Thứ 5, 25/04/2024 23:03:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 06:34, 29/11/2014 GMT+7

Nuôi voi làm du lịch ở Bình Phước: Giấc mơ sắp thành hiện thực?

Thứ 7, 29/11/2014 | 06:34:00 615 lượt xem
BP - Ông Vũ Đình Trúc, Phó chi cục Kiểm lâm cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh có 8 con voi cái giống châu Á, trong đó có 3 con đang được các hộ dân ở thôn Đắk La, xã Đắk Nhau (Bù Đăng) nuôi và 1 con được một hộ ở xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) nuôi. 4 con còn lại được mua ở Tây Nguyên về. Đây là lợi thế lớn cho tỉnh trong triển khai xây dựng dự án nuôi voi phục vụ du lịch và bảo vệ rừng.

NỖI LÒNG QUẢN TƯỢNG

Chúng tôi đến thôn Đắk La gặp những người nuôi voi. Ông Điểu Nhố (53 tuổi), cho biết: “Mình nuôi con voi này hơn 25 năm rồi. Mình coi nó như con vậy. Trước kia, nơi đây toàn rừng, đường xa đi lại rất khó khăn. Gia đình mình làm rẫy nên cần sức kéo. Nhờ làm rẫy nên cũng có một ít tiền mua được voi. Năm 1990, cầm trên tay hơn 30 triệu đồng, mình lên các tỉnh Tây Nguyên tìm mua voi. Ban đầu, do không biết cách chăm sóc nên voi hay “chứng” và rất khó quản lý. Nuôi riết dần quen. Từ đó, mình mới dùng nó để phụ gia đình làm ăn”.

Anh Điểu Nhân (con ông Điểu Nhố) đang tắm cho “ông voi”

Ông Điểu Nhố kể tiếp: “Trước bà con ở đây làm lúa rẫy xa nhà nên rất cần voi kéo về. Do đó, mình đã dùng voi kéo thuê lúa cho họ. Ngoài việc kéo lúa thuê, voi còn kéo gỗ, tre, nứa... để làm nhà. Nhờ đó, gia đình mình có thêm thu nhập. Sau này, rừng bị xâm canh, tàn phá nên Nhà nước cấm không ai vào rừng chở gỗ. Từ đó, mình không sử dụng voi để kéo gỗ nữa”.

Với đặc tính voi đã thuần hóa chỉ tuân theo mệnh lệnh của người đã nuôi dưỡng, chăm sóc nó từ nhỏ và các “ông voi” đã quen sống với các tập tục của đồng bào dân tộc thiểu số, nên các hộ nuôi ở Bù Đăng đã đồng ý tập cho voi các động tác cơ bản để tiếp cận khách du lịch. Sau khi mua bán và chuyển các “ông voi” về Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng, các nài voi sẽ chịu sự quản lý của ban và huấn luyện voi phục vụ du lịch sinh thái, tuần tra bảo vệ rừng.

Gia đình ông Điểu Pul (54 tuổi), cũng nuôi voi gần 30 năm. Trước đây, gia đình ông cũng dùng voi để kéo, khi Nhà nước cấm vào rừng chở gỗ thì đành cho voi ở nhà. Ông Điểu Pul chia sẻ: Thuần dưỡng voi rất khó khăn. Trước hết phải bắt đầu bằng cách dạy voi thuộc lòng khẩu lệnh: đi, dừng lại, quỳ xuống, lội nước, đi nhanh, đi chậm, quẹo phải, quẹo trái... Sau đó đến học cách cùm chân, cột xích, sử dụng dùi sắt cán dài chích vào kẽ tai voi sao cho vừa đủ đau để voi chịu nghe lời mà không gây thương tích. Nài voi phải yêu voi, hiểu voi và gắn bó cả đời với voi.

Ông Điểu Nhố cho biết thêm, để con voi quen với mùi của người nhà, phải thường xuyên gần gũi, cho nó ăn. Nếu voi đói, voi khát phải biết. Cho nó ăn muối mặn chừng nào phải biết lượng. Rồi voi thích ăn trái cây, rau củ nào... đều phải biết. 

Những người nuôi voi ở thôn Đắk La có cùng nhận xét và kiến nghị: Giờ đây, các loại cỏ trong thôn dần hết, không đủ cung cấp cho voi ăn. Do đó, họ phải đưa voi vào rừng để kiếm ăn. Nếu nuôi ở nhà, tiền mua thức ăn cho voi rất nhiều, bình quân mỗi con voi trưởng thành ăn hết khoảng 1 tấn cỏ/ngày. Rất mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ chi phí nuôi voi.

GIẤC MƠ CÓ THẬT?

Ông Vũ Đình Trúc cho biết: Từ kiến nghị của các hộ nuôi voi, chi cục đã ký kết thỏa thuận hỗ trợ kinh phí nuôi voi với chủ voi. Theo đó, từ tháng 11-2014, sẽ hỗ trợ 500 ngàn đồng/tháng/con từ nguồn ngân sách UBND huyện Bù Đăng cấp cho xã Đắk Nhau để chi hỗ trợ. Thời gian hỗ trợ từ 1-11-2014 đến 1-11-2015, sau đó xem xét hỗ trợ tiếp. Để tiện cho việc chăm sóc, chi cục cũng thống nhất mua lại 4 con voi của 4 chủ sở hữu với kinh phí khoảng 2 tỷ đồng.

Ông Vũ Đình Trúc, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cùng ông Điểu Cước bên con voi chuẩn bị giao cho Nhà nước quản lý

Ông Trúc cho biết thêm: Tỉnh đang triển khai phát triển các dự án du lịch sinh thái, gồm Khu du lịch sinh thái trảng cỏ Bù Lạch quy mô gần 5.000 ha và Khu du lịch sinh thái Bù Gia Mập quy mô gần 19.000 ha. Do đó, việc hỗ trợ kinh phí nhằm mục đích bảo tồn đàn voi sắp tới phục vụ phát triển du lịch sinh thái cho 2 khu du lịch này, đặc biệt phục vụ tuần tra rừng.

Các hộ nuôi voi xem “ông voi” là con vật thiêng liêng trong đời sống tâm linh, đồng thời thể hiện uy quyền trong buôn sóc. Trước đây, “ông voi” được dùng để cày kéo, đi rừng, săn bắt... nhưng hàng chục năm qua, các “ông voi” chỉ “ăn rồi chơi không”, thỉnh thoảng mới kéo vài cây cọc phụ giúp hàng xóm dựng nhà, cất chòi. Vì vậy, việc hỗ trợ kịp thời các hộ nuôi voi không chỉ phục vụ phát triển du lịch, bảo vệ rừng mà còn giúp bảo tồn và phát triển đàn voi lâu dài, ổn định của tỉnh.

“Tám “ông voi” đang nuôi đều là voi cái, trọng lượng 3-5 tấn/con, 17-40 tuổi, trong đó 7 con khỏe mạnh, có khả năng sinh sản tốt. Chúng tôi đang liên hệ Thảo Cầm Viên Sài Gòn và các khu du lịch khác kiếm voi đực để phối giống cho đàn voi cái sinh sản” - ông Trúc nói. Hy vọng giấc mơ Bình Phước có đàn voi du lịch nổi tiếng sớm thành hiện thực!

Hà Giang

Thống nhất chủ trương, giải pháp bảo tồn và phát triển đàn voi

Ngày 26-11, UBND huyện Bù Đăng làm việc với Chi cục Kiểm lâm và các ngành, cá nhân liên quan về việc thống nhất chủ trương, giải pháp bảo tồn và phát triển đàn voi trên địa bàn tỉnh.

Đại diện các đơn vị đã bàn phương án kiểm tra, khảo sát thực tế về lý lịch 4 con voi của ông Điểu Cước và ông Điểu Nhố bán cho Nhà nước, như: ước tính trọng lượng, kích thước, độ tuổi, tình hình sức khỏe, khả năng sinh sản và các đặc điểm nhận dạng của từng con; thủ tục định giá.

Sau khi hoàn thành thủ tục và bàn giao voi, UBND huyện sẽ giao Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng đại diện ký hợp đồng với các cá nhân nuôi dưỡng, chăm sóc và huấn luyện voi để bảo tồn, phát triển phục vụ việc tổ chức các lễ hội và du lịch trên địa bàn tỉnh.                 

Anh Thắng

 

  • Từ khóa
89488

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu