Thứ 4, 24/04/2024 02:26:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 10:12, 05/10/2015 GMT+7

Ông Chu Văn Lưu: Làm giàu từ nuôi gà an toàn sinh học

Thứ 2, 05/10/2015 | 10:12:00 90 lượt xem
BP - Nhận thấy giá cao su biến động đi xuống và có thể ở mức thấp kéo dài nên gia đình ông Chu Văn Lưu ở ấp 2, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành đã chặt bỏ một số cây cao su để xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà thả vườn nhằm cải thiện kinh tế. Đồng thời tăng thêm thu nhập trên diện tích 6 ha cao su của gia đình. Quyết định sáng suốt từ năm 2014 đã tạo nên hướng đi mới cho phát triển kinh tế hộ của gia đình ông.

Mới đầu ông Lưu đầu tư chăn nuôi 1.000 con gà thả vườn, sau hơn 3 tháng xuất chuồng với trọng lượng bình quân 1,5-1,7kg/con, bán với giá 72-75 ngàn đồng/kg. Đây được coi là mức giá khá cao trong chăn nuôi gà. Sau đó, gia đình ông tiếp tục nuôi mở rộng lên 2.000 con và cho kết quả tương tự. Tuy nhiên, dù giá bán cao nhưng trừ chi phí thì lợi nhuận không đáng kể vì tỷ lệ hao hụt cao (trên 15%). Việc chăn nuôi gà bước đầu không thành công như mong đợi nhưng ông không nản lòng mà còn đúc rút được kinh nghiệm. Đó là muốn phát triển đàn và nuôi gà cho thu nhập cao thì phải học hỏi và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi. Điều này đã thôi thúc ông ra sức tìm tòi, học hỏi  nhiều nơi, mọi lúc...

Và cơ hội đến với ông khi tháng 10-2014, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Chơn Thành tổ chức lớp tập huấn “Kỹ thuật chăn nuôi gà an toàn sinh học” trong 3 ngày tại thị trấn Chơn Thành và ông được tham dự. Qua các buổi tập huấn ông đã có kiến thức và kinh nghiệm chăn nuôi, phòng, trị bệnh và biện pháp nuôi gà an toàn sinh học bảo đảm an toàn cho đàn và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng được ông ứng dụng vào việc chăn nuôi tại gia đình.

Từ đó đến nay, gia đình ông Lưu đã gặt hái thành công từ nuôi gà với thu nhập bình quân 25-30 triệu đồng/1.000 con/lứa và hằng năm là trên 200 triệu đồng do ông mở rộng quy mô 3.000 con/lứa (mỗi năm xuất 3 lứa). Hiện gia đình ông tiếp tục xây dựng chuồng trại để mở rộng quy mô 4.000-5.000 con.

Ông Lưu cho biết: “Nhờ áp dụng tốt kiến thức thu được từ lớp tập huấn tôi đã biết cách phòng và trị bệnh và nuôi gà không gây ô nhiễm môi trường do sử dụng đệm lót sinh học Balasa N01 và cho ăn thức ăn ủ bằng men vi sinh hoạt tính, làm sạch hệ thống dẫn nước bằng Hydrocare... Do đó, tỷ lệ chết và hao hụt dưới 6%, gà phát triển khỏe mạnh, chất lượng thịt thơm ngon nên được thương lái và người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn và thường mua với giá cao hơn thị trường 5.000-7.000 đồng/kg.

Với thành công này của gia đình ông Lưu, nhiều hộ chăn nuôi gà khác trên địa bàn như ông Phạm Trung Kiên (xã Minh Thành), ông Đoàn Ngọc Cường (ấp 2, xã Thành Tâm)... cũng đã áp dụng và nuôi thành công. Từ những kết quả đó cho thấy, công tác tập huấn và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho nông dân là rất cần thiết và đã có tác động rất lớn đến người chăn nuôi, không chỉ giúp họ kiểm soát bệnh dịch mà còn tạo động lực, cơ hội phát triển chăn nuôi gà không gây ô nhiễm môi trường ở nhiều gia đình. Đồng thời giúp nông dân vươn lên làm giàu, tạo việc làm ổn định. Từ thành công gặt hái được, họ còn trở thành những người có nhiều kinh nghiệm để chia sẻ với người xung quanh, hướng tới nhân rộng mô hình.

 Xuân Trường

 

  • Từ khóa
39268

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu