Thứ 6, 19/04/2024 23:40:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:21, 23/02/2018 GMT+7

Nỗi khổ vé tàu xe tết đến bao giờ?

Thứ 6, 23/02/2018 | 09:21:00 169 lượt xem

BP - Lựa chọn tàu xe về quê vào dịp tết luôn là nỗi ám ảnh lớn với nhiều người. Đã nhiều năm qua, dù các đơn vị làm dịch vụ vận chuyển hành khách  có những cải tiến trong hoạt động, song chuyện khốn khổ vì vé tàu xe của người dân khi tết đến xuân về vẫn là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Tuy nhiên, đến bao giờ người dân mưu sinh ở các thành phố lớn được an tâm hơn trên những chuyến xe trở về quê sum vầy với gia đình vẫn là bài toán chưa tìm ra lời giải. Bản thân người viết cũng đã nhiều lần “trải nghiệm” mua vé tàu xe tết nên cũng có đủ cung bậc cảm xúc “hỉ, nộ, ái ố” và đồng cảm với nhiều người chung cảnh ngộ.

Vẫn biết mua vé tết luôn trần ai nhưng năm nay, do sự việc “bất khả kháng”, tôi ra Bến xe Trường Hải - Bình Phước đặt vé về quê đón tết muộn hơn thường lệ và đành ngậm ngùi nhận câu trả lời: Hết vé! Lục tìm tất cả các nhà xe qua mạng để “săn”, tình hình cũng chẳng khá hơn. Vận dụng các mối quen biết để liên lạc nhờ đặt mua vé thì chỉ còn loại vé... “nằm đường luồng” (lối đi lại).

Xoay xở mãi, cuối cùng cũng được nhà xe B.T nhận đặt 3 vé khứ hồi Quảng Ngãi - Bình Phước. Nhưng nhà xe không cho biết số giường, cũng không nhận tiền “cọc” nên chuẩn bị hành lý về tết mà lòng không yên chút nào, đành phó mặc cho may rủi. Chỉ đến khi nhà xe gọi ấn định giờ ra bến, gia đình tôi mới thở phào. Đúng mồng 3 tết, tôi được nhà xe gọi đến xác định: “Chị đặt 3 vé vào Bình Phước mồng 9 hả? Gần đến ngày đi chúng tôi sẽ cho biết giờ ra bến nha!”. Thế là yên tâm. Nhưng sau 2 ngày, nhà xe gọi lại: Chị thông cảm, nhà xe hết vé đi ngày anh chị đặt rồi và... cúp máy! Gọi lại nhiều lần nhưng không một ai cầm máy!

Lo lắng đến nghẹt thở, tôi vội vàng ra ga Quảng Ngãi, người đi kẻ đón chật như nêm. Vội vàng xếp hàng ở cửa bán vé. Khi đối mặt với cô bán vé xinh đẹp, tôi nhận lại cảm giác hụt hẫng nhất khi cô lắc đầu cho biết: “Từ nay đến rằm tháng giêng không còn vé gì hết, kể cả ghế phụ”. Nhờ người quen hỏi vé tàu, chị bạn nhiệt tình dẫn tôi đi gặp “cò”. Chị “cò” nói: Giờ không có vé ghế đâu, giường thì chia làm 3 ghế, giá 1,6 triệu đồng/ghế (tương đương 4,8 triệu đồng/giường). Trong khi giá vé thực tế của ngành đường sắt dịp tết tối đa cho một ghế giường nằm điều hòa chỉ 1,358 triệu đồng/giường. Không năm nào báo chí không phản ánh nạn vé chợ đen và đặt nghi vấn về chuyện tiếp tay giữa nhân viên bán vé với “cò” nhưng hết năm này đến năm khác, chuyện này vẫn chưa được làm rõ... Và “cò” vẫn sống tốt khi người cần vé vẫn rất đông!

Tất tả trở ra bến xe liên tỉnh Quảng Ngãi, tôi cũng nhận được câu trả lời tương tự. Tự hỏi, không hiểu vì sao chuyện bán vé tàu xe năm nào cũng rắc rối mà sao không có giải pháp nào cải thiện tốt hơn. Trước tình cảnh này, không biết đến bao giờ người xa quê mới thoát khỏi những chuyến xe “hành khách” đến rời rã thân xác; hết bức xúc khi phải đi trên những chuyến tàu, xe xô bồ, nhốn nháo.

Những năm gần đây, ngành dịch vụ vận tải hành khách phát triển với nhiều loại hình phong phú, đa dạng; xe nhiều, hệ thống đường sá được mở rộng, nâng cấp, nhưng chẳng hiểu sao, cứ đến dịp tết người dân vẫn khổ sở để di chuyển. Mỗi khi tết đến xuân về, người dân lại đau đáu một câu hỏi cũ rích: đến bao giờ khách mới hết bị “hành” và đến bao giờ nhà xe mới phục vụ hành khách với phương châm “chất lượng là danh dự” để tồn tại và phát triển!?

An Nhiên

  • Từ khóa
108819

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu