Thứ 6, 29/03/2024 16:54:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:10, 22/05/2019 GMT+7

Nói không với hàng chưa rõ nguồn gốc

Thứ 4, 22/05/2019 | 09:10:00 137 lượt xem
BP - Hiện phần lớn người Việt Nam có điều kiện kinh tế khá, giàu rất chuộng hàng ngoại, hàng hiệu do Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ hay các nước Tây Âu sản xuất. Người sính hàng ngoại còn cho rằng, giá tại thị trường nội địa không qua đánh thuế sẽ “mềm” hơn, nên các loại hàng xách tay thường có giá rẻ so với hàng chính hãng bán tại cửa hàng, siêu thị... Do đó, mua hàng xách tay đang trở thành một trong những xu hướng được người tiêu dùng trong nước lựa chọn.

“Có cung ắt có cầu” nên các mặt hàng xách tay được tiếp thị tràn ngập trên mạng xã hội, với hình thức phong phú, đa dạng về chủng loại. Từ hàng điện tử đến các loại hóa mỹ phẩm, trái cây, thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm chức năng... Trước ma trận mặt hàng xách tay, hàng buôn bán online, nếu không có kinh nghiệm trong việc mua bán hay lựa chọn địa chỉ bán hàng uy tín thì người tiêu dùng rất dễ gặp rủi ro. Minh chứng là trong đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường cuối năm và tết Nguyên đán vừa qua, ngành quản lý thị trường tỉnh đã tịch thu 1.700kg gạo giả mạo nhãn hiệu, 258 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ, 1.707 sản phẩm gia dụng, 153kg (360 hộp) nho khô, 715kg trái cây và 3.401 sản phẩm thực phẩm kém chất lượng không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Thực tế cũng cho thấy, trên thị trường hiện có rất nhiều cửa hàng bày bán hầu hết mặt hàng xuất xứ Thái Lan, Hàn Quốc, Pháp, Nhật... Đặc điểm chung của các mặt hàng này là không có thông tin đơn vị nhập khẩu, chịu trách nhiệm kiểm định, công bố chất lượng, hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt. Thậm chí có những sản phẩm mang mác ngoại nhập nhưng trên bao bì không có thông tin của nhà sản xuất nước ngoài. Và, không ít đối tượng vì hám lợi đã nhập hàng lậu từ Trung Quốc có mẫu mã bắt mắt, thương hiệu uy tín và lên mạng rao là hàng xách tay với mức giá thấp nên bán rất chạy. Còn với người tiêu dùng, lợi chưa thấy nhưng khi mua phải hàng dỏm, bản thân tự chịu rủi ro vì không được bảo hành cùng các chế độ hậu mãi khác nên khi hư hỏng hay ảnh hưởng đến sức khỏe, các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không thể can thiệp.

Trước tình trạng nêu trên, ngành chức năng đã cảnh báo về các hình thức bán hàng xách tay, quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng qua mạng xã hội, tư vấn trực tiếp người dùng qua điện thoại; lên đơn hàng và giao hàng qua đặt hàng online, chuyển hàng qua bưu điện, thuê người vận chuyển... đang khá phổ biến, gây rất nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh, phòng ngừa vi phạm. Bên cạnh đó, tình trạng kinh doanh thực phẩm chức năng xách tay cũng chưa được kiểm soát; vi phạm về quảng cáo thực phẩm cũng rất phổ biến... Đặc biệt, tình trạng giả danh bác sĩ, dược sĩ tư vấn bán hàng qua điện thoại với những thông tin không đúng sự thật về sản phẩm ngày càng diễn biến phức tạp.

Để ngăn chặn hàng xách tay, thực phẩm online chất lượng kém, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các cấp cùng ngành chức năng trong kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm đối tượng vi phạm, bản thân người tiêu dùng cũng phải chủ động lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, Bộ Y tế cần kiến nghị Quốc hội tăng cường giám sát, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết số 34/2009/NQ-QH12 đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Lâm Phương

  • Từ khóa
109107

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu