Thứ 6, 29/03/2024 03:07:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:16, 28/10/2016 GMT+7

Nông dân Hớn Quản “bén” với cây bắp biến đổi gen

Thứ 6, 28/10/2016 | 14:16:00 1,078 lượt xem
BP - Tháng 6-2016, Trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật huyện Hớn Quản trồng thử nghiệm 15 ha bắp biến đổi gen. Toàn bộ diện tích này trồng 3 giống bắp biến đổi gen đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận ngày 18-3-2016. Sau 100 ngày từ lúc xuống giống đến thu hoạch, được trực tiếp thấy năng suất và chất lượng của giống mới, người dân huyện Hớn Quản đã dần “bén” với loại cây trồng này.

Những hạt bắp biến đổi gen đầu tiên đã được người dân huyện Hớn Quản thu hoạch, đánh dấu sự có mặt của giống cây trồng này trên thị trường.

NHIỀU ƯU ĐIỂM

Những ngày giữa tháng 10, nông dân các xã Thanh An, Phước An bắt đầu thu hoạch vụ đầu tiên của giống bắp biến đổi gen. Về hình thức giống này cho trái bắp dài, vỏ, lõi mỏng và hạt mảy đều đã “ăn đứt” bắp lai truyền thống. Không chỉ vậy, khi trồng bắp biến đổi gen, các công đoạn chăm sóc đã giảm tới mức thấp nhất. Với giống bắp lai, sau khi gieo hạt 10 ngày phải phun thuốc trừ sâu lần 1, 30 ngày sau tiếp tục phun lần 2 để trừ sâu đục thân và làm cỏ dại. Trong khi đó, với thời gian 100 ngày bắp biến đổi gen chỉ cần xịt lưu dẫn (dung dịch trị tất cả loại cỏ) 1 lần mà không ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây. Gen biến đổi cũng giúp cây bắp không bị sâu đục thân gây hại trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển. Từ đó giúp cây phát triển tốt, độ đồng đều cao, góp phần giảm tối đa chi phí đầu tư và tăng chất lượng nông sản.

Do đạt hiệu quả trong đợt trồng thử nghiệm nên ông Nguyễn Văn Tới đã chọn trồng giống bắp biến đổi gen ở những mùa sau thay thế giống bắp lai truyền thốngDo đạt hiệu quả trong đợt trồng thử nghiệm nên ông Nguyễn Văn Tới đã chọn trồng giống bắp biến đổi gen ở những mùa sau thay thế giống bắp lai truyền thống

Là người có 30 năm kinh nghiệm trồng bắp, ông Nguyễn Văn Tới ở ấp An Sơn, xã Thanh An đã mạnh dạn nhận giống từ Trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật huyện để trồng 2 ha bắp biến đổi gen. Ông Tới cho biết: Đây là vụ đầu tiên gia đình tôi trồng bắp biến đổi gen. Bước đầu cho thấy, đây là giống bắp dễ trồng, dễ chăm sóc. Nếu như trước kia phải mất 3 lần phun thuốc trừ sâu thì nay không cần phun do cây bắp đã kháng được sâu đục thân. So với những giống thường, việc làm cỏ trong vườn bắp biến đổi gen dễ dàng hơn. Nếu như trước kia xới cỏ thường xuyên phải vào ruộng bắp ngay cả khi tán lá đã khép kín, rất khó chịu thì nay chỉ cần một lần phun thuốc cỏ khi cây bắp cao tầm đầu gối người lớn. Ông Tới khẳng định: “Với độ đồng đều cao và chịu khó học hỏi cách chăm sóc, bắp biến đổi gen cho năng suất cao hơn hẳn giống bắp thường. Vụ tiếp theo, gia đình tôi tiếp tục trồng loại này”.

THÍ ĐIỂM TRÊN ĐẤT RUỘNG KHÔ CẰN

Cây trồng biến đổi gen là những cây mà vật liệu di truyền của chúng được biến đổi theo ý muốn chủ quan của con người nhờ công nghệ sinh học hiện đại, hay còn gọi là công nghệ gen. Năm 1996, cây trồng biến đổi gen đầu tiên được trồng đại trà. Đến nay, sau 20 năm phát triển, cây trồng biến đổi gen đã mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, phát triển bền vững cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Năm 2015, Việt Nam trở thành quốc gia thứ 29 trồng cây biến đổi gen.

So với giống bắp lai truyền thống, bắp biến đổi gen đã thể hiện sự vượt trội về năng suất và khả năng kháng bệnh. Trên cùng diện tích bắp biến đổi gen đạt 12 tấn/ha, tăng gần gấp đôi năng suất bắp thường. Mặc dù giá tương đương bắp lai thường (3.000 đồng/kg bắp tươi và 5.500 đồng/kg bắp khô), nhưng năng suất cao nên người dân vẫn có lời từ 25-30 triệu đồng/ha. Từ thực tế đó, Trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật huyện Hớn Quản đã có kế hoạch triển khai thực hiện đề tài khoa học “Trồng thí điểm cây ngô biến đổi gen trên đất ruộng trồng lúa kém hiệu quả bằng phương pháp lên liếp”. Đề tài nhằm tận dụng hiệu quả diện tích đất ruộng trồng lúa nước kém hiệu quả với quy mô khoảng 10 ha trên địa bàn huyện.

Ông Nguyễn Thái Bình, Trưởng trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật huyện Hớn Quản cho biết: Trạm đưa giống bắp biến đổi gen vào trồng thí nghiệm để đánh giá chất lượng và giúp người dân lựa chọn được giống tốt, phù hợp. Trên thực tế, bắp biến đổi gen đã dần khẳng định được khả năng vượt trội. Trạm đã đề nghị một số đại lý cung cấp vật tư nông nghiệp ở huyện liên hệ với Công ty Syngenta và Công ty TNHH hạt giống C.P Việt Nam cung cấp giống cho người dân với giá 205 ngàn đồng/kg. Vì có nhiều ưu điểm nên giá giống bắp biến đổi gen cao hơn giống bắp lai thường từ 100-110 ngàn đồng/kg.

Huyện Hớn Quản đang trồng thử nghiệm 4 loại giống bắp biến đổi gen. Trong đó, 3 loại đầu tiên của Công ty Syngenta: NK66 BT, NK66 GT, NK66 BT/GT và giống C.P.501S của Công ty TNHH hạt giống C.P Việt Nam được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận tháng 3-2016. Trong vụ thu hoạch đầu tiên, người dân nhận định: Bắp biến đổi gen có nhiều ưu điểm hơn so với giống bắp lai và phù hợp điều kiện thổ nhưỡng trên địa bàn huyện.

Thanh Nga

  • Từ khóa
40810

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu