Thứ 5, 28/03/2024 21:34:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:59, 04/06/2013 GMT+7

Vẫn là bệnh thành tích!

Thứ 3, 04/06/2013 | 10:59:00 685 lượt xem

Sự việc 10 vận động viên, là học sinh trường THCS Tân Bình sau khi kết thúc giải Việt dã chinh phục đỉnh cao Bà Rá trở về trường để tiếp tục học kỳ 2 nhưng không được ban giám hiệu trường này chấp nhận một lần nữa cho thấy: Căn bệnh thành tích đã và sẽ tiếp tục tồn tại, gây ra những phiền toái không đáng có, khiến cho việc đánh giá chất lượng giáo dục không còn thực chất nữa. Câu nói của Hiệu trưởng Đinh Thị Lệ Thu: “Nếu nhận lại các học sinh này, nhà trường khó giữ được danh hiệu trường chuẩn quốc gia” đã thể hiện rất rõ điều này!

Những năm gần đây, bệnh thành tích trong ngành giáo dục - đào tạo đã ở mức báo động. Điều đó được thể hiện qua những con số, tỷ lệ phần trăm lên lớp, đậu tốt nghiệp; tại các kỳ thi, hội khỏe, sơ kết, tổng kết, nghiệm thu đề tài sáng kiến kinh nghiệm... Mới đây, nhiều bậc phụ huynh đã bức xúc trước việc một số em học sinh ở một trường tiểu học chuẩn quốc gia của tỉnh bị giáo viên chủ nhiệm tát vào mặt chỉ vì những em này làm bài thi cuối năm “bị” điểm 8, trong khi tất cả đều là điểm 9, 10. Các em bị cô giáo phạt nặng, bởi đã làm ảnh hưởng đến thành tích chung của lớp, của trường chuẩn quốc gia. Rồi chuyện tổng kết cuối năm, có trường THPT đã trao hơn 1.200 giấy khen cho học sinh giỏi, tiên tiến. Nếu cộng hơn 400 trường học trong tỉnh thì số giấy khen được trao phải được đưa vào... kỷ lục ghi-nét Việt Nam! Nhìn rộng ra các địa phương khác, cũng không khỏi buồn phiền khi biết một trường ở ngay TP. Hồ Chí Minh, khi phát hiện có quá nhiều học sinh làm bài kiểm tra học kỳ 2 môn Toán dưới điểm trung bình, Ban giám hiệu đã vội vã chỉ đạo thay đổi thang điểm. Trường này đã “linh động” giảm thang điểm ở câu hỏi khó, tăng điểm cho câu hỏi dễ để nâng điểm cho học sinh.

Năm học 2012-2013 vừa kết thúc với những con số và tỷ lệ rất “đẹp” ở tất cả các cấp học. Dẫu biết áp lực từ mọi phía đối với lãnh đạo các trường hết sức nặng nề, nhưng điều mà đa số phụ huynh, học sinh và xã hội cần chính là chất lượng thật chứ không phải là những con số đẹp, tỷ lệ đẹp như báo cáo!

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 đã bắt đầu sáng qua (2-6). Mong rằng kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, trung thực, phản ánh đúng kết quả 12 năm đèn sách của các em. Khi trả lời phỏng vấn của báo chí về kỳ thi, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng cho rằng: “Vấn đề gốc rễ quan trọng nhất để khâu coi thi nghiêm túc, phải là nâng cao chất lượng dạy và học, rèn luyện tính trung thực trong giáo viên và học sinh”. Nhưng có lẽ làm được điều này là rất khó, khi mà bệnh thành tích vẫn đè nặng lên ngành giáo dục!

H.T

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu