung tâm thương mại, siêu thị; kho vật liệu nổ công nghiệp; rừng... tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ cao. Vì thế, công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) đòi hỏi ngày càng phải chuyên nghiệp hơn đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Khó khăn về nhân lực, phương tiện

Thời gian qua, tình hình cháy nổ xảy ra trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Từ năm 2011 đến nay, đã xảy ra 248 vụ cháy, làm chết 9 người, bị thương 14 người, tài sản thiệt hại hơn 132 tỷ đồng. Bình quân 5 năm gần đây, mỗi năm xảy ra 48 vụ cháy, thiệt hại gần 25 tỷ đồng.

Hiện nay, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh gồm 4 đội (Tham mưu, Hướng dẫn và kiểm tra an toàn PCCC, Cảnh sát PCCC&CNCH, Cảnh sát PCCC&CNCH khu vực huyện Chơn Thành), với tổng 127 người (tính cả biên chế và chiến sĩ nghĩa vụ). Do đó, tỷ lệ cán bộ, chiến sĩ chữa cháy trên người dân là 1/15.000. Căn cứ số cơ sở trọng điểm liên quan đến quản lý PCCC thì tỷ lệ cán bộ kiểm tra an toàn PCCC trên số cơ sở là 1/100, trong khi theo quy định 1 cán bộ chỉ chịu trách nhiệm kiểm tra 70 cơ sở. Các đội PCCC&CNCH khu vực còn thiếu rất nhiều so với nhu cầu thực tế; địa bàn hoạt động rộng nên gây khó khăn trong PCCC&CNCH; cán bộ, phương tiện thiếu chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Chữa cháy bằng bình khí co2 tại hội thao kỹ thuật nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh do UBND tỉnh tổ chức - Ảnh: Sỹ Hòa

Hiện Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH được trang bị 10 xe chữa cháy, 5 xe chuyên dùng, 7 máy bơm chữa cháy, 15 bình dưỡng khí, 32 mặt nạ phòng độc, 2 mặt nạ lọc độc, 1 bộ thiết bị dụng cụ phá dỡ đa năng, 1 thiết bị cắt cáp thủy lực, 1 bộ thiết bị phá dỡ thủy lực, 1 đệm cứu người, 4 bộ dây, đai cứu người, 4 thắt lưng an toàn, 5 bộ quần áo cách nhiệt, 225 áo phao. Việc đầu tư mua sắm, trang cấp trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH của tỉnh, nhất là xe chữa cháy rất hạn chế. Hiện có 6 xe cấp mới 100%, các xe còn lại do Nhật Bản, Nga tặng, đã qua sử dụng nhiều năm, lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn khi trên đường đi làm nhiệm vụ. Ngoài ra, sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy và CNCH chỉ đáp ứng yêu cầu tối thiểu.

Hằng năm, lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH tổ chức huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và CNCH cho cán bộ, chiến sĩ trong 2 kỳ, giúp hoàn thiện hơn thao tác kỹ thuật, khả năng phối hợp. Tuy nhiên do điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ huấn luyện còn hạn chế, đặc biệt sân bãi chưa đảm bảo... đã ảnh hưởng đến kết quả huấn luyện. Đối với lực lượng chữa cháy là chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ được huấn luyện cơ bản về chiến thuật, kỹ thuật chữa cháy nhưng chưa đảm bảo tính tinh nhuệ và chuyên môn hóa. Việc tiếp nhận thông tin báo cháy qua số điện thoại 114 rất phức tạp, bởi có cả thông tin báo cháy giả, quấy rối... Trung bình mỗi năm nhận khoảng 50% cuộc gọi báo cháy thật cho trung bình 10 vụ cháy/năm, chiếm 0,39%...

Chưa chú trọng PCCC

Các sông, hồ, ao, suối cách xa trung tâm hành chính huyện, thị xã, khu dân cư, khu công nghiệp và thường cạn vào mùa khô, hơn nữa lại không có bến bãi dành cho xe chữa cháy, máy bơm chữa cháy, do đó tác động không nhỏ khi xảy ra cháy lớn, phức tạp. Toàn tỉnh đã lắp đặt 201 trụ cấp nước chữa cháy đô thị, trong đó hiện có 110 trụ bị hư hỏng không sử dụng được. Ở nhiều đô thị, hệ thống cung cấp nước chữa cháy được quy hoạch, xây dựng không đồng bộ, khoảng cách lắp đặt các trụ không đảm bảo yêu cầu. Hiện địa bàn tỉnh chưa có cơ sở sản xuất phương tiện PCCC, chỉ có duy nhất cơ sở kinh doanh phương tiện PCCC nhỏ lẻ.

Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện PCCC tại cơ quan, tổ chức và cơ sở thuộc quyền quản lý; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về thực hiện vệ sinh an toàn lao động, phòng chống cháy nổ. Tuy nhiên, một số cơ quan, tổ chức, cơ sở chưa thực sự quan tâm và tổ chức thực hiện, chưa chú trọng đầu tư kinh phí, mua sắm trang thiết bị dụng cụ, phương tiện phục vụ.

Địa bàn tỉnh hiện có 2.000 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó có 70 cơ sở sản xuất - kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế và nhiều chợ, trung tâm thương mại lớn được hình thành, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ rất cao. Tuy nhiên vẫn còn 34% các chợ chưa đảm bảo yêu cầu PCCC, đặc biệt là hệ thống thoát nạn, giao thông, cấp nước chữa cháy. Một số khu công nghiệp chưa lắp đặt đồng bộ, hoàn chỉnh hệ thống cấp nước chữa cháy theo quy định. Duy nhất tại Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc (Chơn Thành) đã thành lập đội PCCC chuyên ngành và trang bị 2 xe chữa cháy.

Trong 5 năm gần đây, cả tỉnh có trên 80 vụ cháy nhà dân, thiệt hại trên 5 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do sự cố về điện, bất cẩn trong sử dụng lửa. Thế nhưng đến nay, mới có 21 xã nằm trong chương trình xây dựng nông thôn mới thành lập đội PCCC dân phòng với 420 đội viên; các xã, phường, thị trấn còn lại chỉ có lực lượng dân quân tự vệ làm kiêm nhiệm nên hiệu quả không cao.

Tập trung đầu tư trang bị phương tiện, doanh trại

Trước thực trạng khó khăn trong công tác PCCC&CNCH trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu cụ thể giai đoạn 2017-2020 sẽ thành lập thêm 4 đội cảnh sát PCCC&CNCH khu vực Phước Long, Bình Long, Lộc Ninh, Bù Đăng, đồng thời xây dựng đề án thành lập Cảnh sát PCCC&CNCH tỉnh. Giai đoạn 2021-2030 sẽ thành lập các phòng cảnh sát PCCC khu vực Đồng Phú, Phú Riềng, Bù Đốp, Bù Gia Mập. Song song đó, biên chế, phương tiện, doanh trại cũng được phân bổ, đầu tư theo quy định.

Bên cạnh đó, quy hoạch phát triển đồng bộ hệ thống giao thông đường bộ, nâng cấp đường hẻm ở thị xã, thị trấn đảm bảo phục vụ tốt chữa cháy và CNCH. Các đơn vị, huyện, thị có giải pháp lắp đặt bổ sung, bảo vệ, sửa chữa, khắc phục hư hỏng hệ thống cấp nước chữa cháy. Khi lập quy hoạch xây dựng các khu trung tâm hành chính, khu dân cư, thương mại, khu công nghiệp... phải có hệ thống cấp nước chữa cháy. Quy hoạch xây dựng các bến bãi tại các nguồn nước tự nhiên đảm bảo cho xe chữa cháy, máy bơm chữa cháy tiếp cận thuận lợi. Thành lập đội PCCC ở cơ sở có nhiều công nhân viên làm việc, có chứa số lượng lớn chất dễ cháy, diện tích rộng. Tại các khu công nghiệp, trung tâm thương mại cần xây dựng đội PCCC chuyên trách và được trang bị xe chữa cháy, máy bơm chữa cháy; thành lập tổ PCCC đối với những cơ sở nhỏ, số lượng công nhân viên ít như cửa hàng xăng, dầu, đại lý gas, hóa chất... Tại các khu dân cư thôn, ấp phải thành lập đội PCCC dân phòng.

Để cụ thể hóa mục tiêu vào thực tiễn, UBND tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ. Cụ thể phê duyệt tổng vốn đầu tư cho đề án 688,8 tỷ đồng, trong đó đầu tư trang bị phương tiện và doanh trại giai đoạn 1 là 337,3 tỷ đồng, còn lại thuộc giai đoạn 2. Trong quy hoạch sử dụng đất của tỉnh nói chung, huyện, thị nói riêng phải bảo đảm bố trí quỹ đất để xây dựng trụ sở làm việc các đơn vị cảnh sát PCCC&CNCH ở các khu đô thị theo quy định ít nhất 5.000m2. Thường xuyên bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ cảnh sát PCCC&CNCH đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Hải Châu

  • Từ khóa
58535

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu