Thứ 6, 29/03/2024 07:08:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 13:12, 11/12/2019 GMT+7

Nông hộ trồng tiêu kêu cứu - Bài cuối

Thứ 4, 11/12/2019 | 13:12:00 1,108 lượt xem

CHỜ ĐỢI “HỒI SINH”

BP - Trước thực trạng tiêu chết hàng loạt, hàng trăm hộ dân ở xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập) đã tìm đến cơ quan chức năng để cầu cứu, mong được khoanh nợ hoặc giãn nợ. Trải qua nhiều lần đến gõ cửa các trụ sở tiếp công dân của 4 cấp, hàng trăm hộ dân ở xã Đắk Ơ nói riêng và các hộ trồng tiêu trên địa bàn huyện Bù Gia Mập nói chung nhận được các câu trả lời trái ngược từ phía cơ quan chức năng, khiến người dân như đứng trước ngã ba đường.

Chỉ cần có 1% cơ hội “tái sinh” để tiếp tục bám đất sản xuất trả nợ, nông hộ trồng tiêu trên địa bàn huyện Bù Gia Mập vẫn hy vọng vào sự giúp đỡ của chính quyền, ngành chức năng nên tiếp tục tìm đến các cơ quan liên quan cầu cứu.

Nông hộ trồng tiêu hoang mang

Trước tình trạng hồ tiêu chết trên địa bàn xã Đắk Ơ nói riêng và toàn huyện nói chung, ngày 14-3-2019, UBND huyện Bù Gia Mập ban hành Công văn số 143/UBND-SX về việc thống kê, rà soát các hộ trồng có hồ tiêu bị chết. Qua đó thống kê số hộ bị tiêu chết có khoản nợ vay đầu tư trồng và phát triển hồ tiêu tại các ngân hàng, đã đến thời hạn trả nhưng do điều kiện khó khăn vì nguồn thu từ cây tiêu không có để trả nợ ngân hàng. Ngày 18-3-2019, UBND xã Đắk Ơ ban hành Công văn số 32/UBND, đồng thời thành lập Tổ công tác 307 về việc rà soát diện tích tiêu chết và hoàn cảnh đời sống các hộ có nhu cầu hỗ trợ chính sách ưu đãi về vốn.

Ông Nguyễn Công Nhiệm ở thôn 10, xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập) chuyển đổi cây trồng sang cây ăn trái và cây ngắn ngày thay cho diện tích tiêu đã chết

Với mong muốn được hỗ trợ vốn, người dân trồng tiêu 2 xã Đắk Ơ, Bù Gia Mập cùng làm đơn do ông Nguyễn Công Nhiệm ở thôn 10, xã Đắk Ơ đại diện gửi đến cơ quan chức năng 4 cấp và các ngân hàng xin được khoanh nợ, giãn nợ và hỗ trợ để tái sản xuất, có thu nhập trả nợ ngân hàng. Tuy nhiên, kết quả trả lời của các đơn vị không thống nhất, khiến các hộ dân phải đi nhiều nơi, kéo dài thời gian nhưng vẫn chưa có được đáp án thỏa đáng.

Cụ thể: Thông báo kết luận số 282 ngày 24-9-2019 về buổi tiếp công dân định kỳ ngày 10-9-2019 của Phó chánh Thanh tra tỉnh Hồ Thanh Bông (do UBND tỉnh ủy quyền) đối với bà Vũ Thị Loan và 6 hộ dân ở thôn 9, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập có nội dung: UBND tỉnh đề nghị Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bình Phước, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ để người dân được khoanh nợ tái sản xuất, ổn định cuộc sống. Về kiến nghị hỗ trợ cây trồng, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, giải quyết nội dung kiến nghị của người dân theo quy định.

Thay mặt UBND xã Đắk Ơ, Phó chủ tịch Vũ Đức Duy trả lời ông Nguyễn Công Nhiệm và 154 hộ dân tại phòng tiếp công dân của UBND xã Đắk Ơ ngày 11-11-2019: “Thẩm quyền khoanh nợ không thuộc giải quyết của UBND xã. Đề nghị ông Nguyễn Công Nhiệm cùng các hộ dân yên tâm sản xuất, chờ ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền”.

UBND tỉnh đề nghị ngân hàng tạo điều kiện hỗ trợ để người dân được khoanh nợ tái sản xuất, ổn định cuộc sống. Ngân hàng Nhà nước trả lời cần làm việc trực tiếp với tổ chức tín dụng cho vay vốn để được xem xét. Tổ chức cho vay vốn - Agribank chi nhánh Bù Gia Mập trả lời rằng kiến nghị khoanh nợ chưa đầy đủ hồ sơ tài liệu. Ngân hàng Nhà nước và Agribank đều trả lời để khoanh nợ phải có công bố dịch...

Những hộ dân chờ được khoanh nợ hoặc giãn nợ đã nhận được kết quả trả lời như vậy của các đơn vị liên quan. Đến đây, một đầu mối nữa vào cuộc: Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn - trực tiếp là Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo, chứng minh, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh công bố dịch. Như thế, việc xin khoanh nợ, giãn nợ chưa biết đến khi nào có kết quả. Và tiền lãi hằng tháng ngân hàng không thể không cộng dồn lên, riêng với 66,653 tỷ đồng của 98 người làm đơn kiến nghị, mỗi tháng tổng cộng tiền lãi không dưới 400 triệu đồng

Cùng ngày 11-11-2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có Văn bản số 8787/NHNN-TD, trả lời đơn của ông Nguyễn Công Nhiệm, đại diện các hộ dân ở 2 xã Đắk Ơ và Bù Gia Mập: Theo Nghị định số 55/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, khoản nợ của ông Nguyễn Công Nhiệm và các hộ dân trong đơn kêu cứu chỉ được xem xét khoanh nợ trong trường hợp các hộ dân bị thiệt hại về vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay do thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên phạm vi rộng, có văn bản thông báo tình trạng thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng và được UBND tỉnh Bình Phước tổng hợp, đánh giá cụ thể thiệt hại, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính xem xét, quyết định.

Văn bản số 8787/NHNN-TD cũng nêu: Trường hợp khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ do khách quan, bất khả kháng được tổ chức tín dụng xem xét: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng và đánh giá của tổ chức tín dụng về khả năng trả nợ của khách hàng; cho vay mới để phục hồi sản xuất, kinh doanh đối với khách hàng có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi. Do vậy, trường hợp gặp khó khăn, không có khả năng trả nợ đúng hạn, các hộ dân cần làm việc trực tiếp với tổ chức tín dụng cho vay vốn để được xem xét, xử lý theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Còn Phó giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Bù Gia Mập Trần Văn Vinh, cho biết: Đơn kêu cứu của ông Nguyễn Công Nhiệm đại diện cho 98 khách hàng đang có dư nợ tại Phòng giao dịch Đắk Ơ và Chi nhánh huyện Bù Gia Mập, với số tiền khoảng 66,653 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc kiến nghị khoanh nợ của các hộ dân chưa đầy đủ hồ sơ tài liệu. Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ và phát triển nông nghiệp, nông thôn, tại Khoản 11, Điều 3 quy định: “Thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng là trường hợp thiên tai, dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp xảy ra trên phạm vi rộng trong một hoặc nhiều tỉnh, thành phố gây thiệt hại cho nhiều cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp và được cấp có thẩm quyền xác nhận, thông báo về tình trạng thiên tai, dịch bệnh”. Theo quy định này, người dân phải có thông báo công bố dịch bệnh trên hồ tiêu của UBND tỉnh Bình Phước.

Chưa biết “đi đâu, về đâu”

Ông Trần Văn Vinh cho biết thêm: Trong 2 năm 2017 và 2018, cán bộ tín dụng thẩm định có thấy lượng hồ tiêu chết, nhưng không đánh giá được nguyên nhân tiêu chết. Hồ tiêu trên địa bàn xã Đắk Ơ không chết đồng loạt mà theo từng năm. Tiêu của người dân chết ngoài nguyên nhân bị bệnh còn do người dân không có vốn đầu tư chăm sóc, chán nản nên bỏ vườn. Nhằm khắc phục và tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, ngân hàng đã cho 1.930 khách hàng vay lại để tái sản xuất, kéo dài thời gian trả nợ từ 3-5 năm, có ân hạn gốc 12 tháng đầu, với tổng vốn 771,914 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30-10-2019, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của chi nhánh là 1.785 tỷ đồng với 5.270 khách hàng. Riêng khách hàng vay đầu tư chăm sóc phát triển hồ tiêu 570 tỷ đồng với 1.600 khách hàng, chiếm 30% số lượng khách hàng và dư nợ. Nợ xấu vay đầu tư hồ tiêu trên địa bàn huyện Bù Gia Mập 7,5 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là khách hàng ở xã Đắk Ơ.

Phó giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Bù Gia Mập TRẦN VĂN VINH

Hiện nay, các hộ dân vừa kêu cứu cơ quan chức năng vừa xoay xở trả nợ ngân hàng. Để tái thiết 3 ha tiêu chết, gia đình ông Nguyễn Công Nhiệm đã được ngân hàng cho vay lại để chuyển đổi cơ cấu sang trồng cây ăn trái, sầu riêng, bưởi, mít, trồng xen canh khoai sọ để lấy ngắn nuôi dài. Cũng tự xoay xở để có tiền trả nợ ngân hàng, hộ ông Nguyễn Văn Sơn ở thôn 10, xã Đắk Ơ đã tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng và người thân để trồng xen canh khoai sọ, sầu riêng, bưởi, mít, hiện vườn cây đã bước qua năm thứ 2.

Căn cứ các quy định hiện hành, người trồng tiêu ở Đắk Ơ nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung, rất khó được hỗ trợ khoanh nợ vì chưa có công bố dịch đối với hồ tiêu. Có thể công bố dịch hay có một giải pháp có thể khoanh nợ hay không? - là câu hỏi nông dân trồng tiêu đang nợ ngân hàng rất mong có được đáp án. Bởi không có câu trả lời rõ ràng, người dân vẫn nuôi hy vọng, tiếp tục gõ cửa các đơn vị liên quan.

Tại buổi tiếp công dân ngày 12-11-2019, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Tuệ Hiền kết luận: Giao Ngân hàng Nhà nước tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn UBND huyện Bù Gia Mập rà soát, tổng hợp, lập danh sách cụ thể từng trường hợp và đề xuất hướng giải quyết báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến của Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ. Việc miễn, giảm lãi tiền vay, phí cho khách hàng thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng, do đó ông Nguyễn Công Nhiệm và các hộ dân phải trực tiếp làm việc với các tổ chức tín dụng để được xem xét giải quyết theo quy định.

Xuân Túc - Ngọc Bích

  • Từ khóa
94658

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu