Thứ 6, 29/03/2024 15:17:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 13:02, 25/01/2020 GMT+7

Nông thôn mới làm nên những mùa xuân

Ngân Hà
Thứ 7, 25/01/2020 | 13:02:00 516 lượt xem
BPO - Mùa xuân không chỉ bắt đầu từ những chồi non lộc biếc, đất trời giao hòa mà còn là sự đổi thay, khởi sắc từ cuộc sống của người dân. Xuân này, người dân nhiều nơi trên địa bàn tỉnh phấn khởi đón tết cổ truyền của dân tộc với đường giao thông thuận lợi, nhà văn hóa khang trang, thu nhập nâng cao từ những mô hình kinh tế hiệu quả... Tất cả có được nhờ sự phát huy sức mạnh tổng lực của ý Đảng, lòng dân trong chung tay xây dựng nông thôn mới (NTM).

Những ngày cuối năm, tiết trời se lạnh. Về vùng nông thôn, chúng tôi cảm nhận, ngoài sắc xuân của đất trời vẫn còn một mùa xuân khác đang hiện diện. Bởi 10 năm xây dựng NTM không phải dài, nhưng sự đổi thay từ chương trình lại khiến bao người phải ngạc nhiên khi trở lại, nhất là ở 48 xã đã đạt chuẩn.

Thay “áo mới” cho những vùng quê

Về Bom Bo (Bù Đăng) - địa danh huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc hôm nay, những dấu tích chiến tranh đã không còn. Giờ đây, dáng dấp của một vùng nông thôn hiện đại, nhưng vẫn giữ được nét truyền thống đang hiện lên trong những ngôi nhà mới xây trên từng con đường được trải nhựa, bê tông rộng thênh thang. Hình ảnh, âm thanh rộn rã của tiếng chày giã gạo nuôi quân trong đêm khuya bên ánh đuốc lồ ô bập bùng của đồng bào S’tiêng ở Bom Bo xưa nay không còn. Thay vào đó là không khí làm việc hối hả, khẩn trương với các loại xe, máy móc đang gấp rút hoàn thành những chỉ tiêu cuối cùng về xây dựng NTM.

Vườn dưa lưới 6.000m2 của gia đình ông Nguyễn Hữu Thọ, thành viên Tổ hợp tác trồng rau - quả an toàn xã Thanh Phú (Bình Long) mỗi năm thu lãi 1 tỷ đồng

Gắn bó với mảnh đất Bom Bo từ những ngày đầu, già làng Điểu Lên ở thôn 1, xã Bình Minh (Bù Đăng) chia sẻ: “Giờ Bom Bo đã khác nhiều, nơi đây có nhiều nhà xây kiên cố, đồng bào chịu khó học hỏi kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nuôi bò sinh sản, trồng điều, tiêu, cao su, cà phê và không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại Nhà nước. Hằng đêm, dưới ánh điện tỏa sáng, người già cùng con cháu quây quần bên tivi, máy vi tính để cập nhật tin tức, kết nối thông tin. Đồng bào chung tay cùng Nhà nước xây dựng NTM, giờ có đường nhựa, điện, trường học và trạm y tế với thiết bị khám chữa bệnh hiện đại, bà con vui lắm nên yên tâm giúp nhau phát triển kinh tế, lo cho con cháu học chữ”.

Trên những cung đường bê tông uốn lượn, những chuyến xe đầy ắp cà phê, điều từ rẫy trở về sau một ngày thu hoạch cho thấy đời sống người dân nơi đây đang ngày càng khởi sắc. Hiện mức sống của người dân Bom Bo được nâng lên với thu nhập bình quân hơn 42 triệu đồng/người/năm, gấp nhiều lần so với 10 năm trước và không còn hộ đói giáp hạt. Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm thì việc kiến tạo một vùng nông thôn văn minh với môi trường xanh, sạch, hiện đại, nhưng vẫn mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số ở Bom Bo cũng là yếu tố không thể tách rời, xứng đáng để thế hệ sau viết tiếp truyền thống quê hương anh hùng trong hành trình xây dựng NTM.

Ngược quốc lộ 14, chúng tôi về xã Đồng Nơ (Hớn Quản). Hai bên đường, những cành mai với vô số nụ xanh đang chờ ngày bung nở, báo hiệu mùa xuân sum vầy, no đủ. Ngoài sắc xuân của đất trời, chúng tôi cảm nhận được không khí đón tết của người dân nơi đây như rộn ràng, vui tươi hơn. Đây là mùa xuân đầu tiên người dân Đồng Nơ đón tết trong niềm hân hoan về đích NTM. Đổi mới ở đây không chỉ là sự nỗ lực, quyết tâm cao của cấp ủy đảng, chính quyền mà còn là sự đồng lòng, chung sức của nhân dân. Trong tổng 38 tỷ đồng huy động xây dựng NTM thì nhân dân đóng góp trên 9,7 tỷ đồng. Điển hình như nông dân sản xuất giỏi Nguyễn Văn Ngọc ở ấp 4, tự nguyện trích ra một phần lợi nhuận sau mỗi vụ thu hoạch để mua trụ, bóng đèn, đồng hồ điện kéo 4km đèn đường chạy dọc 2 ấp 4 và 5. Không nói về số tiền đã bỏ ra vì anh Ngọc chỉ nghĩ “mình làm vì lợi ích chung, trong đó có nhà mình hưởng, đi đâu mà thiệt”.

Cách đây 5-7 năm, mỗi khi đi công tác về Đồng Nơ, chúng tôi rất “ngán”, bởi những con đường thường xuyên đọng nước, gập ghềnh, tiềm ẩn hiểm nguy, nhưng giờ nơi đây đang là một vùng đất đáng sống, hiện đại và an toàn. Trên những tuyến đường nhựa, bê tông sạch đẹp, ngoài hệ thống đèn đường, camera an ninh, hai bên đường còn được người dân trồng hoa tạo cảnh quan. Nhìn cảnh trẻ em ríu rít đạp xe tới trường trên những con đường hoa cỏ lạc nở vàng rộ, chúng tôi thấy một khung cảnh yên bình, tràn đầy sức sống ở nơi đây. “Tết này, gia đình tôi cũng như các hộ trong ấp vui hơn, bởi đường đi lại thuận lợi, đèn đường sáng choang. Gia đình sửa lại nhà, cùng nhau dọn dẹp, tạo cảnh quan môi trường, trồng thêm hoa trước nhà, trên con đường vừa được Nhà nước và nhân dân cùng làm để tô điểm cho quê hương thêm sắc xuân” - bà Hồ Thị Hạnh ở ấp 4, xã Đồng Nơ phấn khởi.

Nông thôn mới và “nông dân mới”

Đến những trang trại cao su, cà phê, sầu riêng ngút ngàn ở xã Phước Tín, thị xã Phước Long, chúng tôi dừng chân tại trang trại sầu riêng Ba Đảo ở thôn Bàu Nghé. Không chỉ được mệnh danh là “ốc đảo” sầu riêng mà chất lượng sầu riêng ở đây cũng nức tiếng bởi độ thơm ngon, béo ngậy, được chăm chút bởi những người làm vườn tâm huyết.

Trang trại 20 ha sầu riêng của ông Trương Văn Đảo (Ba Đảo) được quy hoạch và đầu tư hệ thống điện, nước đảm bảo việc ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Không chỉ làm vườn bằng tình yêu, ông Ba Đảo còn có bản lĩnh của một doanh nhân. Đó là việc ông mạnh dạn đầu tư 2 tỷ đồng mua dàn máy cấp đông và kho lạnh để sơ chế, bảo quản sản phẩm cung cấp trực tiếp cho nhà sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Thay vì bán nguyên trái, bán cả vườn, những trái sầu riêng của ông được sơ chế rồi cấp đông trong môi trường âm 200C để chờ đủ số lượng mới giao cho nhà sản xuất. Lợi nhuận từ trái sầu riêng nhờ thế tăng gấp 2 lần so với bán cho thương lái. Ông còn xây dựng được website riêng để kết nối thương mại, tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm.

Người dân ấp 5, xã Đồng Nơ (Hớn Quản) góp công, góp của cùng Nhà nước làm đường nông thôn mới

Không chỉ có ông Ba Đảo mà giờ đây vùng đất này không thiếu những triệu phú, tỷ phú sầu riêng nhờ năng động, nhạy bén với thị trường. Với diện tích trồng cây ăn trái 150 ha, trong đó khoảng 50 ha đang thời kỳ kinh doanh, các hộ trồng cây ăn trái ở thôn Bàu Nghé liên kết thành lập hợp tác xã và áp dụng quy trình chăm sóc sầu riêng theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, từng bước hình thành chuỗi liên kết đầu ra cho sản phẩm. Qua đó, trở thành hợp tác xã nông nghiệp điển hình trong 136 hợp tác xã hoạt động hiệu quả trên địa bàn toàn tỉnh tính đến thời điểm hiện nay.

Là một trong những hộ tiên phong trồng rau, dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGAP ở thị xã Bình Long, ông Nguyễn Hữu Thọ, thành viên Tổ hợp tác trồng rau - quả an toàn xã Thanh Phú, cho biết: Tôi trồng rau, quả VietGAP khi ở đây chưa ai biết đến khái niệm này. Tôi tự bỏ tiền đi học cách trồng rau sạch và hỗ trợ các hộ khác cùng làm, rồi tự lên mạng tìm mối tiêu thụ. Hiện các sản phẩm rau, quả tại vườn khi cắt bán đều được tôi đóng gói, in nhãn mác, hạn dùng theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy chi phí đội lên 2.000 đồng/kg nhưng bù lại tôi tìm được nguồn thu mua ổn định lâu dài. Hiện hệ thống Siêu thị Co.opmart tại TP. Hồ Chí Minh, AEon Bình Dương và các đại lý bán lẻ đang đặt hàng dưa lưới với số lượng lớn nên sản phẩm của gia đình làm ra không đủ bán.

Chính những con người dám nghĩ, dám làm như ông Đảo, ông Thọ... đã hình thành một thế hệ nông dân năng động, bản lĩnh với tư duy đổi mới. Họ không chỉ ứng dụng công nghệ hiện đại, giúp tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao giá trị hàng hóa mà còn nắm vững kiến thức, chủ động tìm kiếm thị trường để tồn tại và phát triển trong thời đại nông nghiệp 4.0. 

  • Từ khóa
54711

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu