Thứ 6, 19/04/2024 11:27:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:46, 17/05/2016 GMT+7

Nỗi bất an mang tên giáo dục!

Thứ 3, 17/05/2016 | 08:46:00 102 lượt xem

BP - Tuần qua, những người quan tâm đến giáo dục nước nhà lại có dịp để bàn luận xung quanh lá thư với 8 thỉnh cầu của cô Hoàng Thị Thu Hiền, giáo viên THPT ở thành phố Hồ Chí Minh gửi tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục -  Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Chuyện thầy cô, học trò, thậm chí phụ huynh viết thư cho Bộ trưởng Giáo dục ở ta không còn là chuyện lạ. Năm 2014, một học sinh trong nỗi hoang mang vì phải chuẩn bị cho kỳ thi “hai trong một” đầu tiên đã viết thư gửi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận. Thư em có đoạn: Xin “các bác” đừng bắt chúng cháu học theo kiểu Việt Nam mà lại thi theo kiểu Mỹ, kiểu Úc nữa! Và như chúng ta đã biết, kỳ thi “hai trong một” vẫn diễn ra theo kế hoạch - cho dù các em học sinh không được dạy theo kiểu Mỹ, kiểu Úc!

Những điều cô giáo Hiền ở thành phố Hồ Chí Minh thỉnh cầu Bộ trưởng Giáo dục thực ra cũng chỉ là những chuyện mà lâu nay báo chí vẫn đề cập. Đó là tình trạng học sinh phải học nhồi nhét, phải dành nhiều thời gian, công sức để học rất nhiều môn mà toàn là lý thuyết. Dù học đến phờ phạc, có em phát điên nhưng lại thiếu kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, không biết bênh vực cái tốt, trước cái ác không dám lên tiếng phản đối. Rồi tình trạng thay đổi liên tục sách giáo khoa và cách thi cử; việc Bộ Giáo dục - Đào tạo đưa ra những quy định vô lý về công tác quản lý giáo viên bằng rất nhiều loại sổ sách, mất nhiều thời gian mà chẳng mang lại lợi ích gì; việc cần có chế độ đãi ngộ phù hợp cho giáo viên vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; việc bộ liên tục đưa ra các khẩu hiệu, các cuộc vận động, nhưng thực tế chỉ là chạy theo thành tích một cách hình thức...

Còn nhớ hồi học cấp I, chỉ riêng phần toán đố của môn Toán, thế hệ chúng tôi từng được giải rất nhiều loại đề. Những đề toán mang nhiều nội dung khác nhau, từ những nội dung “chiết khấu” - tính lỗ lãi trong kinh doanh đến những bài toán mang nội dung thiên văn học, kinh nghiệm sản xuất, kiểu như bài toán đố “mèo trèo cau”. Mỗi lần hiểu một đề toán, chúng tôi lại thu lượm được một tri thức nào đó ở một lĩnh vực ngoài môn Toán. Rồi cũng qua những đề toán đó, khả năng đọc hiểu và vốn từ cũng ngày càng được trau dồi. Thú vị nhất, là những tiết thầy yêu cầu lớp sáng tác đề toán. Mỗi nhóm mỗi kiểu, chúng tôi chấm cho nhau, đề nào hay thì được thầy cho chép lên bảng để cả lớp cùng giải.

Nhưng thời ấy qua rồi. Bây giờ, sách giáo khoa tràn lan nhưng không được kiểm soát. Vì thế, có những đề toán rợn người “Bàn tay em có năm ngón, em chặt đi ba ngón, hỏi còn mấy ngón?”. Hoặc phi giáo dục như “Nam năm nay bốn tuổi, tuổi của bố gấp bốn lần tuổi Nam, tuổi mẹ gấp ba lần tuổi Nam. Hỏi bố Nam bao nhiêu tuổi? Mẹ Nam bao nhiêu tuổi?”. Đáng nói là khi các phóng viên truy đến cùng thì tác giả cuốn sách giáo khoa trả lời: vì đã bán đứt bản quyền rồi nên không chịu trách nhiệm nữa!?

Chưa cần đọc 8 thỉnh cầu của cô giáo Hiền, chỉ hằng ngày nhìn các cháu tiểu học còng lưng đeo một ba lô nặng sách vở đi học và bố mẹ chúng hằng đêm đánh vật với việc học hành của con; chỉ đọc lên những đề Văn, đề Toán ngô nghê, phản giáo dục, vô nhân tính đã thấy bất an với chuyện học hành của con trẻ rồi!

Thảo Nguyên

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu