Thứ 6, 29/03/2024 19:23:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 16:32, 18/04/2018 GMT+7

Nuôi dê thoát nghèo

Thứ 4, 18/04/2018 | 16:32:00 436 lượt xem
BP - Hơn 10 năm trở lại đây, phong trào trồng tiêu kết hợp nuôi dê phát triển kinh tế được nhiều hộ nông dân trong tỉnh áp dụng. Từ cách làm này đã mang lại nguồn lợi kép, nhiều gia đình thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm, đồng thời giảm áp lực chi phí đầu tư chăm sóc vườn cây trong bối cảnh hạt tiêu rớt giá.

Hộ ông Hồ Xuân Linh, trú ấp 1, xã Lộc Điền (Lộc Ninh) có 1 ha đất. Ông Linh đã trồng 1.000 nọc tiêu bằng cây keo lai, phần còn lại trồng cỏ để nuôi dê. Khi cây keo phát triển, ông Linh sử dụng lá keo cho dê ăn. Hiện ông nuôi 20 con dê, trong đó có 10 con sinh sản. Mỗi năm gia đình ông bán hơn 30 con dê thịt, thu về trên 80 triệu đồng. Ông Linh cho biết: “Gia đình tôi nuôi dê hơn 5 năm nay. Nuôi dê dễ hơn nuôi bò, đầu ra ổn định và nhanh lấy lại vốn. Trước đây tôi nuôi dê cỏ, rồi dê Bách Thảo nhưng năng suất không cao, giá thấp nên gia đình đã chuyển sang nuôi dê lai Boer. Đây là giống dê to lớn, phát triển nhanh, hiệu quả kinh tế cao hơn. Lúc mới sinh, dê Boer nặng khoảng 3kg, nuôi 3 tháng trọng lượng khoảng 25kg/con và sau 5-6 tháng, mỗi con có trọng lượng hơn 65kg là xuất bán”.

Ông Hồ Xuân Linh ở ấp 1, xã Lộc Điền (Lộc Ninh) thu nhập ổn định nhờ nuôi dê

Gia đình ông Phạm Kim Toàn ở ấp Thanh Hải, xã Thanh Lương (Bình Long) cũng chỉ có 1 ha đất sản xuất, nhưng mỗi năm đã thu về gần 600 triệu đồng từ hồ tiêu, nuôi dê và heo. Để có nguồn lợi này, ông Toàn đã trồng 1.500 nọc tiêu bằng cây keo lai. Việc sử dụng trụ cây sống vừa che mát cho vườn tiêu vừa tạo nguồn thức ăn nuôi dê. Ông Toàn cho hay, 10 năm trước gia đình ông bắt đầu tận dụng vườn tiêu để nuôi dê Bách Thảo. Năm 2015, Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ gia đình 1 con dê đực giống Boer để cải tạo đàn. Hiện với 10 con sinh sản, mỗi năm ông Toàn xuất bán trên 40 con dê thịt. Ông còn tận dụng chất thải của dê ủ thành phân hữu cơ bón cây trồng, giảm chi phí đầu tư chăm sóc vườn cây. Ông Toàn cho rằng, nếu nuôi 10 dê nái sẽ thải ra một lượng phân đủ bón cho 1.100 nọc tiêu.

Không có vườn tiêu, gia đình anh Lê Đình Thành ở ấp 5, xã Minh Thành (Chơn Thành) đã tận dụng khu đất trống thuộc Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước để chăn thả gần 100 con dê Bách Thảo và dê cỏ. Anh Thành cho biết: “Trước đây, do thiếu kinh nghiệm trong chăm sóc nên dê chậm lớn. Rồi vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm tôi đã ổn định đàn. Dê ăn tạp, ít bệnh, tự kiếm cỏ ngoài đồng không cần nhiều thức ăn bổ sung nên người nuôi không vất vả và rất phù hợp với những hộ thiếu vốn”. Trung bình 1 năm dê đẻ từ 4-6 con. Để đàn dê sinh trưởng tốt, ngoài lựa chọn con giống, phòng bệnh thì chuồng dê phải cao ráo, đủ ánh sáng, đảm bảo thoáng mát vào mùa khô và ấm vào mùa mưa. Kỹ sư Nguyễn Xuân Trường, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Nuôi dê rất dễ làm giàu, bởi đây là loài động vật ăn tạp nên thức ăn có trong tự nhiên rất dồi dào. Trong đó phổ biến nhất là lá cây, cỏ các loại hay đậu, rau củ, thức ăn có tinh bột như khoai, sắn (mì), bắp, bã đậu và thức ăn hỗn hợp công nghiệp... nên người nuôi rất dễ kiếm. Ngoài ra, dê có sức đề kháng cao, nếu người nuôi phòng bệnh tốt thì chi phí đầu tư sẽ giảm nhiều... Hơn nữa, thịt dê chế biến thành nhiều món ăn ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Từ những đặc tính này, nhiều hộ dân trong tỉnh đã liên kết thành lập tổ hợp tác chăn nuôi dê để trao đổi kinh nghiệm chăm sóc, phát triển đàn cũng như cách phòng, trị bệnh. Thông qua tổ hợp tác, những hộ chăn nuôi dê tìm hiểu giá cả, nhu cầu tiêu thụ, đầu ra... giúp các thành viên tính toán việc xuất chuồng và tăng, giảm số lượng nuôi hợp lý, tránh tình trạng cung vượt cầu. Từ trước tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, thịt dê hơi ở Bình Phước giá giảm so với trước, nhưng hiện nay giá đã tăng trở lại làm người nuôi phấn khởi. Anh Lê Văn Minh, chủ quán nhậu dê Ninh Bình tại thị xã Đồng Xoài cho hay: “Hiện giá dê hơi nhích dần lên, tôi đang nhập loại dê đực tơ 95.000 đồng/kg”. Đây cũng là tín hiệu vui để người nuôi dê ở Bình Phước có điều kiện tái đàn.

Gia Nghi

  • Từ khóa
42651

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu