Thứ 6, 29/03/2024 14:49:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 08:48, 23/03/2014 GMT+7

Nông dân nhọc nhằn vì nắng hạn

Chủ nhật, 23/03/2014 | 08:48:00 155 lượt xem

* Hầu hết diện tích đất trồng lúa ở xã Phước Minh (Bù Gia Mập) vào mùa khô phải bỏ hoang hoặc chết rụi vì thiếu nước. Hệ thống thủy lợi, kênh mương nội đồng thiếu nên không đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu cho cây trồng.

Ông Điểu Yú chỉ cánh đồng lúa chết khô do thiếu nước

Giữa cái nắng gay gắt đầu tháng Ba, chúng tôi đến thôn Bình Giai, xã Phước Minh, thấy những thửa ruộng lúa đã bị cháy khô vì hạn hán. Nhiều ruộng lúa đã trổ bông nhưng không có nước nên hạt bị lép và đen; có ruộng bỏ hoang đất khô, nứt nẻ. Nhìn cánh đồng rộng lớn hàng chục ha lúa bị khô cháy, ai cũng xót xa cho thành quả lao động bị mất trắng.

Ông Điểu Yông ở đội 5, thôn Bình Giai than vãn: “Nhà có 9 người, cái ăn trông chờ vào 8 sào lúa nhưng vụ này không thu được hạt nào. Mỗi năm gia đình tôi chỉ làm được một vụ lúa mùa mưa, nhưng năng suất kém do ngập úng nặng. Một năm, nhà tôi thiếu lúa ăn 8 tháng. Vì thế, các con tôi phải đi chẻ điều kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống”. Do lúa bị cháy khô nên nhiều hộ bỏ cho trâu bò ăn, chờ đến mùa mưa mới làm đất. Có hộ tiếc của đi mót những hạt còn sót lại.

Thời điểm này của những năm trước, người dân trong thôn đang chuẩn bị làm đất để xuống giống, có hộ đang thu hoạch lúa. Thế nhưng hiện nay người dân phải bỏ ruộng đồng, trong khi nhà nào cũng thừa lao động. Nhà ông Điểu Yú có 9 sào lúa đã trổ bông nhưng bị lép hạt, cháy khô. Chỉ tay về ruộng lúa cháy, ông Điểu Yú cho biết: Cái ăn của đồng bào dựa vào ruộng lúa. Vụ này mất trắng, thiếu ăn càng kéo dài. Mấy năm trước, người dân trong thôn đã chung sức đào mương dẫn nước từ cầu Bình Tiến về. Tuy nhiên năm nay hạn sớm, nước suối cạn nên cây lúa thiếu nước trầm trọng.

Ông Nguyễn Thanh Thỏa, Trưởng thôn Bình Giai, xã Phước Minh nói: Cả thôn có 350 hộ, trong đó 80% là đồng bào dân tộc thiểu số. Cả thôn có 80 ha đất trồng lúa, nhưng người dân chỉ canh tác được một vụ/năm. Do cánh đồng của thôn không có hệ thống thủy lợi và kênh mương nội đồng nên sản xuất hoàn toàn phụ thuộc vào ông trời. Vì thế, cái nghèo cứ đeo bám. Hiện cả thôn có hơn 130 hộ nghèo, gần 50 hộ cận nghèo.

Trước đây, khu đất trồng lúa của thôn vẫn gieo trồng được 2 vụ/năm. Vài ba năm trở lại đây, canh tác chỉ được một vụ nhưng vẫn gặp khó khăn. “Mất một vụ canh tác lúa nên phần lớn hộ trong thôn thiếu ăn. Nếu nắng hạn kéo dài, trong khi hệ thống thủy lợi không có, nhiều hộ sẽ bỏ ruộng hoang. Người dân trong thôn mong các cấp chính quyền đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu thường xuyên cho vùng sản xuất nông nghiệp, để tránh lãng phí tài nguyên đất” - ông Thỏa nói.

* Thanh Lương (TX. Bình Long) là một trong những xã trồng chuyên canh cây ăn trái lớn nhất tỉnh với diện tích hơn 722 ha, mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân. Thế nhưng, hiện nắng nóng kéo dài dẫn đến tình trạng thiếu nước tưới nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến cây trồng và cuộc sống người dân.

Ấp Thanh An có diện tích cây ăn trái lớn nhất xã Thanh Lương - 400 ha trồng quýt đường, cam, chanh và nhãn da bò. Dọc hai bên đường những vườn cây ăn trái mới xanh tốt ngày nào đã ngả màu héo úa vì thiếu nước trầm trọng.

Những vườn cây ăn trái ở xã Thanh Lương (TX. Bình Long) đang thiếu nước tưới nghiêm trọng

 
Ông Trần Ngọc Hiền, Chi hội trưởng nông dân ấp Thanh An cho biết, năm nay nắng nóng kéo dài và khốc liệt nên thiếu nước tưới nghiêm trọng. Hiện chỉ một số ít hộ đủ tưới cầm chừng để duy trì sự sống cho cây, số còn lại đã cạn nước, thiệt hại kinh tế rất lớn.

Địa bàn không có ao, hồ, sông suối nên người dân ở Thanh An hoàn toàn phụ thuộc vào giếng khoan. Nhưng hiện nhiều giếng khoan đã cạn, người dân ồ ạt thuê máy về khoan giếng mới sâu cả trăm mét vẫn không có nước. Để duy trì sự sống cho cây,  nhiều hộ lắp hệ thống tưới thẩm thấu nhưng nguồn nước vẫn không đủ. Ông Nguyễn Văn Rí ở ấp 1 cho biết: Gia đình tôi trồng hơn 4 ha cây ăn trái gồm nhãn da bò, cam, quýt đường và chanh. Những loại cây này cần nhiều nước. Nhưng nắng hạn đã làm mạch nước ngầm xuống mức nghiêm trọng nên nước ở các giếng khoan không còn. Trước đây, ba ngày tôi tưới một lần thì nay mỗi tuần một lần, nhưng cũng chỉ tưới theo hình thức nhỏ giọt. Đây là tình trạng chung của người dân trồng cây ăn trái không chỉ ở xã Thanh Lương mà trên địa bàn tỉnh. Thiếu nước, dẫn đến người dân thi nhau khoan giếng, vô hình chung làm ảnh hưởng đến mạch nước ngầm.

Nhân dân Thanh Lương giàu lên nhờ vườn cây ăn trái, thiếu nước tưới như hiện nay dẫn đến năng suất cây trồng giảm từ 20 đến 30%. Ông Nguyễn Văn Rí cho biết, mọi năm vườn cây ăn trái của gia đình vẫn ra trái đều bốn mùa. Nay vì thiếu nước nên tỷ lệ ra hoa kết trái rất ít, có cây không ra hoa. Theo ông Trần Ngọc Hiền, thời điểm này người dân đang tất bật xử lý cho cây nhãn ra hoa. Tuy nhiên nắng hạn đến mức này thì năm nay người dân trồng nhãn xem như thua.

Ông Nguyễn Bá Tự, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Lương cho biết, thiếu nước đang là vấn đề nan giải của người dân nơi đây. Trước đó Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Lợi về kiểm tra đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với địa phương khảo sát tìm kiếm nguồn nước, nhưng vì không có ao, hồ, sông, suối nên khó khăn càng chồng chất. Hướng xử lý của tỉnh là xây dựng đập thủy lợi ở đầu nguồn sông Sài Gòn dẫn nước về nhưng mới chỉ là phương án.

Hải Châu - T.Thông

  • Từ khóa
37275

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu