Thứ 3, 19/03/2024 21:05:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 16:32, 08/01/2014 GMT+7

Thầy giáo khiếm thị Lưu Bửu Bửu:

Không mất đi ánh sáng tâm hồn và tri thức

Thứ 4, 08/01/2014 | 16:32:00 353 lượt xem

Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ, Lưu Bửu Bửu cũng có một tuổi thơ bình thường như bao đứa trẻ khác. Năm 2003, 24 tuổi, Bửu tốt nghiệp Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, ngành điện khí hóa cung cấp điện. Ra trường, Bửu đi làm kỹ thuật cho một nhà máy sản xuất bao bì ở Cần Thơ. Cũng năm này, Bửu lập gia đình với một cô gái cùng quê. Tưởng cuộc đời của Bửu cứ thế êm đềm, bình dị trôi qua, nhưng vụ tai nạn giao thông đã khiến cuộc đời anh rẽ sang hướng khác.
 

TRỞ THÀNH THẦY GIÁO DẠY TIN HỌC

Ngày mồng 9 tết Nguyên đán năm 2005, trên đường từ công ty về nhà, Bửu bị hai đối tượng say xỉn đi ngược chiều tông phải. Mê man trên giường bệnh hơn 45 ngày, Bửu tỉnh dậy và biết toàn bộ dây thần kinh khứu giác và thị giác của anh bị đứt. Điều đó có nghĩa anh sẽ không còn phân biệt được mùi vị và không nhìn thấy ánh sáng nữa. Nếu muốn sáng mắt, Bửu phải có hơn 800 triệu đồng để phẫu thuật. Số tiền quá lớn đối với anh và gia đình nên Bửu đành chấp nhận sống chung với bóng tối.

Sửa vi tính là sở trường của thầy giáo Lưu Bửu Bửu

Điều đau đớn hơn Bửu phải chịu ngay khi nằm trên giường bệnh là người vợ mới cưới đã âm thầm bỏ đi, để lại tờ đơn xin ly hôn. “Từ đó, tôi chán nản, tuyệt vọng, mặc cảm với bạn bè, sống khép mình và nhiều lần có ý định tự tử” - Bửu tâm sự.

Nhìn Bửu bi quan, chán nản, gia đình anh luôn động viên. Đặc biệt là những người bạn thân thuở đại học vừa giúp tiền cho anh trị bệnh vừa giúp anh lấy lại niềm tin trong cuộc sống. Bước ngoặt lớn khi anh được mẹ đọc cho một bài báo viết về tấm gương vượt khó của một cô gái mù. Từ bài báo này, Bửu quyết tâm làm lại cuộc đời. Anh cố gắng tìm đến nhân vật chính trong bài báo. Cũng từ đây, Bửu được giới thiệu với người chuyên dạy tin học cho người khiếm thị được Tổ chức Cứu trợ và Phát triển Hoa Kỳ (CRS) tài trợ thực hiện tại Việt Nam. Bửu khát khao trở thành người dạy vi tính cho trẻ em khuyết tật.

Từng bước mày mò bàn phím để làm quen các thao tác trên máy tính, chỉ sau thời gian ngắn, Bửu tiếp thu chương trình rất nhanh. Và kỹ sư điện khí hóa Lưu Bửu Bửu đã chiếm được cảm tình của lãnh đạo trung tâm rồi nhận được “chân” trợ giảng. Để nâng cao trình độ, năm 2006, Bửu quyết định ra Hà Nội để học thêm chương trình lập trình phần mềm cho người khiếm thị. Năm 2011, khi nghe thông tin trường Đại học Văn Lang mở dự án dạy tin học cho người khiếm thị, Bửu đăng ký thi tuyển và được chọn. Với phần mềm hỗ trợ JAWS, Bửu có thể sử dụng máy tính và truy cập internet như những người bình thường khác. Bắt đầu từ tháng 9-2012, Bửu về Bình Phước phối hợp với Hội Người mù huyện Chơn Thành dạy tin học cho những người khiếm thị theo dự án Đại học Văn Lang đang triển khai tại đây.


ƯỚC MƠ CỦA THẦY GIÁO KHIẾM THỊ

Trò chuyện với Bửu, anh đưa chúng tôi từ ngạc nhiên này đến thán phục khác. Không chỉ sử dụng máy tính, Bửu còn dùng điện thoại di động, nhắn tin chẳng khác người bình thường. Bởi Bửu đã cài phần mềm vào điện thoại để mỗi khi nhấn vào bàn phím thì âm từng chữ cái phát ra. Bửu phấn chấn nói: “Ngoài việc dạy vi tính cho các em tại trung tâm, hằng ngày tôi nhận sửa chữa, cài đặt máy vi tính do người quen giới thiệu. Bây giờ tôi đã tìm thấy lý tưởng sống. Được làm công việc hữu ích tôi thấy rất hạnh phúc”.

Người ta thường nói “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”. Vậy mà có một chàng trai bị mù hai mắt sau tai nạn giao thông vẫn biết cách làm giàu cho mình. Không chỉ khẳng định mình trong cuộc sống, chàng trai trẻ còn mở mang kiến thức cho nhiều người có hoàn cảnh đáng thương khác qua nghề dạy tin học.

Nhiệt tình và hòa đồng với mọi người, Bửu còn quan tâm đến đời sống của nhiều người cùng cảnh ngộ. Khi bắt đầu về dạy tin học tại Chơn Thành, Bửu được Đại học Văn Lang trả lương 6,4 triệu đồng/tháng nhưng anh chỉ dùng 2 triệu đồng/tháng để chi tiêu, số tiền còn lại anh nhờ lãnh đạo Hội Người mù huyện Chơn Thành lập quỹ lo cho học viên mua sách vở và ăn uống.

Khi được hỏi về mong muốn của mình, Bửu tâm sự: “Còn rất nhiều người đang phải chống chọi với tật nguyền. Trong số đó, nhiều người còn mặc cảm, tự ti. Tôi mong mọi người sẽ hiểu và cảm thông hơn đối với những người khiếm thị như chúng tôi. Họ chỉ mất đi ánh sáng của đôi mắt chứ không mất đi ánh sáng của tâm hồn và tri thức. Nếu được mọi người tạo cơ hội, người khuyết tật cũng sẽ nỗ lực đóng góp sức mình cho xã hội”.

Bảo An

  • Từ khóa
83712

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu