Thứ 5, 18/04/2024 20:20:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 06:01, 15/07/2015 GMT+7

Nỗi lo ngộ độc từ rau xanh

Thứ 4, 15/07/2015 | 06:01:00 240 lượt xem

BP - Tại hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”, do Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam tổ chức ngày 10-7-2015, ông Tổng giám đốc Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang cho biết: Năm vừa qua, nước ta nhập khẩu hàng trăm triệu USD thuốc bảo vệ thực vật. Với bấy nhiêu đó thuốc được sử dụng, mức độ ô nhiễm môi trường là rất lớn. Chúng ta thấy nhiều nông dân không dám ăn rau họ trồng để bán mà phải trồng riêng để ăn. Bởi vì rau họ ăn thì không phun thuốc, còn rau đem bán thì phun thuốc. Hằng năm, lượng bao bì, vỏ chai thuốc trừ sâu thu gom được hàng chục ngàn tấn, cho thấy mức độ tiêu thụ thuốc bảo vệ thực vật của nông dân hiện nay là rất lớn. Kiểm tra tại các cơ sở sản xuất rau an toàn nhưng hầu hết đều không thể “an toàn” bởi người trồng rau vẫn sử dụng thuốc trừ sâu, sử dụng thuốc ngoài danh mục... Cá biệt kiểm tra một hợp tác xã trồng rau an toàn ở Đông Anh (Hà Nội), ngành chức năng phát hiện một số loại rau có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng lại đóng gói và nhãn mác an toàn chuyển vào các siêu thị lớn để bán.

Rau là thực phẩm thiết yếu cho mọi người, nhưng trong thực tế, rau là loại thực phẩm dễ bị ô nhiễm nhất so với các loại nông sản khác. Nguy cơ bị ngộ độc do ăn rau cao hơn các nông sản khác. Bởi rau xanh được người tiêu dùng sử dụng ngay sau khi thu hoạch và nó còn được dùng ăn sống nên những yếu tố gây ô nhiễm trên rau dễ tác động, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người. Trong khi đó, một số người trồng rau không có lương tâm thì sẵn sàng dùng các loại thuốc, miễn sao... diệt được sâu. Có nơi gần ngày thu hoạch, người ta bón nhiều phân đạm để rau có được màu xanh đậm, dễ bắt mắt. Các loại rau này thường bị nhiễm hàm lượng nitrat rất cao. Không ít người còn dùng cả nước thải công nghiệp để tưới rau hoặc bón bằng phân rác, nên nguy cơ rau bị nhiễm các kim loại nặng như chì, thủy ngân là khó tránh khỏi. Nhiều trường hợp ngộ độc cấp tính do ăn rau xảy ra trong thời gian qua, xét nghiệm cho thấy, hầu hết do dư lượng thuốc trừ sâu trên rau quá cao. Điều nguy hiểm nữa là dư lượng thuốc trừ sâu tồn dư trong rau dù ở mức thấp, không gây ngộ độc cấp tính nhưng vượt mức an toàn cho phép, ăn lâu dài sẽ mắc bệnh mãn tính.

Ông Tổng giám đốc Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang cho biết, vừa chỉ đạo hệ thống đại lý phải giảm số lượng thuốc trừ sâu bán cho nông dân và không giao chỉ tiêu bán mặt hàng này nữa. Đó là tín hiệu mừng, nhưng các đại lý bán thuốc trừ sâu ở nước ta rất nhiều, đâu chỉ bán mình thuốc bảo vệ thực vật của công ty này quản lý. Trong khi đó, nông dân trồng rau ở nhiều nơi vẫn có thói quen dùng thuốc trừ sâu, tăng trưởng để thâm canh, tăng năng suất, miễn sao phải “diệt được sâu” để có “rau đẹp”. Và hậu quả cuối cùng là người tiêu dùng “lãnh đủ”.

Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu