Thứ 4, 24/04/2024 09:48:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:17, 12/05/2017 GMT+7

Nỗi hậm hực của những kẻ phản động

Thứ 6, 12/05/2017 | 13:17:00 2,577 lượt xem

BP - Những nỗ lực của Nhà nước trong xử lý sự cố môi trường biển Formosa, cuối cùng đã được đền đáp xứng đáng. Sau vụ trúng mùa lớn đợt ra khơi đánh bắt hải sản đầu năm Đinh Dậu của ngư dân Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Yên, giờ lại đến mùa du lịch biển. Trái ngược với cảnh đìu hiu của mùa du lịch năm trước, năm nay các bãi biển Bắc miền Trung gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đông nghẹt người trong dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5. Du khách đến với các bãi biển miền Trung tăng đột biến là tín hiệu vui cho một mùa du lịch bội thu, nhưng lại là nỗi buồn đối với những kẻ đã và đang lợi dụng sự cố môi trường biển Formosa để chống phá đất nước.

Sinh khí mới từ dải bờ biển miền Trung

Dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 năm nay dài tới 4 ngày nên lượng du khách đổ về các bãi biển của Hà Tĩnh đông nghẹt. Hà Tĩnh là tâm điểm của thảm họa môi trường do Formosa gây ra. Nhưng trái ngược với cảnh đìu hiu vắng vẻ ở khu vực bãi tắm 1 năm trước, trong 2 ngày 30-4 và 1-5 năm nay, các bãi biển như Xuân Hải ở xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà; bãi Thiên Cầm ở huyện Cẩm Xuyên; bãi Xuân Thành ở xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân... đều kín người. Riêng bãi biển Xuân Hải đã bị “vỡ trận” vì lượng người đổ về quá đông. Năm nay, Tập đoàn VinGroup khai trương tổ hợp biệt thự nghỉ dưỡng Vinpearl Hà Tĩnh Ocean Villas và công viên nước Vinpearlland Water Park Hà Tĩnh, nên đã thu hút được lượng lớn người dân và du khách về đây vui chơi trong dịp nghỉ lễ. Các khách sạn gần bãi biển đều kín chỗ khiến nhiều du khách phải chọn chỗ nghỉ ở các thành phố, thị xã cách bãi biển hàng chục cây số. Hải sản tươi sống thì cháy hàng, bởi cung không đủ cầu.

Còn tại Nghệ An, ngay trong ngày khai hội lễ hội du lịch “Sắc mới Cửa Lò” với nhiều hoạt động phong phú đã thu hút rất nhiều du khách tới nghỉ ngơi, tắm biển. Và ở đây cũng thế, tất cả khách sạn, nhà nghỉ, quán nhậu ven biển đều không còn chỗ trống. Bãi biển thuộc các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Đà Nẵng cũng tương tự, đều quá tải.

Việc hàng chục vạn du khách đến với biển miền Trung trong những ngày đầu hè, nhất là dịp nghỉ lễ 30-4 vừa qua đã tạo nên sinh khí mới cho một dải bờ biển từng bị thảm họa môi trường. Không chỉ người dân miền Trung đã tìm lại được kế sinh nhai từ biển, gắn bó với biển mà niềm tin của người dân khắp cả nước đối với nghỉ dưỡng và tin dùng hải sản tươi sống được đánh bắt từ các vùng biển miền Trung đã tạo nên sức sống mới tiềm tàng cho một vùng biển từng có thời gian “chết” vì thảm họa môi trường. Du khách đến với biển càng đông thì những ngư dân càng có điều kiện cải thiện cuộc sống từ các dịch vụ tắm biển, nghỉ dưỡng và ẩm thực biển. Những đồng tiền đền bù thiệt hại của Formosa cùng với hỗ trợ của Nhà nước đã giúp ngư dân mua sắm ngư cụ, nâng cấp tàu thuyền, mở rộng kho tàng, phục hồi thị trường... Biển miền Trung đã hồi sinh mạnh mẽ và niềm vui của những người đang lấy biển làm sinh kế đã mang lại nguồn sinh lực mới.

Và nỗi hậm hực của những kẻ phá hoại

Niềm hân hoan của ngư dân khi biển hồi sinh lại là nỗi thất vọng ê chề của những kẻ trước đây từng hăng hái “xuống đường vì thảm họa môi trường”, những kẻ từng gào lên “tôi chọn cá”.

Trước một sự thật được hàng trăm tờ báo, trang tin, đài truyền hình trong và ngoài nước phản ánh về nhịp sống mới ở các vùng biển miền Trung trong những tháng gần đây, những kẻ “mượn áo Chúa” ở Nghệ An, Hà Tĩnh, rồi những kẻ nhân danh “nhân quyền, dân chủ” vẫn cố bám víu lấy việc “tẩy chay Formosa” để kích động giáo dân, ngư dân quá khích gây ra các hoạt động chống phá chính quyền. Cho dù là một đứa trẻ cũng nhận biết được sự thật hiển nhiên về sự hồi sinh mạnh mẽ của biển miền Trung; sự phấn khởi, tin tưởng của người dân biển miền Trung trước những hứa hẹn tiềm tàng từ kinh tế biển. Thế nhưng những kẻ cực đoan vẫn không từ bỏ một lý do cực kỳ vô lý và vẫn ra sức kêu gào, vận động những người nhẹ dạ cả tin đi “biểu tình vì thảm họa môi trường”. Họ cố tình không thấy rằng những việc làm của họ đang trở nên lạc lõng, nực cười. Họ cố tình vờ như không thấy rằng việc mượn chiêu bài Formosa giờ đã thành việc làm trơ trẽn và khó có thể lừa bịp được ai nữa. Vì hậm hực nên những kẻ mang dã tâm chống phá đã thực hiện nhiều hành vi manh động. Đó là bao vây UBND huyện Lộc Hà, treo cờ ngũ sắc, đồng thời có những hành vi mang tính bạo động. Và vì không thể lừa bịp được người dân nữa nên ngày 6-4-2017, hơn 350 cựu chiến binh huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã xung phong ra quân, quyết chặn đứng mưu đồ gây rối an ninh trật tự của bất cứ lực lượng nào trên địa bàn huyện. Noi gương cựu chiến binh, các tổ chức phụ nữ, thanh niên cũng đã xuống đường tuần hành phản đối những hành vi xâm phạm lợi ích quốc gia ở Nghệ An.

Sự cố môi trường biển đã đi vào dĩ vãng. Biển đã hồi sinh mạnh mẽ. Sự thật đã quá rõ ràng. Đã đến lúc người dân vùng biển miền Trung nói chung, người Công giáo ở những giáo xứ đang bị các linh mục cực đoan, phản động như Nguyễn Đình Thục, Đặng Hữu Nam cai quản nói riêng cần tỉnh táo, nêu cao tinh thần trách nhiệm với quê hương, trong đó có bản thân và gia đình mình. Không nên quá sợ hãi những kẻ mang danh Chúa nhưng không loan báo “tin mừng” mà lại xô đẩy con chiên của mình vào con đường tội lỗi, làm những việc phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Thảo Linh

  • Từ khóa
2615

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu