Thứ 4, 24/04/2024 00:15:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 13:00, 11/12/2016 GMT+7

Nồi đất - nét đẹp văn hóa truyền thống của người Mơnông

Chủ nhật, 11/12/2016 | 13:00:00 907 lượt xem
BP - Trong hàng loạt các vật dụng và dụng cụ như ché, chiêng, nồi đồng... thì nồi đất đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người Mơnông. Nồi đất là một vật dụng không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hằng ngày ở mỗi gia đình Mơnông.

Nồi đất là tên gọi một trong những vật dụng được làm từ đất sét, nung ở nhiệt độ cao và được tráng men hoặc để mộc. Nồi đất có hình dáng miệng loe, cổ thắt, thân phình và thon dần về đáy, đáy hơi lồi. Để làm ra một chiếc nồi phải trải qua nhiều công đoạn nhưng gồm 5 khâu chính: làm đất, tạo hình dáng, trang trí hoa văn, tạo màu và nung đốt. 

Để có nguyên liệu làm được chiếc nồi đất, người thợ tìm đến vùng đất gần sông, suối, ao, hồ... nơi có đất bãi bồi lấy phần đất sét mang về xử lý tạp chất và tiếp đến là pha nước vào đất, giã cho nhuyễn và dẻo lại. Để có chiếc nồi theo ý muốn thì người thợ tạo hình dáng nồi và dùng que tre (hoặc nứa) tạo hoa văn trên nồi (người Mơnông chủ yếu là tạo hoa văn khắc vạch). Để nồi được mịn, không sần sùi... người thợ dùng  mảnh vải cũ (nhỏ) nhúng vào nước rồi miết lên trên nồi hoặc dùng đá, sỏi cà lên. Sau đó, nồi được mang ra phơi khô ngoài nắng khoảng 7-10 ngày. Để tạo độ bóng và màu men cho nồi người thợ thường dùng vỏ cây crưm (cây lộc vừng) giã nhuyễn nhúng vào nước rồi dùng vỏ cây quét lên. Cuối cùng nồi được đưa vào nung khoảng 30 phút đến 1 giờ ở nhiệt độ vừa phải (nung với vỏ trấu hoặc mùn cưa và củi). Thường nồi đất của người Mơnông không tráng men, để “mộc”, do sử dụng lâu ngày nên có màu đen của bụi than bếp.

Nồi đất của người Mơnông

Nồi đất có kích thước và công dụng khác nhau. Tùy theo kích cỡ mà sử dụng nấu cơm, thức ăn, đồ xôi hay luộc thịt... Những nồi to thì sử dụng nấu cơm trong gia đình; nồi nhỏ hơn để luộc thịt, nấu canh... còn nồi nhỏ nhất dùng đồ xôi cúng các lễ trọng đại trong gia đình như lễ đặt tên con, lễ trưởng thành, lễ cúng mừng sức khỏe ông, bà... Ngoài dùng để nấu cơm, canh, thức ăn hằng ngày, nồi đất còn dùng để đựng gạo hay cất giấu đồ trang sức trong gia đình như vòng đeo tay, chuỗi đeo cổ, dây đeo lưng, hoa tai ngà voi...

Đối với một số gia đình người Mơnông không tự làm được, họ trao đổi bằng những sản phẩm như gạo, bắp hoặc bằng gà, chó, heo... tùy theo kích cỡ và hình dáng của từng chiếc nồi. Nồi nhỏ được đổi với số lượng gạo tương ứng với chiếc nồi, nồi lớn hơn thì số lượng gạo nhiều hơn. Nồi lớn nhất, ngoài số lượng gạo tương ứng thì phải kèm theo một con heo (khoảng 20kg). Ngoài ra, để nhận biết được trong mỗi gia đình người Mơnông có mấy người con gái, khách chỉ cần nhìn vào số lượng nồi đất để trong góc bếp hoặc góc nhà.

Nồi đất được người Mơnông coi là vật linh thiêng. Tất cả những chiếc nồi đất làm hoàn thành, trao đổi hoặc mua đều phải làm lễ cúng thần nồi. Lễ vật là một ché rượu cần nhỏ, một ít gạo, rau, thịt, nước và một con gà trống nhỏ. Người lớn tuổi nhất trong gia đình cúng và lấy huyết gà bôi lên miệng chiếc nồi mời thần nồi về trú ngụ và phù hộ cho mọi thành viên trong gia đình. Nồi đất được người Mơnông coi là tài sản dùng để làm của hồi môn cho con cái khi lập gia đình với mong muốn của cha mẹ dành cho con luôn có cơm no, áo ấm, gia đình sung túc, con cháu đông...

Trong đám cưới, sính lễ ngoài thổ cẩm, trang phục, trang sức thì không thể thiếu một nồi đất. Trong tang ma, nồi đất là một trong những đồ tùy táng, cùng với những vật dụng sinh hoạt như chén, bát, chiêng, ché... Nồi đất cũng được “mang theo” cùng người chết. Nhưng tất cả đều được phá hỏng, đập vỡ, như chọc thủng đáy và chiêng thì đục thủng mặt...

Ngày nay, các vật dụng làm bằng gốm nói chung và nồi đất nói riêng không được sử dụng rộng rãi như trước nhưng vẫn giữ một vai trò quan trọng trong các nghi lễ ở mỗi gia đình người Mơnông. Chính vì lẽ đó, nồi đất cần được bảo tồn, gìn giữ và phục hồi nét đẹp văn hóa truyền thống của người Mơnông.

Đoàn Nhân

  • Từ khóa
92496

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu