Thứ 7, 20/04/2024 18:21:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:51, 16/07/2017 GMT+7

Nỗi đau mang tên “cái chết trắng”

Chủ nhật, 16/07/2017 | 07:51:00 567 lượt xem
BP - Ma túy không những hủy hoại sức khỏe người nghiện mà còn khiến gia đình của họ tán gia bại sản. Ngoài nỗi đau về thể xác và tinh thần của người dính vào “nàng tiên nâu” thì sự khổ tâm của gia đình họ luôn thường trực, kéo dài âm ỉ, khiến họ không dám ngẩng mặt nhìn hàng xóm, láng giềng!

Bi kịch từ ma túy

Đã quá trưa chúng tôi tìm về nhà chị L.T.S ở thôn 1, xã Thiện Hưng (Bù Đốp). Chị vẫn chưa đi làm về, người mẹ già 86 tuổi đang nằm gối đầu lên cán chổi để ngủ trưa ngay ngoài thềm nhà. Bà là Đ.T.N - mẹ đẻ của chị S và là bà ngoại của L.K.D (1998) mới bị bắt vì tội mua bán, tàng trữ ma túy đá. Thấy khách lạ, bà N vừa dò xét vừa ngại ngần. Nói chuyện hỏi thăm một lúc, bà bắt đầu cởi mở hơn: “Thằng D vốn dĩ ngoan lắm. Về đến nhà là bảo ngoại để con bóp chân tay. Rồi tui hỏi nó chuyện có chơi bời không? Nó kêu ngoại yên tâm, con không bao giờ như vậy đâu. Vậy mà...!”. Nói đến đây bà N đưa tay lên lau vội những giọt nước mắt và nhìn ra cổng với vẻ mặt trầm tư. Đúng lúc này, chị S về. Vóc dáng chị nhỏ bé, tiều tụy, mỗi bước đi dường như là một sự cố gắng. Thật khó để chị mở lòng. Chị nói: “Chuyện vui thì chia sẻ dễ dàng, còn đây là sự xấu hổ tôi chỉ muốn giấu trong lòng”. Chính vì sự xấu hổ này mà gia đình chị không dám ngẩng mặt nhìn bà con hàng xóm, luôn khép mình trong nỗi cô đơn, buồn tủi và đau khổ.

Người dân thị xã Đồng Xoài tham gia diễu hành phòng, chống ma túy - Ảnh: S.H

Suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, chị S liên tục đưa tay lên lau nước mắt khi trải lòng về chuyện của gia đình. Không khóc sao được khi chị có 3 người con thì 2 đứa bị bắt vì ma túy. Chị kể: “Con trai cả của tôi sinh năm 1983. Không biết dính vào ma túy từ lúc nào nhưng đến năm 15 tuổi thì nó nghiện nặng lắm rồi. Năm 2008, nó bị bắt đi cai nghiện. Sau 2 năm về tưởng rằng tu chí làm ăn, làm lại cuộc đời nhưng rồi chỉ được vài tháng nó tái nghiện và bị bắt đưa đi cai nghiện bắt buộc. Từ đó đến nay, nó bị bắt đi cai nghiện ở trại Minh Lập (Chơn Thành) 4 lần. Không biết có quyết tâm cai được không hay lại ngựa quen đường cũ? Vợ con nó bỏ về ngoại luôn rồi. Vì ma túy mà gia đình tan nát”.

Nói đến đây, dường như nỗi buồn phiền trong lòng chị S lại trỗi dậy. Chị gục mặt xuống mặt bàn và khóc nức nở. Chúng tôi chỉ biết động viên chị bớt suy nghĩ, giữ gìn sức khỏe để làm ăn. Trong tiếng nấc, chị cố bình tĩnh để tiếp tục câu chuyện: “Đất không có, mẹ con tôi ở tạm nhà của bà ngoại. Trong người mắc nhiều bệnh nên hằng ngày tôi chỉ đi chẻ hạt điều thuê kiếm 20-30 ngàn đồng đong gạo sống qua ngày”. Chưa dám ngẩng mặt lên nhìn hàng xóm vì nỗi xấu hổ do người con trai cả gây ra thì đầu năm 2017, chị S lại phát hiện đứa con trai út là L.K.D cũng dính vào ma túy. Theo lời chị S, D vốn là đứa con ngoan, đi đâu hay làm gì cũng đều nghĩ đến gia đình. D chăm chỉ cùng mẹ chẻ điều thuê và giúp mẹ việc nhà. Phát hiện D đi theo vết đổ của anh cả, chị S ra sức khuyên răn con. Thấy con dạ vâng ngoan ngoãn ở nhà không tụ tập cùng bạn bè như trước, chị những tưởng con đã bỏ được tệ nạn chết người đó. Không ngờ ngày 4-6-2017, D bị lực lượng chức năng bắt quả tang với tội danh mua bán, tàng trữ ma túy đá và đang chờ ngày xét xử. Hai người con đều dính đến ma túy, của cải trong nhà cũng lần lượt đội nón ra đi. Giờ đây trong căn nhà chỉ còn chị và người mẹ già với những nỗi khổ tâm. Người tốt thì thương cảm cho chị, người độc miệng bàn ra tán vào, bảo gia đình chị vô phúc rồi xa lánh, coi thường.

Lời kêu cứu của đấng sinh thành

Giống như gia đình chị S hay bất kỳ gia đình có con dính vào tệ nạn ma túy, nỗi khổ tâm của người thân là vô vàn. Nói chuyện với ông P.P.Đ (1966) ở xã Lộc Điền (Lộc Ninh) khiến chúng tôi cảm thấy lòng trĩu nặng. Ông Đ và vợ có 3 người con. Trong đó P.P.T (1990) dính vào ma túy đá, đã đi cải tạo bắt buộc 3 năm, đến tháng 6-2016 được về nhà. Nhưng rồi gia đình cũng chẳng yên ổn bao lâu khi T tái nghiện. Để có tiền mua ma túy sử dụng, ban đầu T lấy điện thoại, xe cầm cố và bán, sau thì xin xỏ, vay mượn khắp nơi. Không được đáp ứng, T chửi bố mẹ, anh em, quậy phá gia đình, buộc ông Đ phải viết đơn cầu cứu cơ quan chức năng đưa con trai của mình đi cải tạo. “Từ lúc nó nghiện, rồi từ trại cai nghiện trở về gia đình tôi chưa ngày nào được yên ổn, không thể làm ăn. Trong lòng lúc nào cũng canh cánh lo sợ nó quậy phá gây nguy hiểm cho xã hội” - ông Đ buồn rầu.

Từ lúc D bị bắt không ngày nào chị S không khóc vì suy nghĩ, khổ tâm

Không có cha mẹ nào muốn con vào tù. Nhưng trường hợp của ông H.V.C (1969) ở xã Lộc Hiệp (Lộc Ninh) cũng vô cùng chua chát. Vợ chồng ông quanh năm chăm chỉ làm ăn buôn bán để nuôi cậu con trai duy nhất học hành thành người. Chẳng ngờ H.V.Đ (1992) “báo hiếu” bằng cách vác dao rượt đuổi chém bố 4 nhát gây thương tích 16%. Trầm ngâm bên tách trà, ông C chia sẻ với chúng tôi: “Đ là con một nên được gia đình chiều chuộng. Gia đình tôi trông cậy cả vào con, đầu tư cho nó ăn học. Một ngày của năm 2007, tôi thấy con có nhiều biểu hiện lạ. Để ý rồi phát hiện nó lấy tờ giấy đốt lên để ngửi. Biết con đã “lạc đường”, gia đình tìm mọi cách khuyên răn, ngăn cản. Nhưng rồi trong nhà bao nhiêu tài sản đã ra đi theo những cơn phê ma túy của con. Từ khi phát hiện con nghiện ngập đến nay, mỗi ngày đều phải cho nó 200-300 ngàn đồng để mua ma túy đá. Nếu không cho nó cầm cố xe, điện thoại, nương rẫy. Có hôm lên cơn, nó xin tiền nhưng vợ chồng tôi không cho, nó mang tivi đi bán. Tôi ngăn cản, vậy là nó lấy dao rượt chém tôi”.

Nói đến đây trên khóe mắt người đàn ông từng trải nước mắt cứ chảy dài. “Có ai muốn vạch áo cho người xem lưng đâu. Và cũng có bố mẹ nào muốn con vào tù. Nhưng tôi không muốn cháu tiếp tục mắc phải sai lầm. Sinh con ra không dạy dỗ được đành cậy nhờ pháp luật nghiêm minh, lòng người cha, người mẹ nào không đau. Nhưng càng dung túng bao che cho con thì càng làm hại con!” - ông C ngậm ngùi.

H.A

  • Từ khóa
93314

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu