Thứ 7, 20/04/2024 21:28:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 15:49, 29/09/2016 GMT+7

Nông dân thời hội nhập: Bài 1

Hữu Dụng
Thứ 5, 29/09/2016 | 15:49:00 192 lượt xem

ĐẦU TƯ CÔNG NGHỆ VÀ THAY ĐỔI TƯ DUY

BP - Ngành nông nghiệp và người nông dân đã và đang lo sợ yếu thế khi Việt Nam bước hội nhập sâu rộng với thế giới. Bởi sản xuất nhỏ lẻ và lạc hậu sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi bước ra “biển lớn”, thậm chí có thể thua ngay trên sân nhà. Vì vậy, việc tái cơ cấu, đầu tư công nghệ cao vào sản xuất được xem là cơ hội “vàng” cho nông dân và ngành nông nghiệp đứng vững trong thời hội nhập.

ĐƯA CÔNG NGHỆ CAO VÀO SẢN XUẤT

Đầu tư khoa học - kỹ thuật (KHKT) là “chìa khóa” để tăng năng suất, chất lượng và giá trị nông sản. Khi hội nhập thị trường quốc tế, sự cạnh tranh giữa các mặt hàng xuất khẩu, nhất là nông sản ngày càng trở nên khốc liệt. Do đó, nông dân buộc phải thay đổi tư duy sản xuất theo hướng ứng dụng KHKT, sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, đảm bảo an toàn theo hướng bền vững mới có khả năng cạnh tranh trong sân chơi toàn cầu.

Mô hình trồng rau thủy canh của Hợp tác xã Nguyên Khang Garden ở xã Tân Thành, thị xã Đồng XoàiMô hình trồng rau thủy canh của Hợp tác xã Nguyên Khang Garden ở xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài

Thực tế, nhiều nông dân trong tỉnh đã thành công với mô hình sản xuất theo hướng bền vững để hội nhập. Điển hình như anh Hoàng Phú Hội, Giám đốc Hợp tác xã Nguyên Khang Garden ở xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài, người ứng dụng thành công công nghệ cao vào trồng rau an toàn theo phương pháp thủy canh. Rau được trồng trong các ống nhựa (đục lỗ) nối thành một hệ thống giàn, chia nhiều tầng, rất linh động có thể thay đổi phù hợp với không gian khác nhau. Ở mỗi tầng, anh đặt hệ thống tôn trên các giá đỡ cao hơn so với mặt đất từ 1-1,5m để thay thế luống đất trồng.

Các loại rau cao cấp được anh nhập hạt giống từ nước ngoài. Hạt rau được ươm bằng xơ dừa trộn hợp chất dinh dưỡng trong những vỉ xốp. Ống nước chứa chất dịch thủy canh được dẫn bên dưới tới từng luống rau. Đây là loại dung dịch đặc biệt, bao gồm các nguyên tố đa lượng (N, P, K, Ca, Mg) và vi lượng (Fe, Zn, Cu, B, Mn, Mo) với thành phần phù hợp và hoàn toàn không có chất kích thích sinh trưởng hay thuốc bảo vệ thực vật. Rau sạch mang thương hiệu “Nguyên Khang Garden” hiện được tiêu thụ tại các siêu thị ở TP. Hồ Chí Minh. Anh Hội cho biết, trồng rau theo phương pháp này giúp cây phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt hơn 90%, thời gian thu hoạch nhanh, không bị sâu bệnh gây hại do trồng trong nhà kính. Rau ăn lá canh tác theo phương pháp thủy canh hồi lưu đạt năng suất bình quân cao nên mang lại hiệu quả kinh tế lớn.

Tương tự, ông Ngô Duy Hợp, chủ cơ sở sản xuất rau an toàn Bàu Trúc ở phường Tân Thiện, thị xã Đồng Xoài, cũng rất thành công khi trồng rau an toàn ứng dụng công nghệ nhà kính. Năm 2014, ông Hợp đầu tư hơn 800 triệu đồng xây dựng màng lưới nhà kính trên diện tích 2.000m2 để trồng rau an toàn. Rau trồng trong nhà kính nên hạn chế được sâu bệnh xâm nhập, tỷ lệ thuốc bảo vệ thực vật sử dụng giảm hơn một nửa so với trồng ngoài trời. Nhất là có thể trồng quanh năm vì không phụ thuộc vào thời tiết, năng suất đạt cao và bảo đảm rau an toàn. Ông Hợp cho hay: Do sử dụng hệ thống phun tưới tự động, tự điều chỉnh độ ẩm bên trong nên khi nhiệt độ lên cao, hệ thống phun sương trong nhà kính sẽ tự bật lên làm mát vườn. Trường hợp thời tiết bất thường, như quá nắng, hệ thống màng cản quang sẽ tự động kéo ra tạo bóng mát và khi có mưa, hệ thống cũng sẽ tự kéo mái không cho mưa lọt vào bên trong nhà kính.

Nhờ áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, người nông dân đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất, chủ động áp dụng quy trình VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt), GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) vào sản xuất để tạo thị trường tiêu thụ ổn định. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, ngành nông nghiệp cần tập trung vào việc tổ chức lại sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết, làm cơ sở để thúc đẩy việc ứng dụng KHKT, đưa công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả các mặt hàng nông sản tiềm năng, biến KHKT thành “chìa khóa vàng” cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.

THAY ĐỔI TƯ DUY SẢN XUẤT

Thời gian gần đây, khi vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trở thành mối lo chung của toàn xã hội thì việc sản xuất những sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng cao, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng đã được các cấp, ngành quan tâm. Tuy nhiên, muốn người dân từ bỏ thói quen sản xuất manh mún, tự do, chỉ chú trọng năng suất, sản lượng mà không quan tâm đến chất lượng sản phẩm thì rất cần sự vào cuộc của ngành nông nghiệp và Hội Nông dân tỉnh trong việc định hướng sản xuất cho nông dân.

Đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn công tác của Văn phòng Trung ương Đảng thăm và làm việc tại Hợp tác xã Nguyên Khang Garden ở xã Tân Thành, thị xã Đồng XoàiĐồng chí Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn công tác của Văn phòng Trung ương Đảng thăm và làm việc tại Hợp tác xã Nguyên Khang Garden ở xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài

Ông Vũ Đức Bộ, Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã điều Hưng Phước, xã Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài, cho rằng: Lâu nay, nông dân chỉ chú tâm sản xuất, chưa quan tâm đến thị trường, vì thế mới có chuyện “được mùa rớt giá”. Để ngành nông nghiệp tận dụng được cơ hội khi hội nhập phải xây dựng lộ trình phát triển bài bản, có tư duy đổi mới, nhất là cải cách khâu phân phối, tăng tính liên kết giữa nhà nông - doanh nghiệp để khơi thông đầu ra cho nông sản. Đồng thời xác định được cung và cầu, tránh sản xuất tràn lan không theo nhu cầu thị trường.

Thời gian qua, việc áp dụng KHKT vào sản xuất được đẩy mạnh trên địa bàn tỉnh nhưng tỷ lệ còn ở mức thấp, chưa đồng bộ. Mặt khác, tập quán sản xuất truyền thống vẫn chưa thoát hẳn trong tư duy người nông dân. Vì vậy, nhiều mô hình dù mang lại hiệu quả kinh tế, được phổ biến rộng nhưng nông dân vẫn không áp dụng.

Ông Dương Mã Dưỡng, Giám đốc Công ty TNHH bơ sáp Mã Dưỡng

Ông Dương Mã Dưỡng, Giám đốc Công ty TNHH bơ sáp Mã Dưỡng ở thôn Đồng Tiến, xã Phước Tân (Phú Riềng) nói: Việt Nam đã và đang dần hội nhập sâu rộng với thế giới. Sau khi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực, thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản sẽ giảm mạnh. Từ đây mở ra một số thị trường tiêu thụ nông sản rộng lớn, giúp chúng ta giảm áp lực phụ thuộc vào thị trường truyền thống. Tuy nhiên, diện tích nông sản của ta còn trồng nhỏ lẻ, chủ yếu là tự canh tác, chưa có nhiều thương hiệu; nhất là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và hàm lượng chất cấm trong nông sản chưa được quản lý chặt, dẫn đến các mặt hàng nông sản Việt Nam khó cạnh tranh so với nước khác.

Ông Dưỡng chia sẻ, công ty đã xây dựng thương hiệu bơ cao cấp Mã Dưỡng với chiến lược phát triển dài hạn, bảo đảm thực hiện đúng quy trình sản xuất an toàn, đồng thời hợp tác tăng diện tích trồng và chế biến sản phẩm từ trái bơ. Hiện công ty đã nghiên cứu và đưa vào trồng thành công giống bơ sáp một năm cho hai vụ với năng suất cao và áp dụng kỹ thuật tiên tiến để sản xuất bơ an toàn với quy mô lớn. Nhưng để xây dựng được chuỗi giá trị nông sản thành công không chỉ có sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp mà còn rất cần sự trợ lực từ nhà nước.

  • Từ khóa
40727

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu