Thứ 6, 19/04/2024 18:51:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 14:38, 05/05/2017 GMT+7

Nỗi niềm nông sản Việt...

Thứ 6, 05/05/2017 | 14:38:00 143 lượt xem

BP - Cuối tháng 4 vừa qua, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có cuộc họp khẩn với một số bộ, ngành để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi heo. Theo ngành chức năng, với nguồn cung hiện khoảng 3,755 triệu tấn thịt, cả nước đang thừa 200.000 tấn thịt heo. Vì vậy, sau cuộc họp, hàng loạt bộ, ngành, đơn vị, các tổ chức xã hội... trong cả nước thực hiện “giải cứu” đàn heo. Sự kiện giải cứu đàn heo tuy mang lại hiệu quả ngay trong bối cảnh hiện nay, nhưng cho thấy sự bất cập trong phát triển nóng của ngành chăn nuôi và sự bấp bênh của nông sản Việt.

Năm 2015 là thời kỳ phát triển nóng của ngành chăn nuôi heo ở nước ta do thị trường Trung Quốc tiêu thụ rất mạnh. Trong nước xuất hiện nhiều nhà môi giới, hành nghề lái heo cho các nhà buôn Trung Quốc dẫn tới nhà nhà nuôi heo, người người nuôi heo. Thế nhưng, từ giữa năm 2016, thương lái Trung Quốc ngừng thu mua khiến người nuôi heo trong cả nước rơi vào thế bế tắc, phải bán tháo đàn. Tuy nhiên, do không định hướng và dự đoán được xu thế phát triển, người chăn nuôi trong nước vẫn ồ ạt nuôi nên tạo ra sự khủng hoảng thừa.

Cũng năm 2015, tỉnh Quảng Ngãi mở rộng diện tích trồng dưa hấu để xuất sang Trung Quốc. Thế nhưng khi vào vụ mùa dưa không bán được, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi đã phát động phong trào “giải cứu dưa hấu” giúp người dân. Tiếp đó, người trồng hành tím ở Sóc Trăng cũng được giải cứu trong việc tiêu thụ sản phẩm. Từ đó tới nay, nhiều vụ giải cứu nông sản như vải thiều, thanh long, nhãn, chuối... liên tục diễn ra. Trước đó, người nuôi cá ba sa, cá tra ở Tây Nam bộ vì chạy theo thị trường dẫn tới cung vượt cầu. Điều đáng nói, chuyện “giải cứu” nông sản vẫn không được rút kinh nghiệm. Nhiều địa phương không lấy đó làm bài học để điều chỉnh chính sách phát triển.

Đó là chuyện ở xa. Còn tại Bình Phước, năm 2016, hàng trăm hộ dân ở Hớn Quản phải đổ củ đậu cho bò ăn vì không bán được. Hiện có không ít hộ dân trồng gừng, nuôi gà thả vườn ở Bình Phước đang dở khóc dở cười vì rớt giá. Là tỉnh nông nghiệp, Bình Phước liên tục phải đối mặt với điệp khúc “được mùa rớt giá”. Từ năm 2012, giá mủ cao su xuống thấp làm cho nông dân trong tỉnh điêu đứng. Trước đó, người trồng cà phê cũng chịu chung hoàn cảnh khi giá 1kg cà phê bằng nửa ký cà pháo...

Những vấn đề nêu trên cho thấy, sản xuất nông nghiệp ở nước ta đang còn bấp bênh, không ổn định và luôn bị tác động bởi nhiều yếu tố. Vì vậy, trong khi Chính phủ cùng các bộ, ngành đang ra tay giải cứu thì người dân phải tự cứu mình. Bên cạnh đó, các nhà quản lý cần tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp người dân tránh phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. Ngoài việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao thì rất cần sự liên kết giữa “4 nhà” để nâng cao năng lực sản xuất và năng lực cạnh tranh. Đồng thời, xây dựng thương hiệu nông sản Việt, kênh phân phối, chính sách quảng bá và hạn chế xuất thô qua khâu trung gian để nâng tầm hàng Việt là những cách giải cứu tối ưu nhất.

Tấn Phong

  • Từ khóa
108627

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu