Thứ 6, 29/03/2024 17:23:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 10:06, 31/03/2017 GMT+7

Nông dân cần vốn tái sản xuất sau lốc xoáy

Thứ 6, 31/03/2017 | 10:06:00 281 lượt xem
BP - Những cơn lốc xoáy của năm 2016 đi qua, cuốn theo bao hy vọng cũng như tài sản của người dân. Năm 2017 chỉ mới bắt đầu được 3 tháng nhưng các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp và Hớn Quản đã liên tiếp chịu thêm những cơn lốc dữ. Bao nhiêu công sức, tiền bạc vừa đầu tư cho vườn cây chưa kịp hồi phục, nay các hộ dân lại tiếp tục chạy vạy để có kinh phí khôi phục vườn tiêu bị gãy đổ do lốc xoáy. Hơn lúc nào hết, người dân rất cần sự hỗ trợ vốn để khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.

1,6 ha điều đang cho trái non của gia đình chị Nguyễn Thị Loan ở ấp Địa Hạt, xã Thanh An bị bứng gốc do lốc xoáy không thể phục hồi1,6 ha điều đang cho trái non của gia đình chị Nguyễn Thị Loan ở ấp Địa Hạt, xã Thanh An bị bứng gốc do lốc xoáy không thể phục hồi

KHỐN KHỔ VÌ LỐC

Cuối năm 2016, các huyện Lộc Ninh, Hớn Quản, Bù Đốp liên tiếp bị thiệt hại bởi lốc xoáy. Tháng 10-2016, lốc xoáy đã quét qua xã An Khương (Hớn Quản), làm tốc mái 10 căn nhà, 50 ha cao su và khoảng 50.000 nọc tiêu bị gãy đổ. Ngày 23-2-2017, lốc xoáy tiếp tục tràn qua huyện Lộc Ninh làm gãy hoàn toàn 70.000 trụ tiêu; ngày 14-3, lốc tiếp tục càn quét hai huyện Bù Đốp và Bù Đăng. Chỉ hơn 10 ngày sau, cơn lốc xảy ra chiều 25-3 tiếp tục làm gãy đổ tiêu, cao su và cây điều của người dân các huyện Hớn Quản, Lộc Ninh và Bù Đốp.

Ngày 25-3, tại Hớn Quản chỉ 10 phút sau khi cơn lốc đi qua, người dân ấp Bà Lành, xã Tân Lợi bị thiệt hại 300 nọc tiêu; các ấp Địa Hạt, Trung Sơn, Bù Dinh và Thanh Sơn của xã Thanh An bị thiệt hại 12.000 nọc tiêu, 4.000 cây cao su, 2.000 cây điều và 3 căn nhà bị tốc mái. Đặc biệt, 2.000 cây điều dự tính sẽ cho thu hoạch vào những ngày cuối vụ đã bị bật gốc, chẻ giữa cây, không có khả năng phục hồi.

Gia đình ông Lường Hữu Vượng ấp Bà Lành, xã Tân Lợi là hộ duy nhất ở xã bị cơn lốc quét qua. Chưa đầy 10 phút, 300 trụ tiêu của gia đình nằm xếp lớp dưới mặt đất. Ngày 26 và 27-3, anh em, họ hàng đến giúp gia đình ông dựng lại trụ tiêu bị gãy đổ. Ông Vượng cho biết: Vườn tiêu của gia đình tôi trồng gần 1 năm, dự tính 3-4 tháng nữa sẽ cắt được khoảng 3.000 dây tiêu để bán. Qua hai ngày cố gắng khắc phục, nhưng vẫn có 80% gốc bị gió vặn làm giập dây, đứt các mắt không thể phục hồi.

Hiện nay, người dân trong tỉnh tấp nập thu hoạch mùa điều 2017. Thế nhưng, gia đình chị Nguyễn Thị Loan ở ấp Địa Hạt, xã Thanh An chỉ biết khóc ròng. Gia đình chị có 1,7 ha điều đã cho thu hoạch nhiều năm. Mùa điều năm nay, cây cho trái muộn hứa hẹn giá sẽ cao hơn nên gia đình tin rằng sẽ có một mùa điều bội thu. Thế nhưng, khi cơn lốc chưa đầy 5 phút đi qua, giấc mơ đó cũng tiêu tan. 1,6 ha điều, cây thì bật gốc, cây ngọn bị chẻ làm đôi.

Sau khi thiên tai xảy ra, lãnh đạo các xã đã chỉ đạo ban điều hành ấp sửa chữa nhà, dựng cây cối, dọn dẹp đường sá cho người dân. Ông Lê Thái Cảnh, Chủ tịch UBND xã Thanh An cho biết: Xã đã huy động các lực lượng hỗ trợ nhân dân dựng lại một số vườn tiêu bị thiệt hại. Đa phần người dân rất cần vốn để tái sản xuất, UBND sẽ xin cấp trên hỗ trợ để các hộ sớm khắc phục và đầu tư lại diện tích bị thiệt hại.

MONG MUỐN ĐƯỢC HỖ TRỢ VỐN

Sau cơn lốc xoáy, những gia đình chỉ có vài sào đất để mưu sinh đã gần như bị mất trắng. Không ít gia đình dồn hết vốn đầu tư vào vườn rẫy, nhưng chưa kịp thu hoạch đã bị thiên tai tàn phá. Bà Lê Thị Thắm ở ấp Địa Hạt, xã Thanh An cho biết: Năm 2016, tôi vay 600 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Bù Nho (Phú Riềng) để trồng tiêu. Chỉ khoảng 3 tháng nữa là vườn tiêu bắt đầu cắt dây bán để trả nợ ngân hàng, nhưng... Mong mỏi lớn nhất của gia đình tôi hiện nay là được ngân hàng khoanh, giãn nợ.

Khi hộ dân các huyện Hớn Quản, Lộc Ninh, Bù Đốp đang loay hoay dựng lại trụ tiêu, điều thì một số nông dân huyện Bù Đốp đã khắc phục được các trụ tiêu bị gãy đổ do lốc xoáy gây ra ngày 14-3 vừa qua. Do không có vốn nên việc khắc phục cũng mang tính tạm bợ. Gia đình chị Vi Thị Liên ở ấp Tân Đông, xã Tân Thành (Bù Đốp) bị thiệt hại 1.000 trụ tiêu do cơn lốc xoáy ngày 14-3. Tiền vay mượn và tiết kiệm gom lại được hơn 30 triệu đồng chỉ đủ mua dây kẽm và trụ giả để khắc phục tạm thời vườn tiêu. Chị Liên cho biết: Trụ thật đang bán với giá 200 ngàn đồng/trụ. Vì không có tiền nên tôi chỉ mua trụ giả với giá 28 ngàn đồng để neo lại vườn. Với thời tiết thất thường, trụ giả là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, chúng tôi mong được tiếp cận các vốn vay để thay toàn bộ trụ thật, giúp cây tiêu phát triển và chống chọi với gió lốc.

Tương tự, anh Trương Văn Tuấn ở ấp Tân Đông, xã Tân Thành (Bù Đốp) cho biết: Sau lốc xoáy ngày 14-3, tôi đã vay 17 triệu đồng để neo lại vườn tiêu. Theo kinh nghiệm, trụ tiêu bị gãy đổ năng suất sẽ giảm rất nhiều, bắt buộc nhà vườn phải đầu tư phân bón để tăng khả năng sinh trưởng cho cây. Thế nhưng, tôi không biết sẽ vay vốn ở đâu, vì nợ cũ chưa trả được.

Giá trụ tiêu đang ở mức cao và đầu tư cho 1 ha tiêu lên đến hàng trăm triệu đồng - con số không nhỏ với những gia đình chưa được thu hoạch, nay lại phải đầu tư thay thế trụ tiêu khác. Hơn lúc nào hết, người dân mong được tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi từ các ngân hàng để tái sản xuất, đầu tư ổn định và bền vững vào các loại cây trồng chủ lực của tỉnh.

Thanh Nga

  • Từ khóa
39693

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu