Thứ 5, 25/04/2024 05:40:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 07:51, 01/02/2017 GMT+7

Ông giáo già 20 năm “gieo” chữ ở vùng biên

Thứ 4, 01/02/2017 | 07:51:00 339 lượt xem
BP - Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp ghé thăm lớp học “đặc biệt” của cụ Ngô Tùng Bích (76 tuổi) ở ấp Tân Hòa, xã Tân Tiến (Bù Đốp). Mặc dù tuổi đã cao nhưng cụ Bích vẫn hằng ngày cần mẫn uốn nắn từng nét chữ, hướng dẫn từng phép tính cho những đứa trẻ nghèo trong ấp. Với cụ đây là niềm vui trong sự nghiệp “chèo đò” đưa nhiều thế hệ học sinh “sang sông”.

GIEO MẦM HIẾU HỌC TỪ PHÒNG HỌC TẠM BỢ

Trước đây, cụ Bích là giáo viên tại một trường THPT ở TP. Hồ Chí Minh. Năm 1988, cụ Bích nghỉ hưu, cùng vợ là bà Văn Kim Sơn về Bình Phước sống cùng con trai. Cụ Bích nhớ lại: “Ngày tôi mới lên đây kinh tế rất khó khăn. Người dân ở đây còn nghèo nên chỉ lo làm ăn, không chú trọng đến việc học của con cái. Vì vậy, ngoài thời gian làm rẫy, tôi tranh thủ dạy một số thanh niên trong làng biết chữ để thuận tiện trong giao tiếp, buôn bán và dạy các con học sau này”.

Khi cuộc sống gia đình ổn định, thời gian rảnh rỗi nhiều, cụ nhận thấy học sinh trong ấp vùng biên tiếp thu bài giảng chậm, nhiều em vì nhà nghèo phải bỏ học. Từ đó, cụ đã có ý tưởng mở lớp học miễn phí để dạy kèm những học sinh nghèo trong ấp. Sau thời gian chuẩn bị, năm 2007 cụ mở lớp học tại nhà để dạy kèm cho học sinh yếu. Do chưa có điều kiện nên cụ Bích chỉ dựng được lớp học tạm rộng khoảng 20m2 với mái lợp tôn cũ, tường quây bằng bạt. Khi có lớp học, cụ dành tiền mua một chiếc bảng đen và đến các trường xin bàn ghế cũ sửa lại cho học sinh ngồi học. Cụ Bích kể: “Có phòng học rồi nhưng để vận động các em đến lớp là một quá trình dài. Bởi người dân phần chưa tin tưởng giao con cho mình, phần vì bận công việc nên không quan tâm đến việc học của con”. Vì vậy, cụ phải đến từng nhà vận động phụ huynh cho con em đến lớp học miễn phí. Với kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với nghề, cụ Bích đã gieo niềm đam mê học tập vào những đứa trẻ vùng biên. Chính vì tâm nguyện trong sáng của cụ đã giúp nhiều em học yếu, kém tiến bộ nhanh chỉ sau một vài tháng học tập. Tiếng lành đồn xa, học sinh tìm đến cụ Bích ngày càng nhiều, có thời điểm lên đến 30 em. Do quá tải nên ban ngày dạy học, buổi tối cụ đi xin gỗ về đóng thêm bàn học cho các cháu có chỗ ngồi.

Phòng học của cụ Ngô Tùng Bích đã được đầu tư khang trang hơn

76 tuổi, mái tóc cụ đã bạc trắng nhưng trên gương mặt phúc hậu luôn rạng rỡ nụ cười. Cụ Bích vẫn không quản ngại khó khăn truyền tinh thần ham học hỏi cho nhiều học sinh vùng biên.

LỚP HỌC 5 TRONG 1

Hiện tại, lớp học của cụ Bích có khoảng 20 em, trong đó hơn một nửa là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Đa số các em đều có hoàn cảnh khó khăn nên gia đình ít quan tâm đến việc học của con. Hơn nữa, nhiều phụ huynh không biết chữ nên cũng chẳng thể dạy các con học bài ở nhà. Từ khi cụ Bích mở lớp, những học sinh nghèo được đến đây học thêm. Lực học của các em ngày càng tiến bộ, trong đó có nhiều em đã đạt thành tích học tập tốt tại trường.

Lớp học của cụ Bích có nhiều nhóm tuổi khác nhau. Để bài giảng đạt hiệu quả, cụ sắp xếp các em theo từng khối lớp theo trình độ. Hiện trong lớp có 5 nhóm học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Mỗi tiết học, cụ phải chuẩn bị 5 “giáo án” cho 5 nhóm học sinh. Khi giờ học bắt đầu, cụ giảng dạy, ra đề toán cho học sinh lớp 3, 4, 5 làm bài. Trong khoảng thời gian đó, cụ dạy toán hoặc tiếng Việt cho học sinh lớp 1 và lớp 2. Cứ như vậy, những đứa trẻ lại ngồi cặm cụi viết chữ, làm từng phép tính. Cụ Bích lúc giảng bài trên bảng, khi thì xuống từng bàn kèm cặp các em nhỏ. Cụ cho biết: “Ấp Tân Hòa là vùng giáp biên giới Campuchia. Phần đông người dân ở đây là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp. Nhiều cháu học đến lớp 2, 3 nhưng vẫn không biết chữ; không ít em phải nghỉ giữa chừng để phụ ba mẹ làm rẫy. Chính vì vậy, tôi muốn giúp trẻ em nghèo vùng biên biết chữ để làm hành trang vào đời”.

Chị Dương Thị Hằng, mẹ của em Đàm Bế Khánh, học sinh lớp 4A2, Trường tiểu học Tân Tiến nói: “Gia đình tôi thuộc diện khó khăn, không có tiền cho con đi học thêm. Từ khi biết cụ Bích mở lớp dạy thêm miễn phí cho học sinh khó khăn và những em học lực yếu kém, tôi đã đưa cháu đến nhờ cụ dạy. Đến nay, cháu học rất tốt, năm nào cũng được tặng giấy khen. Ngoài ra, cụ Bích còn dạy các cháu biết kính trên nhường dưới, giúp đỡ mọi người, biết làm những điều hay lẽ phải”.

SỰ QUAN TÂM CỦA CHÍNH QUYỀN

So với trước đây, lớp học của cụ Bích nay đã khác rất nhiều. Không còn là nhà tạm che bằng những tấm bạt chắp vá, không còn những bộ bàn, ghế xập xệ cũ kỹ. Mùa mưa cũng không còn cảnh nước tạt tứ tung... Lớp học của cụ Bích đã được làm kiên cố, rộng rãi, thoáng mát. Toàn bộ bàn ghế cũ trước đây đã được huyện Bù Đốp và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đầu tư thay thế bằng 20 bộ bàn ghế mới. Bên cạnh đó, UBND huyện Bù Đốp còn kêu gọi các đoàn thể đóng góp được khoảng 20 triệu đồng và xã Tân Tiến cũng hỗ trợ 5 triệu đồng lợp lại mái tôn, che chắn xung quanh để lớp không bị mưa dột, gió lùa.

Ông Lê Đình Coóng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bù Đốp cho hay: “Bù Đốp là huyện biên giới nên điều kiện cũng như chất lượng giáo dục còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ học sinh là con em hộ nghèo, gia đình khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Vì vậy, việc cụ Bích mở lớp dạy học miễn phí đã góp phần quan trọng cùng với ngành GD-ĐT huyện nâng cao tỷ lệ người biết chữ ở vùng biên. Việc làm của cụ Bích rất đáng biểu dương vì đã góp phần nâng cao dân trí và giúp các em có thêm hành trang cho tương lai. Hy vọng cụ Bích có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục cống hiến vì sự nghiệp giáo dục”.

Thùy Hương

  • Từ khóa
86544

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu