Thứ 3, 23/04/2024 20:48:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Bản tin hướng về miền Trung 07:37, 12/11/2017 GMT+7

Nữ hiệu trưởng gắn bó với sự nghiệp “trồng người”

Chủ nhật, 12/11/2017 | 07:37:00 5,060 lượt xem

BP - Hơn 30 năm gắn bó, tận tụy và trách nhiệm với nghề, dù ở cương vị nào cô cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được các thế hệ học trò, đồng nghiệp và các bậc phụ huynh quý mến, tin yêu. Cô là Nguyễn Thị Kim Liên, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đa Kia A, huyện Bù Gia Mập. Cô là một trong 2 cá nhân tiêu biểu của ngành giáo dục tỉnh sẽ được Bộ GD-ĐT tôn vinh tại thủ đô Hà Nội nhân kỷ niệm 35 năm Ngày nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2017).

Lấy học trò làm động lực phấn đấu

Ước mơ làm giáo viên nên sau khi tốt nghiệp THPT, năm 1985 cô Liên học lớp sư phạm tiểu học rồi về nhận công tác tại Trường tiểu học Đa Kia. Những năm đầu vào nghề, cơ sở vật chất trường lớp còn tạm bợ, giao thông rất khó khăn, thu nhập thấp nên nhiều lúc cô muốn bỏ nghề nhưng vì học sinh nên không thể. Cực khổ nhưng đổi lại cô luôn được học sinh thương yêu, phụ huynh quý trọng nên ngày càng gắn bó với sự nghiệp “trồng người”. Cô nói: “Giáo viên phải lấy học sinh làm trung tâm, động lực để phấn đấu, nếu mình làm tốt nhiệm vụ thì hạnh phúc sẽ mỉm cười với mình. Và không chỉ nghề giáo mà trong bất kỳ việc gì khi làm tôi đều phải có trách nhiệm và đặt trách nhiệm lên hàng đầu, nếu không hoàn thành cảm thấy rất áy náy với lương tâm”.

Cô Nguyễn Thị Kim Liên đón nhận bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 ngày 14-3-2017

Sau 12 năm trực tiếp đứng lớp, cô được đề bạt làm Hiệu phó, đến năm 2010 làm Hiệu trưởng. Dù trải qua nhiều công việc, cương vị khác nhau nhưng hạnh phúc lớn nhất đối với cô vẫn là sự trưởng thành của học trò. Cô kể: “Nhân dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam năm học 2005-2006, 20 học trò cũ do tôi chủ nhiệm niên khóa 1990-1995, sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra trường đã cùng nhau về thăm cô, thăm trường. Đây là kỷ niệm đáng nhớ trong đời làm nghề giáo của tôi”. 18/20 học trò đó nay đã là cán bộ, công chức, viên chức thành đạt trong tỉnh và hằng năm vào dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam đều không quên gửi lời chúc mừng  đến người đã giáo dục mình. Ngoài ra, dịp tết dương lịch hằng năm, các thế hệ học trò cũ do cô chủ nhiệm đều tổ chức họp lớp ôn lại kỷ niệm, tình cô - trò năm xưa. Đặc biệt, qua những lần về thăm trường hay họp lớp, các thế hệ học trò đều không quên tặng nhiều phần quà, học bổng cho học sinh nghèo, như đầu năm học 2017-2018 tặng 25 cái cặp, 250 cuốn tập và 2 suất học bổng. Dưới sự giáo dục, dìu dắt, động viên của cô, hiện nay nhiều thế hệ học trò, đồng nghiệp đã trưởng thành, là hiệu trưởng, hiệu phó các trường học, cán bộ, công chức cấp huyện và cấp tỉnh, như: Cô Nguyễn Thị Tạo, học trò cũ nay là Hiệu trưởng Trường tiểu học Đa Kia B; cô Thái Thị Kim Huệ, đồng nghiệp cũ nay là Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Lợi, xã Phước Minh cùng ở huyện Bù Gia Mập... Trường tiểu học Đa Kia A có 28 giáo viên thì 8 đồng nghiệp là học trò cũ của cô, trong đó cô Ngô Thị Anh Thùy, Hiệu phó của trường.

Xây dựng tập thể đoàn kết, vững mạnh

Đứng chân trên địa bàn vùng sâu, xa, biên giới đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nhưng tháng 3-2017, Trường tiểu học Đa Kia A vinh dự được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và đang từng bước xây dựng công nhận đạt chuẩn mức độ 2. Có được thành quả đó là nhờ sự đóng góp rất lớn của Hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Liên. Cô cho biết: Để có trường lớp khang trang, đảm bảo việc dạy và học thì không thể chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước cấp mà phải linh động trong vận động xã hội hóa. Từ năm học 2014-2015 đến 2016-2017, nhà trường đã vận động các nhà hảo tâm được 20 xe đất, 10 xe đá, 476 bao xi măng, hàng chục xe cát... cùng hàng trăm ngày công xây dựng 1 nhà đa năng, đổ 800m2 bê tông sân trường, làm 1 nhà ngủ cho học sinh bán trú, 1 phòng học với tổng trị giá gần 400 triệu đồng. Đến nay, trường có 19 phòng học, 3 phòng bộ môn, 5 phòng chức năng đảm bảo nhu cầu dạy và học cho 500 học sinh/19 lớp. Tuy nhiên, do bếp ăn bán trú hiện chỉ mới đảm bảo cho 30% học sinh, vì vậy trường đang vận động xây dựng thêm để cho 100% học sinh được học bán trú.

Song song với vận động xã hội hóa cơ sở vật chất trường lớp, công tác xây dựng tập thể vững mạnh và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên luôn được cô Liên chú trọng và thực hiện tốt. Để có đội ngũ giáo viên giỏi, tâm huyết với nghề, cô luôn gần gũi, chia sẻ, động viên khuyến khích, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực cho trường, qua đó tạo động lực, niềm tin cho đồng nghiệp phấn đấu vươn lên. Hiện trường có 28 giáo viên, trong đó 13 giáo viên giỏi cấp trường, 11 giáo viên giỏi cấp huyện, 3 giáo viên giỏi cấp tỉnh (trong đó có 1 giải nhất cấp huyện và 1 giải nhất cấp tỉnh là cô Ngô Thị Anh Thùy). Phong trào sáng tạo, đổi mới quản lý giáo dục được nhà trường hưởng ứng tích cực và đi tiên phong. Từ năm học 2006-2007 đến nay, trường có 56 sáng kiến cấp huyện, 4 sáng kiến cấp tỉnh. Trong đó, 3 sáng kiến của cô Liên: Nâng cao chất lượng đội ngũ, xã hội hóa giáo dục và chỉ đạo phương pháp dạy học theo mô hình trường học mới (VNEN) được áp dụng rộng rãi trong toàn huyện.

Thực hiện việc học và làm theo Bác, với vai trò là Bí thư chi bộ, cô Liên đã vận động 10 đảng viên trong chi bộ nuôi heo đất tiết kiệm được gần 4 triệu đồng/năm trao học bổng cho học sinh nghèo; mỗi đảng viên tiết kiệm 20 ngàn đồng/tháng xây nhà tình thương; tiết kiệm 270 ngàn đồng/năm/đảng viên gửi Đảng ủy xã xây nhà tình thương cho đảng viên nghèo...

Với những cống hiến của cô và tập thể nhà trường, 14 năm liền trường không có học sinh bỏ học, tỷ lệ hoàn thành chương trình tiểu học luôn đạt 100%; 6 năm liền trường đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc; chi bộ nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh. Từ năm 1997 đến nay, cô Liên đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ GD-ĐT, Huyện ủy, UBND huyện Bù Gia Mập tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

 Vũ Thuyên

  • Từ khóa
111019

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu