Thứ 6, 26/04/2024 00:15:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 20:43, 07/04/2012 GMT+7

Không sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán

Thứ 7, 07/04/2012 | 20:43:00 1,364 lượt xem

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Theo quy định tại nghị định này, quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định và độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.

* Những hành vi bị nghiêm cấm:

Nghị định cũng quy định những hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng như sau: Hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do Ngân hàng Nhà nước cấp. Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp. Mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh của cá nhân vượt mức quy định không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp. Sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán. Hoạt động sản xuất vàng miếng trái với quy định tại Nghị định này. Hoạt động kinh doanh vàng khác khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép và Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép. Vi phạm các quy định khác tại Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.



* Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng

Nghị định quy định rõ, doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ 5 điều kiện sau: Là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 năm trở lên; có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế); có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

Đối với tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ 3 điều kiện sau: Một là có vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên. Hai là có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng. Ba là có mạng lưới chi nhánh tại Việt Nam từ 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

* Phải đóng mã ký hiệu và hàm lượng trên vàng trang sức

Doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ khi đáp ứng đủ 2 điều kiện: Thứ nhất là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Thứ hai là có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

Doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ có trách nhiệm thực hiện đóng mã ký hiệu và hàm lượng vàng trên sản phẩm, công bố tiêu chuẩn áp dụng, khối lượng của sản phẩm theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tiêu chuẩn công bố áp dụng và khối lượng sản phẩm đã công bố do doanh nghiệp sản xuất.

Cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp được thực hiện gia công cho doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và phải có đăng ký gia công vàng trang sức, mỹ nghệ trong giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

PV

  • Từ khóa
22391

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu