Thứ 5, 28/03/2024 19:15:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 15:30, 20/01/2015 GMT+7

Nữ sĩ lơ mơ... chốn pháp đình

Thứ 3, 20/01/2015 | 15:30:00 129 lượt xem

BP - Tuy nổi tiếng là một nhà thơ chặt chẽ vô cùng về niêm luật, nhưng bà Huyện Thanh Quan lại rất nổi tiếng... lơ mơ về pháp luật khi xử án. Câu chuyện về nữ sĩ huyện Thanh Quan xử án ly hôn... bằng thơ là một giai thoại vô tiền khoáng hậu trong lịch sử thi ca và lịch sử pháp đình Việt Nam. Cụ thể, sau khi lập gia đình với ông Lưu Nghị (tự là Lưu Nguyên Uẩn, người làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông - nay thuộc thành phố Hà Nội, đỗ cử nhân khoa Tân Tỵ, năm Minh Mạng thứ hai), sau được bổ làm Tri huyện Thanh Quan, nữ sĩ được gọi là bà Huyện Thanh Quan hay bà Thanh Quan. Trong Nam thi hợp tuyển của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc có đề cập về chồng của nữ sĩ như sau:

- Chồng bà là ông Lưu Nguyên Uẩn, sinh năm 1804, đậu tú tài năm 1825, cử nhân năm 1828 và được bổ nhiệm làm Tri huyện Thanh Quan. Ông huyện Thanh Quan vì can án nên bị cách chức, sau được bổ làm Bát phẩm thơ lại tại bộ Hình. Sau lại thăng lên chức Viên ngoại lang.

Quan huyện Thanh Quan đi vắng, bà huyện thay chồng thăng đường. Có một ông đỗ Hương cống tới xin mổ trâu để giỗ bố. Lúc bấy giờ mùa màng thất bát, triều đình ra lệnh hạn chế mổ trâu trong những dịp tế lễ khao vọng để phát triển việc canh nông. Bà huyện ngần ngừ, nhưng trước sự năn nỉ của ông Cống, và cũng cảm động trước hiếu hạnh của ông, bà hóm hỉnh cầm bút phê vào đơn rằng:

Người ta thì chẳng được đâu; Ừ thì ông Cống làm trâu thì làm.

Biết bà huyện dùng chữ nghĩa để lỡm mình, nhưng đã được như sở nguyện, ông Cống vui vẻ ra về. Ông Cống đọc lời phê vừa mừng vừa tức cười. Bà huyện chơi chữ mới tinh nghịch làm sao: Làm trâu vừa có nghĩa là làm thịt trâu lại vừa có nghĩa làm... giống trâu! Ông huyện về nhà biết chuyện này, không khỏi giật thót mình, vì: Dong dân, trái lệnh vua và khi đó nếu có kẻ nào thóc mách, xấu bụng tâu lên trên thì ông phải gánh tội là cái chắc. Nhưng vì vốn quý nể vợ, ông đành... ngậm tăm, không phàn nàn một câu nào!

Cũng vào một dịp ông huyện vắng nhà, có cô Nguyễn Thị Đào đến công đường kiện cáo vì chồng có nhân tình nên bỏ bê nhà cửa, để cô phải phòng không gối chiếc. Cô làm đơn xin ly dị để đi lấy chồng khác. Cảm thông với nỗi khổ tâm của người phụ nữ, bà huyện phóng khoáng phê vào đơn rằng:

Phó cho con Nguyễn Thị Đào,

Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai.

Chữ rằng “Xuân bất tái lai”;

Cho về kiếm chút kẻo mai nữa già.

Ai ngờ người chồng cũ sau một thời gian bướm hoa trăng gió lại muốn trở về với vợ cũ. Được tin vợ đã lấy chồng mà giá thú cũ thì hãy còn nguyên chưa hề đệ trình quan xét và hủy bao giờ, hắn bèn đệ đơn lên cấp trên kiện ông huyện Thanh Quan! Quan trên tra xét, xác nhận sự việc bên nguyên thưa kiện là hoàn toàn đúng. Bị quan trên khiển trách, ông huyện đành “ớ cổ giề” không hề phản biện được câu nào! Nghe nói vì vụ việc này và cũng còn vì vài nguyên do khác nữa mà rốt cuộc ông huyện Thanh Quan bị cách chức.

Tuy nhiên, nhờ có tài văn chương lỗi lạc, bà huyện Thanh Quan được vua Tự Đức vời vào cung và phong chức Cung trung Giáo tập để dạy cho các cung nhân học. Trọng tài học của bà, vua Tự Đức có ban cho bà được đề thơ vào một cái chén cổ, có bức họa sơn thủy. Bà đã ứng khẩu đọc hai câu: “In như thảo mộc trời Nam lại; Đem cả sơn hà đất Bắc sang”. Vua Tự Đức vốn thích văn chương nên thường làm thơ cho bà họa lại, bà họa rất tài. Vì vậy, dù đã từng rất “phá cách” khi tùy tiện thay chồng xử án, bà vẫn được vua rất quý trọng.

Lời bàn:

Không chỉ có người đương thời mà ngay cả hậu thế ngày nay cũng phải kính phục và tôn vinh bà Huyện Thanh Quan là bà chúa thơ Nôm. Những bài thơ Nôm của bà phần nhiều là tả cảnh, tả tình, nhưng bài nào cũng hay và tỏ ra bà là một người có tính tình đoan chính, thanh tao, một người có học thức thường nghĩ ngợi đến nhà, đến nước. Đặc biệt là lời văn của bà rất trang nhã, điêu luyện. Bà đã dùng ngòi bút để giãi bày tâm sự, gửi gắm tình cảm của mình đối với thiên nhiên, đất nước mà bà đã yêu tha thiết. Bởi vì bà Huyện Thanh Quan là người không chỉ bị cuốn hút bởi sự suy tàn mà còn thấy được cả vẻ đẹp của suy tàn. Và từ thượng cổ cho đến ngày nay không phải danh sĩ nào cũng có được cái cảm xúc ấy như bà Huyện Thanh Quan.

Vâng, với thơ và đặc biệt là thơ chữ Nôm, bà Huyện Thanh Quan được xếp vào hàng đứng đầu trong nền văn học Việt Nam ở thế kỷ XIX. Nhưng xét dưới góc độ pháp luật thì bà lại là người hết sức lơ mơ. Thậm chí chẳng những bà còn xử án không đúng với chức trách mà còn xử theo cảm tính, tình cảm cá nhân. Và nội dung của giai thoại trên là một minh chứng. Nếu xét theo pháp luật ngày nay thì chắc chắn vì việc làm của bà mà ông huyện Thanh Quan bị buộc thôi việc cũng còn là nhẹ. Bởi thời nay muốn ly hôn thì chí ít cũng phải hai người đồng tình ký vào đơn và phải cùng có mặt ở tòa để dự ba lần hòa giải. Khi nào cả ba lần hòa giải không thành thì tòa mới có quyền phán quyết cho ly hôn. Đằng này, bà Huyện Thanh Quan vì thương tình người đồng giới mà bất chấp quyền của người chồng. Mong rằng, các nhà cầm cân nẩy mực thời nay đừng ai xử án theo cảm tính, nếu không rồi có ngày thân bại danh liệt.

N.V

  • Từ khóa
109624

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu