Thứ 5, 25/04/2024 23:10:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 07:42, 09/02/2019 GMT+7

“Nữ hoàng” hoa hồng

Thứ 7, 09/02/2019 | 07:42:00 858 lượt xem
BP - “Ươm các giống cao su, cà phê, điều, tiêu... mỗi vụ bán không hết đều ngậm ngùi bỏ đi, tổn thất hàng chục triệu đồng. Tôi chuyển sang kinh doanh giống hoa hồng, mùa này không bán được, mùa sau bán lại được giá cao hơn. Lúc mới vào nghề, trồng hoa chỉ vì mục đích kinh doanh nhưng chăm sóc lâu năm tôi nghiện hương thơm, sắc đẹp của loài hoa này lúc nào không hay!” - chị Võ Thị Cẩm Lường, chủ trại hoa hồng Phương Nam ở thôn 2, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng cho biết.

Làm vườn ươm các loại cây nông sản từ năm 2005, nhận thấy thị trường này bấp bênh, hiệu quả kinh tế thấp, năm 2014 chị Võ Thị Cẩm Lường chuyển sang nhân giống hoa hồng. Sau bao thăng trầm, hiện chị sở hữu hàng ngàn giống hoa hồng trong và ngoài nước, kể cả những dòng quý hiếm ngoài thị trường không có chị cũng nhân giống thành công. Dân chơi trong nghề gọi chị là “phượng hồng”, là “nữ hoàng” của loài hoa mê hoặc lòng người bởi hương sắc đặc trưng.

Hành trình trải nghiệm đam mê

Hoa hồng được mệnh danh là chúa tể các loài hoa, đỏng đảnh, khó chăm sóc. Để thành công với loài hoa này, chị Lường phải đi trên con đường đầy gai cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. “Ươm và chăm hoa hồng khác với các giống cây trồng lâu năm, kiến thức và kỹ thuật về hoa hồng của tôi lúc đó là số “0”. Tôi phải tìm hiểu thông tin trên mạng về loài hoa này, sau đó đến Đà Lạt (Lâm Đồng) để học kỹ thuật cấy, ghép, nhân giống hoa hồng. Đến đó, tôi lạc vào thế giới hoa hồng đúng nghĩa, vì không có người thân giới thiệu nơi uy tín, tất cả đều tự thân vận động. Sau khi tìm hiểu, tôi chọn vựa giống của ông chủ ở phường 5, thành phố Đà Lạt để học lớp cấp tốc 20 ngày với mức học phí 80 triệu đồng” - chị Lường cho biết.

Sau 1 tuần nhập môn, chủ vườn cho chị thực hành những việc như làm đất, trộn giá thể, vào bầu, nhổ cỏ, tưới nước cho hoa chẳng khác gì công việc mà chị thuê người làm cho vườn cây giống của mình. “Tôi đi học kỹ thuật cấy, ghép, nhân giống hoa hồng chứ đâu có học việc làm đất” - chị Lường thắc mắc ông chủ. Chị nhận được câu trả lời: “Học phải có quy trình, theo thứ tự thời gian”. Không đồng ý với ông chủ, chị đề nghị hủy hợp đồng, đòi lại 20 triệu đồng đã ứng trước đó nhưng không được chủ vườn đồng ý. Chị tìm đến UBND phường kiện “thầy” bất tín với lý do không làm đúng thỏa thuận. Được UBND phường phân xử thu về 20 triệu tiền đặt cọc, chị tiếp tục kiện đòi 10 ngày làm công cho chủ vườn được 1 triệu đồng, số tiền này chị nhờ UBND phường trao tặng cho người nghèo của phường.

Chị Võ Thị Cẩm Lường (trái) giới thiệu các dòng hoa hồng trong vườn của gia đìnhChị Võ Thị Cẩm Lường (trái) giới thiệu các dòng hoa hồng trong vườn của gia đình

Trong 10 ngày làm công ở trại hoa, chị kịp làm quen với anh Thảo - một công nhân kỹ thuật chăm sóc hoa lâu năm của chủ vườn. Thông qua anh Thảo, chị đã học được tất cả kỹ thuật liên quan đến cây hoa hồng với chi phí 5 triệu đồng chỉ trong vòng 5 ngày. Sau đó, chị trở về và bắt đầu xây dựng thế giới hoa hồng của riêng mình với 3 loại giống đầu tiên, gồm hồng tiểu muội, hồng Pháp và hồng Thái ở tỉnh Gia Lai. Sau hơn 1 năm gầy dựng cơ ngơi, trại hoa hồng của chị được nhiều người biết đến với những giống hồng hiếm, độc, lạ về màu sắc, hương thơm. Vì hoàn cảnh gia đình, năm 2015, chị phải rời Gia Lai, di chuyển vườn hồng về Bù Đăng lập nghiệp. 

“Săn” hoa hồng

Không gian rực rỡ sắc màu, hương thơm nồng nàn, ấm áp, thanh tao của nhiều loại hoa hồng quyện chặt vào nhau khiến người “ngoại đạo” như chúng tôi không thể rời đi. Chúng tôi được thuyết giáo về những đặc tính sinh trưởng cũng như sức quyến rũ của hoa hồng trong nắng chiều yếu ớt, đang thấp dần sau những ngọn đồi trên vùng đất Bù Đăng đầy nắng gió. Để có được vườn hồng với hàng ngàn loại xuất xứ từ nhiều vùng, miền, lãnh thổ là cả một “chiến dịch săn hoa hồng” không hồi kết của chị. Trải qua nhiều lần “ăn quả lừa” từ việc mua hạt giống, nhập ngoại các loại hoa hồng qua mạng, chị rút ra bài học mua cây có hoa để đảm bảo chất lượng. Ứng dụng những kỹ thuật đã học, chị nhân cây giống tạo ra thế hệ cây con phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất Bình Phước. Mỗi loại hoa hồng trong vườn của chị đều có lý lịch rõ ràng. Trong muôn loài hoa hiện tại, chị vẫn còn nhớ cây hồng xanh có tên LoveLy Green mua từ Trung Quốc với giá 800 ngàn đồng, tiền vận chuyển bằng máy bay thêm 300 ngàn đồng. Thời tiết, khí hậu 2 nước khác nhau nên việc chăm sóc cây hồng LoveLy Green gặp không ít khó khăn. Nhưng sau cùng chị cũng nhân giống thành công. Săn hoa hồng đối với chị là một thú vui với bao kỷ niệm không thể quên. Chị săn hoa hồng trong mọi trường hợp, thăm người thân, tìm đến các vựa hoa hồng từ Nam chí Bắc, cứ thấy ở đâu có hoa hồng cho màu sắc, hương thơm lạ mình chưa có là chị mua bằng được, bất chấp giá cả để tạo giống phục vụ khách hàng đam mê loài hoa này.

Bén duyên với hoa hồng đến nay đã 5 năm, chị không thể nhớ hết trại hồng của mình có bao nhiêu loài, chỉ nhẩm sơ các loại thuộc hồng ngoại, hồng leo, hồng bụi, hồng cổ, hồng thân gỗ... chưa tính các dòng cấy, lai ghép cũng có hàng ngàn loại. Trong đó, nhóm hồng leo có trên 20 dòng, nhóm hồng bụi, tiểu muội của Pháp trên 50 dòng, nhóm bán leo 15 dòng, hồng cổ có 15 dòng, nhóm thân gỗ hơn 20 loại khác nhau... Mỗi dòng có từ 10-15 loài khác nhau, mang màu sắc, hương thơm khác biệt. Để tạo sự phong phú cho vườn hồng, chị cấy ghép nhiều giống hồng trên cùng một cây, tạo ra các loại hoa khác nhau và đặt tên theo cách của riêng mình.

 “Mật ngọt” hoa hồng

Kẻ thù lớn nhất của hoa hồng là nhện đỏ, một số bệnh khác như nấm, thán thư cũng có thể gây hại cho cây. Do vậy để có hoa thưởng ngoạn, người trồng phải thường xuyên chăm bón, tưới nước mỗi ngày. Chu kỳ 10-15 ngày bón phân 1 lần, mỗi lần phải thay đổi phân bón để bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cây. Cách đây 5 năm, các loại hồng ngoại, hồng leo đối với người dân vẫn còn xa lạ nhưng chị Lường đã mạnh dạn đầu tư để chinh phục vị trí số 1 ở thị trường hoa hồng Bình Phước. Ngoài trại hồng Phương Nam do chị quản lý, chị còn giúp gia đình người em lập một trại hồng riêng để có thu nhập ổn định. Nhiều nhà vườn, cơ sở mua bán hoa hồng từ Đồng Xoài, Phước Long, Đồng Phú... thậm chí mãi vùng cao Đắk Nông cũng tìm đến vườn hồng của chị lấy hàng.

Chị Lường cho biết, thị trường hiện nay rất ưa chuộng loại hồng thân gỗ, hồng leo, hồng nhập ngoại vì hương thơm, vẻ đẹp sang trọng, sắc hoa lạ, dễ tạo cảnh cho mọi không gian của gia đình. Không tính dịp lễ, tết, riêng hoa hồng leo bình quân mỗi ngày tiêu thụ khoảng 20 chậu. Đối với hồng thân gỗ, cây bụi có giá 350 ngàn, có loại 50 ngàn đồng/cây nhưng cũng có loại đến 500 ngàn đồng/cây tùy giống và hương sắc mỗi cây. Đặc biệt có những giống hồng cổ dao động từ 5-10 triệu đồng/cây. Nhờ nắm được phương pháp cấy ghép nên giá thành mỗi cây hồng của chị thấp hơn mặt bằng chung ngoài thị trường. Các mối lấy về bán lại chênh nhau từ 100-300 ngàn đồng/chậu/bụi tùy mỗi shop. Ngoài bỏ mối cho thương lái, trại hồng Phương Nam còn tạo việc làm cho những người không có vốn, hoàn cảnh khó khăn được lấy hoa đi bán trả tiền sau mà không cần đặt cọc. Nếu bán không hết mang hoa về trả lại với điều kiện hoa không bị gãy, giập là được.

Rời trại hoa hồng Phương Nam khi phố đã lên đèn, trong chúng tôi đọng lại một bức tranh đẹp về hình ảnh người phụ nữ có làn da rám nắng, đôi tay chi chít vết sẹo do gai hồng để lại đã chai sần cùng năm tháng. Thế nhưng, hương sắc của hoa hồng cứ ngào ngạt tỏa hương làm đẹp cho đời.

Ngọc Bích - Đông Kiểm

  • Từ khóa
43801

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu