Thứ 4, 24/04/2024 10:59:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:51, 22/03/2015 GMT+7

Nữ già làng Điểu Thị Hiệp

Chủ nhật, 22/03/2015 | 13:51:00 1,850 lượt xem
BP - Đã bao đời nay, người Xêtiêng luôn quen với hình ảnh già làng là người đàn ông bản lĩnh, sức khỏe, uy tín và có mối quan hệ rộng. Đặc biệt, già làng là người có tiếng nói quan trọng trong đời sống tâm linh và sinh hoạt cộng đồng; tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, giúp đồng bào thoát nghèo đói. Nhưng ở thôn 3, xã Nghĩa Trung (Bù Đăng), 40 năm qua có một nữ già làng mang đầy đủ hình ảnh của những già làng quyền uy truyền thống.


Già làng Điểu Thị Hiệp

Cô thanh niên xung phong thời chiến

Đến xã Nghĩa Trung, hỏi thăm già làng Điểu Thị Hiệp (1943) ai cũng biết, vì thế chúng tôi nhanh chóng tìm được nhà bà. Ai gặp cũng ấn tượng bởi sự gần gũi, dễ mến của già làng Hiệp.

Bắt đầu câu chuyện, già làng Điểu Thị Hiệp chậm rãi kể về một thời tuổi trẻ xông pha trên mặt trận binh vận. Năm 1962, cũng như các buôn làng khác, Mỹ - ngụy lôi kéo một số đồng bào nhẹ dạ cả tin, bỏ thôn, bỏ gia đình để làm công việc thám báo, chỉ điểm những người theo cách mạng. Là người hiểu biết, năng động, khi vừa tròn tuổi 20, cô gái Điểu Thị Hiệp xung phong làm công tác binh vận để mong những người con của đồng bào nhận thức đúng đắn và ủng hộ cách mạng. Trong bom đạn, cô không sợ nguy hiểm để cáng thương binh; chuyển lương thực thực phẩm, thuốc men cứu chữa cho bộ đội và dân làng...

Từ nhỏ sống cùng gia đình, tư tưởng lạc hậu và kinh tế khó khăn nên cô gái Hiệp ngày ấy không được đến trường. Thích học, cô tìm mọi cách để viết được tên mình, hễ gặp người nào biết chữ, cô cũng xin học. Nhờ sáng dạ, không những cô viết được tên mình mà còn viết được tên của quê hương, những niềm vui, nỗi buồn trong chiến tranh.

Già làng Hiệp nhớ lại: “Ngày đó, đồng bào mình còn nghèo, không có cái chữ nên bị giặc lôi kéo. Một số đàn ông bỏ thôn, bỏ gia đình. Tôi đã khuyên đồng bào rằng: Đất nước là của mình, ai nói gì cũng đừng theo, đừng để người xấu cướp mất nhà, mất đất, dân mình sẽ đói khổ”. Cô thanh niên xung phong ngày ấy còn đến từng nhà giải thích, tuyên truyền cho gia đình có người làm thám báo để vận động họ quay trở về với cách mạng.

Đến năm 1963, cô thanh niên xung phong được tổ chức cử đi học để nâng cao trình độ văn hóa. Tuy nhiên, do địch đánh phá làm sập trường nên việc học bị gián đoạn. Cô Hiệp lại quay về dành hết tâm huyết giúp đồng bào làm kinh tế, phục vụ cách mạng. Năm 1970, cô tiếp tục được cử đi học văn hóa để phục vụ cách mạng, xây dựng quê hương... Năm 1975, đất nước hoàn toàn giải phóng, cô về sống cùng gia đình, gần gũi buôn làng.

Chiến tranh đi qua, vùng đất của nữ thanh niên xung phong tiêu điều, xơ xác; cái bụng của người dân chưa được no. Thấy bà làm cách mạng giỏi, biết nhiều chuyện hay nên mọi người rất quý mến. Lúc này, ở thôn chưa có già làng, đồng bào cần một người đứng đầu để hướng dẫn mọi việc. Không ai nói ai, mọi người thống nhất bầu  cô thanh niên ngày nào được bà con tín nhiệm bầu làm già làng. Đây là việc làm rất lạ và hiếm có của đồng bào Xêtiêng, khi một phụ nữ được bầu làm già làng -  vị trí chỉ dành cho đàn ông.

Nữ già làng uy tín, đảng viên gương mẫu

Cô Điểu Thị Hiệp là già làng có uy tín, đảng viên gương mẫu, được người dân tin yêu, quý trọng. Cô Hiệp đã đóng góp nhiều công sức trong xây dựng quê hương và khối đoàn kết toàn dân.

Ông Huỳnh Tấn Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung

Làm già làng, bà Hiệp xử lý mọi việc theo luật tục rất thạo. “Muốn thôn ấp không còn cảnh đói nghèo, mình phải thực hiện trước thì mọi người mới nghe theo. Giặc cướp nước mình còn đánh đuổi được, không lẽ đầu hàng trước giặc dốt, giặc đói” - già làng Hiệp chia sẻ.

Nói là làm, già làng tỉa bắp, trồng khoai, nuôi heo, gà, bò... Sau khi thu hoạch, có kinh nghiệm, già làng chỉ cách cho người dân trong thôn. Già làng cũng hướng dẫn bà con cách trồng những loại cây ngắn ngày, cây thu hoạch theo thời vụ; cách chăm sóc, bón phân sao cho hiệu quả. Nếu không biết, già làng lên xã, huyện học rồi cùng cán bộ về chỉ lại cho bà con.

Cùng với chính quyền và ngành chức năng, già làng đã giúp đồng bào bỏ được nhiều hủ tục lạc hậu như: Không mổ trâu đang lớn để ăn thịt; hạn chế sống du canh, du cư, nay đây mai đó; không cúng ông ma đất, ma lai, ma rừng... Già làng cũng tuyên truyền cho đồng bào không nên lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép; ăn chín uống sôi; sinh đẻ, ốm đau phải đến bệnh viện, không được ở nhà rồi mời thầy cúng về làm phép. Già làng Hiệp phối hợp với Hội phụ nữ xã tuyên truyền đồng bào thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, không sinh nhiều con...

Không biết tự bao giờ, già làng Hiệp trở thành “địa chỉ tin cậy” của người Xêtiêng nơi đây. Mọi chuyện trong thôn từ nhỏ đến lớn, từ xích mích gia đình đến làm kinh tế... ai cũng tìm đến già làng để được tư vấn. Chị Điểu Thị Mây ở thôn 5 nói: “Già làng Hiệp hay lắm, biết chữ nhiều, chỉ cho chúng tôi biết những gì cần làm, tránh xa điều không tốt. Người Xêtiêng rất quý mến già làng Hiệp”.

Già làng Hiệp còn là một đảng viên gương mẫu. “Tôi suốt đời sống, học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ. Tôi luôn theo Đảng, theo Bác Hồ, vì đây là con đường đúng đắn nhất, giúp tôi trưởng thành và làm cách mạng”.

2015 cũng là năm già làng Điểu Thị Hiệp tròn 50 tuổi đảng. Cuộc đời của bà gắn liền với cách mạng và những sự kiện quan trọng của thôn 3 và xã Nghĩa Trung. Diện mạo của Nghĩa Trung đang ngày càng phát triển, an ninh - chính trị được giữ vững, trong đó có một phần đóng góp không nhỏ của già làng Điểu Thị Hiệp.

 

  Trang Hương - Như Nam

  • Từ khóa
1869

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu