Thứ 6, 19/04/2024 01:29:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 15:25, 21/06/2018 GMT+7

Nuôi giấc mơ đổi đời từ tận thu “vàng trắng”

Thứ 5, 21/06/2018 | 15:25:00 140 lượt xem
BP - Đi sâu vào trong các vườn cao su già cỗi trên địa bàn xã Tiến Hưng (Đồng Xoài), không khó để tìm được những túp lều xiêu vẹo tạm bợ. Đó chính là nơi ở của trên 20 hộ dân đến từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh và một số tỉnh miền Tây lên thuê vườn cao su và ở lại với ước mong “vàng trắng” sẽ giúp họ đổi đời.

Gần 10 năm cạo mủ cao su cho nông trường, anh Đặng Chí Tài cùng vợ, quyết định bỏ việc có mức lương ổn định để thuê 2 ha cao su già cỗi với giá 3,5 triệu đồng/ha/tháng nhằm tận thu mủ trước khi thanh lý vườn cây. Do nhà cách lô cao su thuê vài kilômét nên vợ chồng anh Tài chủ động được thời gian đi lại, làm việc và có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi người/tháng.

Nghe lời chị gái, anh Trần Văn Thạch (31 tuổi), ngụ tỉnh Kiên Giang, cũng bỏ nghề phụ hồ tại thành phố Hồ Chí Minh lên Bình Phước thuê vườn cao su già cỗi để tận thu mủ. “Công việc tự do, tương đối nhẹ nhàng, hơn nữa không phải thuê nhà trọ, sinh hoạt phí thấp nên hằng tháng tôi cũng dành ra được một khoản kha khá, cao hơn nhiều so với nghề phụ hồ trước đây” - anh Thạch chia sẻ.

Một người dân đang dùng dụng cụ cạo mủ cao su trên các cành cây

Với mong muốn kiếm nhiều tiền, đồng thời giảm được chi phí (nhà ở, xăng xe...), trên 20 hộ đến thuê vườn cao su trên địa bàn xã Tiến Hưng để cạo tận thu mủ đều dựng lên những căn lều lụp xụp, tạm bợ để ở bất chấp việc không điện, nước và tiềm ẩn của các dịch bệnh do muỗi, côn trùng hay nguy hiểm hơn là thiên tai có thể đến bất cứ lúc nào.

Vừa đi đón vợ điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh hơn 10 ngày nay do bị sốt xuất huyết về, anh Phạm Văn Phước (39 tuổi), ngụ tỉnh Tây Ninh chia sẻ: Nhà có 4 người, 2 vợ chồng, 2 đứa con nên tôi thuê 3 ha cao su để cạo với giá gần 8 triệu đồng/tháng. Hơn 1 tuần trước, một cơn mưa, lốc lớn khiến cành cao su gãy đổ, nhiều gia đình sống trong lều tạm bợ giữa lô cao su hoảng loạn, chỉ biết chạy đến trú ở tán những cây lớn nhìn lều bị xé toang bởi gió lốc, cành cây lớn gãy sập xuống. Rất may có người chỉ bị thương nhẹ, còn những túp lều, quần áo, vật dụng bên trong đều tan hoang sau cơn lốc.

Anh Nguyễn Thành Sang, ngụ huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh cũng theo những người thầu vườn cao su già cỗi được gần 10 năm nay. Lo sợ nguy hiểm rình rập, anh để vợ con ở nhà trọ, còn anh ở lều gần khu vực thuê rẫy để dễ quản lý. “Nhiều người nhìn vào tưởng nghề này thu nhập cao nhưng thực tế lại hên xui, bởi phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Người làm nghề sống như dân “du mục”, nay đây mai đó. Ở chỗ nào lâu thì 6 tháng, còn không chỉ 2-3 tháng lại phải di chuyển nơi khác thuê tiếp, phụ thuộc rất nhiều vào chủ thầu. 

Tại khu vực lô cao su rộng hàng trăm héc ta thuộc xã Tiến Hưng hiện có trên 20 hộ dân sinh sống và làm nghề tận thu mủ trong vườn cao su già cỗi. Mỗi hộ thuê từ 1-4 ha với giá từ 2,5-3,5 triệu đồng/tháng/ha. Trong số những hộ này có không ít trẻ em, chúng theo cha mẹ đi thực hiện ước mơ đổi đời. Cũng chính vì thời gian lưu trú ở mỗi nơi chỉ vài ba tháng nên chính quyền cơ sở chỉ có thể hỗ trợ số hộ này đăng ký tạm trú, quản lý con người; còn những quyền lợi về an sinh xã hội đều không có, do không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.

Giấc mơ đổi đời của nhiều gia đình ở những vạt rừng cao su còn dang dở nhưng cuộc sống của họ đang đối mặt với những bệnh tật, thiên tai. Bên cạnh đó, những đứa trẻ phải theo cha mẹ đi làm ăn xa nên không được đến trường, vì thế giấc mơ đèn sách đành gác lại nhường chỗ cho lo toan “cơm, áo, gạo, tiền”.

Đức Hinh

  • Từ khóa
42793

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu