Thứ 6, 26/04/2024 00:01:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 14:12, 11/12/2018 GMT+7

Nói không với túi ni-lon: Dễ hay khó?

Thứ 3, 11/12/2018 | 14:12:00 124 lượt xem

BP - “Giảm thiểu ô nhiễm nhựa và ni-lon” là chủ đề của Ngày môi trường thế giới năm 2018. Theo đó, đã có rất nhiều hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể nhằm kêu gọi mọi người tham gia giảm thiểu ô nhiễm chất thải nhựa, túi ni-lon tới môi trường tự nhiên. Tuy nhiên trong thực tế, thói quen và những bất cập trong dùng túi ni-lon trung bình mỗi người sử dụng 5 túi ni-lon/ngày, với số dân hơn 1 triệu người, mỗi ngày người dân Bình Phước đã “gửi” vào môi trường tự nhiên trên 5 triệu túi ni-lon. Đây là con số đáng báo động về thói quen sử dụng túi ni-lon hiện nay.

TIỆN LỢI, MIỄN PHÍ LÀ SỐ 1

Túi ni-lon từ lâu đã trở thành vật dụng gần gũi trong cuộc sống thường ngày. Với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng, giá thành thấp, những chiếc túi đủ màu sắc được sử dụng mọi lúc, mọi nơi. Chị Nguyễn Thị Lan, phường Tân Thiện, TP. Đồng Xoài, cho biết: “Thường ngày đi chợ, mình không cần mang theo giỏ, bởi mua món gì cũng được người bán cho túi ni-lon để đựng, vừa tiện vừa không mất tiền. Không ai hết giờ làm phải chạy về nhà lấy giỏ nhựa rồi mới quay lại chợ. Hơn nữa, dù có dùng giỏ nhựa thì vẫn phải có túi ni-lon để phân loại thức ăn”. Chị Lan nhẩm tính, mỗi ngày đi chợ chị mang về hơn 10 túi ni-lon các loại.

Dạo quanh một vòng các khu chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi đến siêu thị lớn, túi ni-lon là sự lựa chọn “số 1”. Ở các chợ truyền thống, thi thoảng mới thấy có người mang giỏ nhựa hoặc túi ni-lon tái chế đi chợ. Mua 1kg đường, bó rau hay bất cứ thứ gì, người dân đều không quên với tay lấy một túi ni-lon. Với những mặt hàng tươi sống như tôm, cá, hải sản, người bán còn lồng từ 2-3 túi ni-lon để bảo đảm sạch sẽ cho người mua. Chị Ngô Thị Hồng Phương ở phường Tân Xuân, TP. Đồng Xoài, cho biết: “Túi ni-lon tiện lợi. Dù món hàng lớn hay nhỏ, đều có túi đựng phù hợp. Bây giờ đi chợ mà không dùng túi ni-lon thì biết lấy gì để đựng. Hơn nữa, khi về nhà phân loại ra, túi nào còn sạch vẫn tận dụng để đựng thưc ăn bỏ vào tủ lạnh”.

Dù đem giỏ nhựa đi chợ nhưng người tiêu dùng vẫn sử dụng túi ni-lon để phân chia các loại thực phẩm

Mặc dù từng sử dụng qua túi thân thiện với môi trường, bà Lê Thị Kim Loan ở phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài, vẫn không phủ nhận được sự tiện lợi của túi ni-lon. Bà Loan cho biết: “Vẫn biết dùng túi thân thiện với môi trường có nhiều ưu điểm hơn túi ni-lon. Thế nhưng, túi loại này ít bán ngoài thị trường, chủ yếu là túi lớn nên vẫn phải dùng túi ni-lon nhỏ để phân chia thức ăn. Từ những bất cập này, tôi không còn nghĩ đến việc dùng túi thân thiện với môi trường khi đi mua sắm”.

Đối với người bán hàng, túi ni-lon luôn là lựa chọn số 1. Với mẫu mã đa dạng, kích cỡ phong phú, túi ni-lon được bán với giá từ 30-38 ngàn đồng/kg. Mỗi ngày, dù họ có lồng bao nhiêu cho khách cũng chỉ hết 1-2kg túi. Chị Lê Thị Đào, tiểu thương ở chợ Đồng Xoài cho biết: “Nhiều người có gợi ý về dùng túi giấy, các loại lá chuối, lá sen để thay thế, nhưng tôi thấy nó chỉ phù hợp với một số mặt hàng đặc thù. Chưa kể, lá chuối tươi 10 ngàn đồng/kg, lá sen thì càng hiếm. Vì thế, túi ni-lon vẫn là lựa chọn số 1 của người bán hàng”.

THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG NHƯNG CHƯA THÂN THIỆN VỚI NGƯỜI TIÊU DÙNG

Đó là cách ví của người tiêu dùng khi được gợi ý sử dụng túi thân thiện môi trường để thay thế túi ni-lon. Nhiều người cho rằng, túi thân thiện giúp giảm tải gánh nặng môi trường, thế nhưng loại túi này vẫn còn nhiều bất cập như giá thành cao, không được dùng miễn phí... Ngay cả vùng đô thị như thành phố Đồng Xoài, để mua túi thân thiện với môi trường, phần lớn người dân chỉ có lựa chọn duy nhất là vào Siêu thị Co.opmart.

Tại Siêu thị Co.opmart, quầy hàng túi thân thiện được bày bán với 2 kích cỡ, có giá từ 5-8 ngàn đồng/túi. Người tiêu dùng cho rằng, việc hạn chế sử dụng túi ni-lon là cần thiết, nhưng việc tìm túi thân thiện môi trường với mức giá vừa túi tiền, kích cỡ phù hợp còn khó khăn.

Không có điều kiện sử dụng túi thân thiện, bà Đinh Thị Sa, xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú cho biết thường dùng giỏ nhựa đi chợ. Bà Sa nói: “Tôi sử dụng giỏ nhựa để đi chợ nhiều năm nay. Tuy nhiên, dùng giỏ để thay thế túi ni-lon rất khó. Vì thực tế tôi vẫn dùng túi ni-lon để phân chia thực phẩm trước khi cho vào giỏ nhựa. Báo, đài tuyên truyền về sự ô nhiễm do túi ni-lon gây ra, nhưng không dùng thì lấy gì đựng hàng. Mong sao Nhà nước nghiên cứu loại túi thân thiện môi trường, giá thành rẻ để mọi người sử dụng phổ biến”.

 Từ lâu các nhà khoa học sử dụng cụm từ “ô nhiễm trắng” để nói về ô nhiễm môi trường do túi ni-lon gây ra. Hệ lụy của nó không chỉ ảnh hưởng ở 1 hay 2 thế hệ mà có thể tác động đến  nhiều thế hệ. Dù mỏng manh nhưng với tính chất rất khó phân hủy, nếu không bị tác động bởi ánh sáng mặt trời thì 1 túi ni-lon phải mất từ 500-1.000 năm mới phân hủy được. Câu chuyện về cá voi ở Thái Lan chết vì nuốt 80 túi ni-lon nặng khoảng 8kg; cá voi nhà táng ở Indonesia chết vì 5,9kg rác thải nhựa trong bụng đã cho thấy một hệ quả đáng sợ của việc sử dụng túi ni-lon, nhựa bừa bãi. Rất nhiều chiến dịch “nói không với túi ni-lon” được phát động; nhiều mô hình của các hội, đoàn thể được triển khai để giảm thiểu túi ni-lon, thế nhưng vì sự tiện lợi, túi ni-lon vẫn tồn tại...

Hiện nay, người tiêu dùng ít nhiều đã hiểu được tác hại của túi ni-lon với môi trường. Tuy nhiên, để nói không với loại túi này không phải ngày một ngày hai. Bên cạnh ý thức của người dân, cần đưa ra các biện pháp hạn chế doanh nghiệp sản xuất túi ni-lon, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất túi thân thiện môi trường, túi dễ phân hủy. Qua đó, tạo ra nhiều sản phẩm không chỉ thân thiện với môi trường mà còn thân thiện với người tiêu dùng.

Thanh Nga

  • Từ khóa
61562

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu