Thứ 5, 25/04/2024 14:23:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 09:22, 24/07/2016 GMT+7

Nỗi niềm chiếu bóng lưu động

Chủ nhật, 24/07/2016 | 09:22:00 373 lượt xem
BP - Những buổi chiếu phim lưu động dường như đã vắng bóng ở thành thị nhưng ở vùng sâu, xa, đồng bào dân tộc thiểu số thì “rạp chiếu phim lưu động” không chỉ góp phần thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa vùng sâu, xa với khu vực thành thị mà còn là kênh thông tin hữu hiệu, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân.

Các thành viên đội chiếu phim lưu động chuẩn bị máy cho buổi chiếu phim phục vụ người dân vùng sâu, xa, đồng bào dân tộc thiểu sốCác thành viên đội chiếu phim lưu động chuẩn bị máy cho buổi chiếu phim phục vụ người dân vùng sâu, xa, đồng bào dân tộc thiểu số

Miệt mài những chuyến đi

Từ ngày có tivi với hàng chục, thậm chí gần trăm kênh phát sóng thì chiếu bóng không còn là kênh thông tin khiến nhiều người háo hức chờ đợi như trước. Tuy nhiên, ở vùng sâu, xa, dân tộc thiểu số, những nơi chưa có điện thắp sáng thì chiếu bóng lưu động vẫn hấp dẫn một lượng khán giả nhất định. Như nhiều hộ khác trong thôn, trời nhá nhem tối, cả gia đình chị Thị Mai ở thôn Bù Ka 1, xã Long Hà (Phú Riềng) ăn tối sớm hơn mọi ngày để kịp đến nhà văn hóa xem phim do Đội chiếu phim lưu động thuộc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Bình Phước về phục vụ. Vợ chồng chị Thị Mai đông con, ban ngày phải chạy ăn từng bữa, tối không có tivi xem giải trí nên cả gia đình thường đi ngủ sớm. Những dịp có đoàn chiếu bóng về, mấy đứa trẻ nhà chị háo hức lắm, đứa nào cũng đòi xem hết chương trình mới chịu về.

Nắng cũng như mưa, chiếu xong phim, đội thu dọn đồ nghề về đến nhà sớm cũng phải 11-12 giờ khuya. Sáng thức dậy, các anh vẫn có mặt tại đơn vị đúng giờ và chuẩn bị cho những chuyến đi mới. Trên xe, ngoài máy móc phục vụ chiếu bóng còn có chăn, gối, quần áo và xoong, nồi để ở lại dài ngày. Nơi ngủ có khi là nhà dân nhưng cũng có khi ngủ tại nhà văn hóa. Khi nghe tôi hỏi công việc vất vả, lương thấp có bao giờ nghĩ đến bỏ nghề, anh Nguyễn Xuân Thọ - người có thâm niên 14 năm làm nghề chiếu bóng cười xòa: Vất vả là vậy nhưng nghỉ ở nhà một ngày lại thấy buồn chân, nhớ việc. Thật lòng mà nói, nếu không “yêu” chiếu bóng thì rất dễ quay lưng với nghề, bởi thu nhập không đủ nuôi gia đình, lại phải đi suốt. Ngần ấy năm trong nghề, tôi không thể tính hết số suất chiếu mình đã thực hiện, càng không thể nhớ hết bao nhiêu cây số, bao nhiêu xã, ấp đã đi qua. Sự cảm thông của gia đình, đặc biệt là của vợ đã tạo động lực để tôi gắn bó với công việc và những chuyến đi.

Anh Thọ nhớ lại những năm mới tái lập tỉnh, đội chiếu bóng một đợt đi hết tỉnh cũng phải mất vài tháng. Đi đến đâu người dân cũng đến xem rất đông. Cảm động biết bao khi những ngày mưa, người dân vẫn đội nón, khoác áo mưa đứng chờ. “Nụ cười ngây thơ của những đứa trẻ chân đất hớn hở chạy theo xe reo mừng; ánh mắt chăm chú không rời màn hình của các cụ già kết thúc buổi chiếu, các cô bác, anh chị và cả những em nhỏ đã níu tay chúng tôi hỏi: “Khi nào quay lại”. Niềm vui của khán giả đã cổ vũ, động viên anh em trong đội quên đi bao mệt nhọc. Những cái bắt tay cảm ơn ríu rít của người dân sau mỗi buổi chiếu bóng là phần thưởng, nguồn động viên lớn nhất để anh em trong đội gắn bó hơn với công việc” - anh Thọ vui vẻ.

Mang văn hóa đến vùng sâu, xa

Anh Vũ Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng tỉnh cho biết: Thập niên 80-90 của thế kỷ trước, hoạt động chiếu bóng với những thước phim nhựa 35mm, 16mm là món ăn tinh thần hấp dẫn mà người dân vùng kinh tế mới khao khát được phục vụ. Thời đó là phim nhựa, ngoài phim Việt Nam sản xuất còn có phim Liên Xô, Tiệp Khắc, Cộng hòa dân chủ Đức... So với trước, đời sống văn hóa tinh thần của người dân vùng sâu, xa đã có nhiều thay đổi, việc tiếp cận các kênh thông tin giải trí phong phú hơn nên trung tâm luôn chú trọng chọn lựa các bộ phim hài hòa giữa yếu tố chính trị và thẩm mỹ, giải trí để thu hút khán giả đến với chiếu bóng lưu động.

Ngoài chiếu phim, cán bộ chiếu bóng còn tích cực tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả rồi lựa chọn phim cho phù hợp. Các buổi chiếu phim của trung tâm luôn có nội dung phong phú, đa dạng như ca nhạc, phim phóng sự, hoạt hình, phim truyện... Trung tâm lựa chọn những bộ phim phóng sự, tài liệu chiếu trước chương trình phim chính nhằm truyền tải chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, kiến thức về bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, phòng chống ma túy, kế hoạch hóa gia đình, xóa đói giảm nghèo... đến người dân.

Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng tỉnh hiện có 6 đội chiếu phim lưu động gồm 11 thành viên. Hằng năm, trung tâm vẫn thực hiện đều đặn hàng ngàn suất chiếu phục vụ đông đảo người dân vùng sâu, xa, vùng khó khăn, lực lượng vũ trang, trại tạm giam, tạm giữ, công nhân các khu công nghiệp. “Khó khăn hiện nay là đa số anh em trong đoàn chưa được đào tạo qua trường lớp, chỉ học nghề bằng cách người cũ dạy người mới, dựa trên kinh nghiệm là chính. Đa số máy móc, phương tiện đi lại đều đã cũ, số máy được trang bị mới không nhiều. Mặt khác, nguồn phim nhựa 35mm ngày càng khan hiếm. Trung tâm mong muốn được hỗ trợ mua thêm máy móc nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhân dân, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị” - Giám đốc Vũ Ngọc Bích trăn trở.

N.Hà

  • Từ khóa
55942

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu