Thứ 4, 24/04/2024 20:47:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 06:20, 04/06/2019 GMT+7

Nữ cán bộ đoàn dám nghĩ, dám làm

Thứ 3, 04/06/2019 | 06:20:00 383 lượt xem
BP - Không chỉ năng nổ, nhiệt tình trong các phong trào, hoạt động đoàn - hội, chị Đặng Thị Thao (1990), Phó bí thư Đoàn xã Thanh Lương, TX. Bình Long còn tích cực phát triển kinh tế gia đình. Dám nghĩ, dám làm, chị Thao đã thành công với vườn dưa lưới áp dụng công nghệ cao tạo nguồn thu ổn định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tốt nghiệp Trường đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, chuyên ngành nông lâm kết hợp là tiền đề giúp chị Thao nghiên cứu các giống cây trồng để phát triển kinh tế. Năm 2018, chị Thao bàn với gia đình đầu tư hơn 200 triệu đồng làm nhà màng trồng dưa lưới. Bước đầu trồng dưa lưới công nghệ cao, chị xây dựng hệ thống 3 nhà màng với diện tích 400m2/nhà. Mỗi nhà màng đầu tư hệ thống tưới nước tự động nhỏ giọt, giá thể, nhà lưới... Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi và rút kinh nghiệm, vụ đầu tiên, gia đình chị Thao thu được 3,5 tấn dưa, lợi nhuận hơn 90 triệu đồng.

Chị Đặng Thị Thao với thành quả vườn dưa lưới năng suất, chất lượng cao của gia đình

Chị Thao cho biết: Để dưa không bị sâu bệnh, phát triển tốt và cho trái ngọt, giòn, thơm ngon thì người trồng phải nắm vững kỹ thuật; đồng thời, thường xuyên kiểm tra độ ẩm trong nhà màng để có sự điều chỉnh phù hợp, kịp thời, nhất là giai đoạn sắp thu hoạch. Đặc biệt, vườn dưa sau thu hoạch phải xử lý rắc vôi, xịt thuốc trong vòng 10-15 ngày mới đưa cây giống vào trồng để đảm bảo cây không bị sâu bệnh và đạt năng suất cao. Quan trọng nhất là chọn nguồn giống chuẩn, ươm đúng công thức, xuống giống đúng kỹ thuật cây không bị đứt rễ, không gãy thân, sau đó tưới phân đủ, đúng liều lượng và đảm bảo nguồn nước tưới hằng ngày.

Nhận thấy trồng dưa lưới đạt hiệu quả kinh tế cao, đồng thời tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch cung cấp cho người tiêu dùng, gia đình chị Thao tiếp tục làm thêm 3 nhà màng với diện tích 1.200m2. Hiện nay, 3 nhà màng đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch thứ 4. Chị Thao cho biết, giống dưa lưới gia đình chọn canh tác là Honey Sweet 999 và TL3. Mỗi vụ dưa, gia đình chị đầu tư khoảng 15 triệu đồng/nhà màng gồm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Các vườn dưa sẽ thu hoạch cách nhau khoảng 15 ngày để có nguồn thu liên tục cũng như chủ động được công lao động. Chị Thao chia sẻ: Cái lợi lớn nhất của trồng dưa lưới là thời gian từ khi xuống giống đến thu hoạch chỉ khoảng 75 ngày. Như vậy, bình quân mỗi năm có thể trồng 4 vụ. Đặc biệt, với thị trường tiêu thụ và giá bán khá ổn định như hiện nay (30 ngàn đồng/kg) thì vườn dưa cho hiệu quả kinh tế khá cao nhưng đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn và có đầu ra ổn định. Điều  quan trọng trong trồng dưa lưới là nắm vững kỹ thuật để dưa không bị bệnh, cho năng suất cao, vừa tạo lưới và độ ngọt. Trong thời gian tới, tôi mong chính quyền, cơ quan chức năng hỗ trợ hướng dẫn thực hiện các thủ tục theo quy trình VietGAP để vườn dưa xây dựng được thương hiệu, đồng thời hỗ trợ đào tạo các lớp kỹ thuật công nghệ cao và đầu ra cho sản phẩm ổn định.

Bí thư Đoàn xã Thanh Lương Đoàn Thế Tài cho biết: Hiện nay, trên địa bàn Bình Long có 16 tổ hợp tác phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ và chủ yếu tập trung ở Thanh Lương (với thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng/thành viên/tháng sau khi trừ chi phí). Trong đó, vườn dưa lưới của chị Thao là một trong những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả và là địa chỉ của đoàn viên thanh niên địa phương tham quan, học tập cách làm kinh tế để có hướng đầu tư khởi nghiệp phù hợp khả năng, điều kiện thực tế bản thân. Và với sức trẻ, sự nhiệt huyết, lòng kiên trì, thực tế đã có nhiều đoàn viên thanh niên trên địa bàn Bình Long khởi nghiệp thành công, khẳng định tính xung kích của tuổi trẻ trên con đường lập thân lập nghiệp.

Văn Tâm

  • Từ khóa
38540

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu