Thứ 3, 19/03/2024 16:35:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 07:45, 22/12/2016 GMT+7

HƯỚNG TỚI 20 NĂM NGÀY TÁI LẬP TỈNH

Nông thôn mới đón mừng năm mới

Thứ 5, 22/12/2016 | 07:45:00 205 lượt xem

BP - Sau hơn 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), Bình Phước đã thật sự chuyển mình cả về chất và lượng. Những con đường gập ghềnh, nắng bụi, mưa lầy được bê tông hóa vững chắc, sạch sẽ, thuận tiện đi lại; nhiều hộ dân có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ thoát nghèo, vươn lên làm giàu; trường, trạm xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập và chăm sóc sức khỏe của nhân dân... Đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên, làm cho bộ mặt nông thôn thêm khởi sắc.

KINH TẾ CHUYỂN DỊCH ĐÚNG HƯỚNG

5 năm qua, do làm tốt công tác tuyên truyền nên xây dựng NTM đã trở thành phong trào thi đua rộng khắp trong tỉnh. Nhiều cách làm sáng tạo được áp dụng rộng rãi, góp phần huy động các nguồn lực phục vụ xây dựng NTM. Ở nhiều nơi, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố, thu nhập bình quân tăng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nâng cao. Do đó, số tiêu chí đạt chuẩn tăng hằng năm, từ 9,11 tiêu chí/xã năm 2014 lên 10,73 tiêu chí/xã vào cuối năm 2015 và năm 2016 bình quân mỗi xã đạt 12 tiêu chí, tăng 8 tiêu chí/xã so với năm 2010. Đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 15 xã về đích NTM.

Diện mạo nông thôn đổi mới kéo theo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế tăng hướng phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ. So với năm 1997, số doanh nghiệp hiện tăng 13 lần (5.200 doanh nghiệp), cơ sở thương mại tăng gần 7 lần và số lao động được giải quyết việc làm tăng 6 lần. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong năm 2016 tăng 41 lần so với năm 1997 và giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 30.000 tỷ đồng, tăng gấp 245 lần so với năm đầu tái lập tỉnh.

 

​Bà Thị Khôn ở đội 6, thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa xúc động trong ngày nhận nhà do Đoàn Kinh tế - quốc phòng 778 xây tặng

Toàn tỉnh hiện có 233 mô hình phát triển sản xuất mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao thu nhập người dân. Từ chương trình NTM, toàn tỉnh đã mở 200 khóa đào tạo nghề, chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng, chăm sóc và khai thác mủ cao su, điều; trồng thâm canh và bảo quản hồ tiêu; nuôi và phòng trị bệnh cho heo, trâu, bò... với 6.800 lượt người tham gia và đã có 5.400 người có việc làm, đạt 79,4%.

Tiên phong trong tiêu chí hình thái tổ chức sản xuất phải kể đến 2 xã Thanh Lương và Thanh Phú của thị xã Bình Long. Hai xã đã phát triển mạnh với các mô hình tổ hợp tác (THT), câu lạc bộ (CLB), kinh tế hộ gia đình, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất trên địa bàn gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh. Ông Nguyễn Văn Lễ, Chủ tịch UBND xã Thanh Phú cho biết: Toàn xã có 4 THT nông nghiệp (trồng trọt và chăn nuôi ấp Phú Thành; chăn nuôi heo ấp Thanh Xuân; trồng rau ăn lá ấp Phú Long và chăn nuôi heo Thành Đạt) đều hoạt động hiệu quả, nâng mức thu nhập bình quân đầu người của xã trong năm 2016 đạt 39 triệu đồng. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 0,79% (51/2.419 hộ), không còn hộ ở nhà tạm, nhà dột nát và số hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng chiếm 92,2%.

Ông Lê Xuân Thăng, Tổ trưởng Tổ trồng rau ấp Phú Long cho hay: “THT hiện có 7 thành viên với tổng diện tích 12.000m2, chủ yếu trồng rau ăn lá trong nhà lưới, có hệ thống tưới tự động. Sau khi trừ chi phí mỗi hộ thu nhập bình quân khoảng 350 ngàn đồng/ngày. Tổ luôn hướng tới sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng và rau chúng tôi bán cũng là rau gia đình ăn”. Còn THT chăn nuôi heo ấp Thanh Xuân có 35 thành viên, mỗi hộ nuôi trên 200 con. Heo được chăm sóc đúng kỹ thuật, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nên đầu ra ổn định.

Cũng đi đầu trong thực hiện tiêu chí hình thái tổ chức sản xuất, ông Võ Văn Quốc, Chủ tịch UBND xã Thanh Lương cho biết: Năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ đạt 15 triệu đồng; năm 2016, tăng lên 42 triệu đồng. Nguồn thu tăng là do địa phương chú trọng đầu tư phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững nên số người có việc làm thường xuyên đạt 95,92% (7.034/7.333 người). Hiện xã có 2 THT, 4 CLB chuyên về chăn nuôi, trồng trọt và chăm sóc sinh vật cảnh đã hỗ trợ tích cực cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM.

NÔNG THÔN KHỞI SẮC

Trong năm 2016, riêng 12 xã về đích NTM có thêm 14 trường học đã và đang thi công. Nhiều trường học được nâng cấp sửa chữa, mua sắm trang thiết bị phục vụ nhu cầu dạy và học. Hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu cơ bản của nhân dân. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, UBND tỉnh đã bảo lãnh mua xi măng trả chậm cho các xã xây dựng đường giao thông nông thôn theo cơ chế đặc thù. Cụ thể, năm 2014 là 4.450 tấn, năm 2015 là 20.290 tấn và năm 2016 mua 54.414 tấn (68,02 tỷ đồng). Từ nguồn xi măng do UBND tỉnh ứng trước, ngân sách huyện hỗ trợ và các xã vận động nhân dân đóng góp ngày công, tiền của, hiến đất... đến nay, tổng nguồn lực huy động cho 92 xã trong tỉnh là 743,474 tỷ đồng. Sau 3 năm triển khai làm đường giao thông nông thôn theo cơ chế đặc thù đã có trên 520km đường bê tông cùng nhiều tuyến đường, trục đường được cứng hóa.

Những con đường bê tông hay cứng hóa như những mạch máu khỏe mạnh len lỏi vào từng ngõ ngách các khu dân cư, làm thay đổi đời sống của người dân và diện mạo nông thôn. Chuyển biến rõ nhất là ở xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập). Toàn xã có 3.077 hộ dân thì 2.813 hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng, chiếm 93,24% và không có gia đình nào phải ở nhà tạm, nhà dột nát. Những hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng lợi nhiều nhất từ chương trình NTM. Điển hình là khu định cư Tiểu khu 119 ở đội 6, thôn Tân Lập, xã Phú Nghĩa đã thoát cảnh “5 không” (không trường, không điện, không trạm y tế, đường sá lầy lội, nhà ở tạm bợ, dột nát). Từ sự hỗ trợ của Đoàn Kinh tế - quốc phòng 778 và các nhà hảo tâm, hiện những hộ này đã có nhà ở khang trang, khu dân cư có đường bê tông và người dân được tạo việc làm ổn định. “Được cấp nhà ở gần trường học, lại có điện, nước phục vụ sinh hoạt và được đào tạo nghề nên tôi không còn sợ đói, sợ mưa như trước nữa” -  bà Thị Khôn ở khu định cư Tiểu khu 119 cho biết. 

Có thể khẳng định, tuy thực hiện xây dựng NTM ở mỗi địa bàn có những khó khăn, xuất phát điểm khác nhau nhưng tất cả đều có điểm chung là sự đồng thuận cùng tinh thần vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và nhân dân; hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững và nâng cao đời sống người dân nông thôn.

Ngọc Bích

  • Từ khóa
54016

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu