Thứ 6, 29/03/2024 00:44:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 13:00, 19/04/2015 GMT+7

Nông dân còn chịu thiệt đến khi nào?

Chủ nhật, 19/04/2015 | 13:00:00 144 lượt xem
BP - Mấy ngày gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đăng tải việc rớt giá của rất nhiều mặt hàng nông sản. Hết rau, tôm cá, lúa gạo... giờ lại trái cây, củ quả. Mấy ngày nay, dưa hấu ở Quảng Ngãi chỉ còn 300-500 đồng/kg khiến nhiều hộ dân phải ngậm ngùi để cho bò ăn. Thế là cả vốn lẫn mồ hôi công sức đổ ra thành số 0.

Thanh long vốn là niềm tự hào của người dân Bình Thuận thì giờ cũng thành món khoái khẩu của bò, bởi thương lái truyền tin trái cây đang bị ách lại ở Cửa khẩu Tam Thanh (Lạng Sơn).

Hành tây tại Lâm Đồng cũng đang chung “số phận” rớt giá thê thảm, chỉ còn 500-1.000 đồng/kg. Đã vậy, nhiều nông dân không thể vớt vát, phải đổ bỏ vì không có người mua. Ở thành phố Hồ Chí Minh, khoảng hai tuần trở lại đây, trên nhiều tuyến đường, các loại nông sản như bắp, khoai... được bày bán la liệt với giá rẻ bèo. Trước đó, cuối tháng 3, hành tím ở Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng giảm chỉ còn 5.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất là 6.000 đồng/kg. Ngoài lỗ vốn đầu tư, nông dân còn phải ngậm đắng vì mất trắng tiền công.

Việc được mùa rớt giá đã không còn xa lạ với người nông dân. Vấn đề đầu ra cho sản phẩm, quy hoạch và xuất khẩu... là chuyện “biết rồi khổ lắm, nói mãi” nhưng vẫn sẽ còn phải “nói mãi”, bởi chưa có giải pháp hữu hiệu. Trong khi đó, các biện pháp đưa ra chỉ là giải quyết tình thế như: kêu gọi các siêu thị đẩy mạnh thu mua; hô hào người dân tăng cường ăn trái cây, rau củ... để tiêu thụ giúp người nông dân lại được tuyên truyền tích cực. Nhưng sau đó, khi mùa thu hoạch rộ qua đi, giá cả tăng trở lại thì nhiều người, đặc biệt là các nhà hoạch định chính sách về nông nghiệp, các đơn vị hữu quan lại không còn nhớ đến việc mình đang “nợ” người nông dân một giải pháp dài hạn, bền vững hơn(!?). Việc kêu gọi hỗ trợ kiểu “ăn xổi” như thế cũng chỉ giải quyết được phần ngọn và là giải pháp tức thời. Cách làm này nếu sử dụng nhiều lần sẽ gây “nhờn” và đương nhiên không giải quyết được gốc rễ vấn đề.

Đã có rất nhiều hội thảo, đối thoại, hội nghị... bàn về vấn đề được gọi là “tam nông” (nông nghiệp, nông dân, nông thôn), “liên kết bốn nhà” (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp)... nhưng rồi tình trạng dư thừa nông sản khi những vụ thu hoạch chính vẫn là vấn đề nan giải; đang là bài toán làm đau đầu nhiều “nhà”... mà chưa có lời giải khả thi! Những gì diễn ra chính là hậu quả của việc thiếu đội ngũ doanh nghiệp đầu tư chuyên sâu vào nông nghiệp, thiếu các doanh nghiệp đầu tư bài bản vào chuỗi sản xuất nông sản. Hầu hết các khâu khó như sản xuất, thu hoạch, bảo quản, sơ chế đang bị giao khoán cho nông dân. Doanh nghiệp cũng mới chỉ vì mục đích lợi nhuận mà nhắm đến mặt hàng nông sản nên chưa cùng “chung lưng đấu cật” với nông dân để cùng phát triển.

Để giải quyết căn cơ việc tiêu thụ nông sản, lo đầu ra cho người dân chỉ có doanh nghiệp mới làm được. Tuy nhiên, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong đầu tư vào nông nghiệp cũng như giải quyết kịp thời, rốt ráo các vướng mắc gặp phải khi xuất khẩu nông sản. Và điều cần nhất là Nhà nước tạo khung pháp lý ổn định, thông thoáng để doanh nghiệp chủ động đầu tư vào chuỗi nông sản. Có làm được những điều đó, người nông dân mới lại có thể cười vui vẻ “như cày xong thửa ruộng”!

Ngọc Tú

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu